Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có bà bầu bị sốt xuất huyết phải nhập viện, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
Theo tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu thuyên giảm, trong số này có nhiều trường hợp là thai phụ. Chỉ tính riêng 3 tuần đầu của tháng 11, có tới gần 30 bệnh nhân đang có thai hoặc liên quan đến thai sản phải nằm điều trị. Gần như ngày nào cũng có 1, 2 ca sốt xuất huyết là bà bầu đến khám và nhập viện tại khoa.
Nhập viện trong tình trạng toàn thân phù to, có các mảng, nốt xuất huyết dưới da, ra máu âm đạo, khó thở, sốt cao 39,5 độ C, chị Hà 31 tuổi là ca sốt xuất huyết nặng nhất từ đầu mùa dịch tới nay. Bệnh xuất hiện khi bà bầu bị tiền sản giật, phải mổ đẻ non lại sinh đôi, đe dọa tính mạng của cả mẹ con. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch.
Gần như ngày nào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng có bệnh nhân sốt xuất huyết là bà bầu đến khám và nhập viện. Ảnh: Mai Thanh. |
Những thai phụ mắc sốt xuất huyết như chị Hà không phải hiếm gặp trong đợt dịch sốt xuất huyết kéo dài đợt này tại miền Bắc. Khi có bầu, sức đề kháng của chị em giảm xuống nên dễ mắc bệnh, trong đó có sốt xuất huyết. Đây là bệnh hết sức nguy hiểm vì thế nếu nghi ngờ mắc bệnh thai phụ sẽ được nhập viện để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Phụ nữ mang thai những tháng đầu bị sốt xuất huyết có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như: chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Những bé sinh ra từ bà mẹ tiểu cầu hạ có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí vài tuần sau sinh.
Vì thế, quan trọng nhất là chị em đang có thai nên tránh bị sốt xuất huyết. Bà bầu nên mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi… để đuổi và diệt muỗi. Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt loăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh.
Theo thống kê Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 56 trên 63 tỉnh thành, gần 50.000 ca mắc và cướp đi sinh mạng của 47 người, tăng cao so với năm 2014. Dự báo Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu và đợt El Nino mạnh nhất gây sức tàn phá lớn nhất từ trước đến nay. Điều này làm ảnh hưởng đến cơ cấu dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết.
Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, kéo dài không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước thế giới. Có nơi nhiều năm dịch không xuất hiện nhưng năm 2015 lại xảy ra như Ai Cập; một số nước châu Âu, nơi có khí hậu lạnh cũng ghi nhận ca bệnh. Singapore là nước có điều kiện vệ sinh môi trường sạch sẽ nhưng dịch năm nay cũng tăng 28%; Hong Kong cũng tăng đến 125% so với năm ngoái.
Phương Trang
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.