Những buổi tiệc tùng ồn ào, thói quen nghe nhạc với âm thanh quá lớn tạo ra một thế hệ những người trẻ khiếm thính.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê thế giới có khoảng 1,1 tỷ người từ 12 đến 35 tuổi nghe nhạc qua các thiết bị cá nhân ở mức volume không an toàn. Cùng với thói quen tham gia các buổi hòa nhạc hay tiệc tùng quá ồn ã, thế hệ ngày nay đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn thính giác trước năm 60 tuổi.
Trao đổi với L’Obs, Jean-Michel Klein, bác sĩ tai mũi họng tại Paris (Pháp) cho biết ông ngày càng gặp nhiều bệnh nhân trẻ bị suy giảm khả năng nghe do đi chơi ở hộp đêm hoặc nghe nhạc quá nhiều. Họ cảm thấy xấu hổ và chờ rất lâu mới đi khám khiến tình trạng đôi khi nặng đến mức không thể chữa trị. Trong số này, người nhẹ nhất sẽ trở nên khiếm thính khi 60 tuổi còn ai nặng hơn sẽ điếc ở tuổi 50.
Ảnh: bestmat.ch. |
Tương tự như đối với ánh nắng mặt trời hoặc rượu, cơ thể con người có sức chịu đựng cơ bản cho phép chống lại các cú sốc. Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng cú sốc âm thanh như một quả đấm vào mặt. Bạn sẽ bị thương nhưng dần hồi phục theo thời gian. Tuy nhiên nếu hiện tượng này lặp đi lặp lại không ngừng, cơ thể sẽ không bao giờ lành lại. Đây chính là điều sẽ xảy đến với đôi tai nếu chúng bị lạm dụng quá mức dưới tác động của âm thanh quá lớn.
Vậy chúng ta phải làm gì để giữ gìn đôi tai của mình? Bác sĩ Klein tin rằng không bao giờ là quá muộn để tự bảo vệ bản thân. Điều đầu tiên bạn có thể thực hiện để tai nghỉ ngơi. Tiếp đến, hãy sử dụng nút bịt tai khi đến những nơi ồn ào và không bao giờ vặn volume của tai nghe lên cỡ đại.
Ngoài ra, hãy để ý những triệu chứng thính giác. Nếu âm thanh trong buổi hòa nhạc hoặc từ thiết bị cá nhân gây khó chịu, đau đớn cho bạn dù không quá lớn, hãy đi gặp bác sĩ bởi đó chính là dấu hiệu cho thấy đã có hỏng hóc ở một bộ phận nào đó.
Tóm lại, đừng quên rằng chúng ta chỉ có hai tai. Công nghệ dù phát triển đến mức nào cũng khó lòng thay thế những gì vốn có bị đánh mất.
Nhật Minh
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.