Thứ Năm, 10/09/2015 | 05:45

Nằm heo hút trong những căn nhà cao tầng ở ngõ 123 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội mọi người thường gọi đây là xóm chạy thận. Nơi đây là mái nhà của 136 bệnh nhân chạy thận.

Những cụ già ngồi hóng mát vào buổi chiều ở xóm chạy thận.

Nơi lá rách ít đùm là rách nhiều

Đi sâu vào ngõ 123 Lê Thanh Nghị, ngách 112 của ngõ này là ngách dành riêng cho xóm chạy thận bởi ở đây người bệnh chạy thận còn nhiều hơn cả người dân bình thường. Nhưng ở nơi đây, tình người lúc nào cũng đong đầy.

Cô Lan – 56 tuổi quê ở Văn Chấn, Yên Bái là một trong hơn trăm “công dân” của xóm chạy thận được mọi người cử làm tổ thư ký, xóm phó của xóm này. Trò chuyện với chúng tôi, cô Lan không giấu được cảm xúc của mình. Gia nhập xóm chạy thận từ hơn 1 năm nay nhưng với cô Lan, những bệnh nhân ở đây chẳng khác nào người một nhà, người làng xóm ở quê. Ở đây không có khoảng cách, không có rào cản nào ngăn họ xích lại gần nhau hơn.

Đều là bệnh nhân mắc căn bệnh “nhà giàu”, cô Lan bảo hầu như ai đã chạy thận dù gia đình có của ăn, của để thì cũng chỉ một thời gian ngắn là tiêu tan. Các bệnh nhân về đến đây họ đều đã khánh kiệt sau một thời gian điều trị cấp cứu hoặc suy thận cấp.

Tình nghĩa mọi người san sẻ cho nhau. Có lẽ, không ở đâu trong cái thành phố này họ san sẻ cho nhau nhiều như thế. Vừa cầm vài củ khoai, mấy quả bưởi được người thân mang từ quê ra, cô Lan nhẹ nhàng bóc ra bỏ vào từng gói nhỏ chia cho mọi người trong xóm.

Cô bảo ở đây đúng là lá rách ít đùm lá rách nhiều. Ai đến ca chạy thận, họ về mệt không nấu được cơm ăn thì mỗi người san ít cơm, ít canh là người kia được bữa ăn. Ai phải đi cấp cứu mọi người đêu nhanh nhẹn gọi nhau người làm xe ôm, người chạy vào viện, người đi làm thủ tục giúp. Bởi nhiều bệnh nhân chạy thận ở đây họ sống một mình, sống chung với bệnh nhân khác không có người nhà đến chăm sóc.

Những người trong xóm này mỗi người một quê hương nhưng về đây họ đều có chung hoàn cảnh là sống bằng lọc máu nên ai cũng hiểu nỗi đau mà người kia phải chịu đựng.

Cảnh người bệnh đi hỏi thăm người bệnh

Cô Lan kể với chúng tôi chuyến đi Thanh Hóa của xóm chạy thận về hỏi thăm một người cũng là bệnh nhân của xóm chạy thận nhưng đã không may mắn trong hành trình chạy thận. Bệnh nhân tử vong nên mọi người trong xóm lại bàn nhau góp mỗi người ít tiền thuê xe về tận nơi phúng viếng chia sẻ đau buồn với người đã mất.

Với bệnh nhân chạy thận, nếu bỏ viện chỉ 1 tuần đến 10 ngày họ có thể tử vong. Có những người khi người thân lên dọn đồ đạc mọi người mới biết là người ấy đã mất. Cả xóm lại họp nhau gửi hương, tiền vàng về thăm hương người kém may mắn hơn mình.

Cùng với đó, cô Lan cho biết không chỉ đi thăm viếng những người trong xóm mà ngay cả song thân phụ mẫu của những bệnh nhân ở đây không may qua đời thì mọi người trong xóm vẫn cử đoàn về viếng đàng hoàng.

Cụ Nguyễn Thị Tị, 81 tuổi quê Mỹ Đức, Hà Nội là bệnh nhân chạy thận trọ tại xóm này đã 4 năm nay, với cụ Tị đây là mái nhà của cụ đến cuối đời. Giọng buồn rầu cụ bảo: “Tôi già rồi mà ông trời không cho ở nhà, phải lên đây sống bám vào bệnh viện”. Với cụ Tị cuộc đời vẫn còn may vì có những người đồng cảm với mình.

Chỉ vào cầu tay nơi chạy thận, cụ bảo ngày hôm trước chúng tôi vừa phải tiễn một bệnh nhân tử vong vì cầu tay không nhận nữa, họ mở cầu mới nhưng bệnh nhân không cầm được máu nên tử vong.

Những người ở xóm này, sống gắn với bệnh viện không bao giờ biết nhà mình thế nào. Cụ Tị sức khỏe yếu dù nhà cách vài chục km nhưng nửa năm con cháu mới đưa về thăm nhà một lần vì không có điều kiện thuê xe. Đi xe buýt thì cụ không chịu được, xe máy không ngồi được.

Mỗi buổi chiều đến, những người trong xóm lại ra ngoài ngõ ngồi nói chuyện với nhau. Những người trẻ họ còn có sức khỏe, họ đi làm thêm như bán bánh mì, bán nước còn với những bệnh nhân nhiều tuổi như cụ Tị thì bầu bạn với những bệnh nhân già khác là niềm vui duy nhất ở đây.

Khánh Ngọc

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook