Thứ Hai, 01/02/2016 | 12:00

Người khiếm thị khả năng nhìn còn lại rất kém do những tổn thương thị giác gây ra. Theo ước tính của WHO năm 1992, tỷ lệ người khiếm thị gấp 3 lần người mù. Tại Việt Nam có khoảng 2 triệu người bị khiếm thị. Mặc dù công tác chăm sóc phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị bắt đầu được khởi xướng từ năm 1999 tại Bệnh viện Mắt Trung ương nhưng từ đó tới nay lĩnh vực này chưa được coi là ưu tiên trong phòng chống mù lòa. Trước thực trạng đó, năm 2013, Bệnh viện Mắt Trung ương đã thực hiện Dự án chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khiếm thị tài khóa 2013-2015. Sau 3 năm triển khai, Dự án đã được được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhiều khởi sắc sau 3 năm thực hiện Dự án chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khiếm thị
PGS.TS. Cung Hồng Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo tổng kết Dự án chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khiếm thị tài khóa 2013-2015 tại Hà Nội, ngày 29/1/2016, PGS.TS. Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Dự án trên nhằm mục tiêu xây dựng đơn vị phục hồi chức năng khiếm thị tại Bệnh viện Mắt Trung ương; cung cấp dịch vụ khám khiếm thị; góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội, các cơ quan ban ngành có liên quan về công tác phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị; đào tạo về phục hồi chức năng thị giác về khiếm thị cho cả nước và xây dựng 2 đơn vị phục hồi chức năng khiếm thị tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình và Bệnh viện Mắt Da liễu Hải Dương.

Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương, các mục tiêu Dự án, Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện và triển khai đầy đủ. Bệnh viện đã xây dựng Đơn vị phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị đặt tại 38A Trần Nhân Tông; đồng thời trang bị đủ các thiết bị khám khiếm thị; nâng cấp phòng khám để hòa nhập khuyết tật; đào tạo cho cán bộ của đơn vị và xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn; cung cấp kính trợ thị cho người khiếm thị nghèo; tư vấn chuyển tuyến cho người khiếm thị. Ngoài ra, Bệnh viện đã cung cấp dịch vụ khám phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị đến khám tại Trung tâm; chăm sóc và theo dõi thường xuyên cho học sinh khiếm thị của một số trường khuyết tật như: trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, Trường Nguyễn Văn Tố, … hỗ trợ cho Trường Nguyễn Đình Chiểu để khám cho học sinh khiếm thị tại một số tỉnh: Hải phòng, Thái Bình, Thái Nguyên… thiết kế, in tờ rơi, panô, poster, phát cho bệnh nhân, dán tại khu vực phòng chờ khám trong Bệnh viện và gửi cho các cơ sở khám mắt, hội người mù các tỉnh; thực hiện các chương trình về phục hồi chức năng cho người khiếm thị trên đài truyền thanh, truyền hình và báo chí… tổ chức các khóa học về khiếm thị cơ bản và nâng cao, khóa học về phương pháp giảng dạy cho cán bộ của đơn vị; tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ làm công tác khiếm thị tại 2 tỉnh: Hải Dương, Ninh Bình; tham gia giảng bài khiếm thị cho các đối tượng học viên đến học tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ngoài ra, Bệnh viện đã hỗ trợ Bệnh viện Mắt Da liễu Hải Dương và Bệnh viện Mắt Ninh Bình tổ chức phòng khám khiếm thị, đào tạo cho cán bộ y tế tại 2 tỉnh về khám khúc xạ và khám khiếm thị; hỗ trợ Bệnh viện Mắt Hải Dương tổ chức hội thảo về khiếm thị ở huyện Ninh Giang…

Nhiều khởi sắc sau 3 năm thực hiện Dự án chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khiếm thị
Toàn cảnh Hội thảo

Qua 3 năm thực hiện Dự án, số lượng bệnh nhân khiếm thị được khám tại Đơn vị phục hồi chức năng khiếm thị đã tăng lên theo các năm. Năm 2013, Đơn vị tiếp đón 270 bệnh nhân đến khám mới; năm 2014 tăng lên là 401 bệnh nhân và năm 2015 con số này đã tăng lên 482 bệnh nhân, trong đó có 302 bệnh nhân khám mới và 180 bệnh nhân khám lại. Như vậy, trong 3 năm thực hiện Dự án, đã có 973 bệnh nhân khiếm thị được khám mới, trong đó bệnh nhân nam chiếm 58% và nữ chiếm 42%.

Tại Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương, một trong 2 tỉnh thực hiện thí điểm Dự án cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo BS. Vũ Văn Khoái, tại Hải Dương số người khiếm thị cũng có đến hàng ngàn người. Tuy không phải là những người mù, mà chỉ là thị lực kém, nhưng vì không được chăm sóc, phục hồi chức năng nên nhiều người trong số họ mắt từ nhìn kém, ngày càng kém hơn gây trở ngại lớn trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội. Thông qua Dự án, trong những năm qua, Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương đã được tổ chức quốc tế CBM (tổ chức phi chính phủ của Đức) cùng với Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức các buổi hội thảo và những lớp tập huấn để nâng cao chuyên môn và kĩ năng phục vụ người khiếm thị. Năm 2014, tổ chức 2 buổi Hội thảo về “Phát triển dịch vụ phục hồi chức năng cho người khiếm thị” và hội thảo về “Dự án chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị”; mở các lớp tập huấn tại Bệnh viện Mắt và Da liễu và Trung tâm y tế huyện Ninh Giang để nâng cao nhận thức của cán bộ y tế cơ sở về khiếm thị. Năm 2015, Bệnh viện đã cử cán bộ tập huấn tại Bệnh viện Mắt Trung ương và tổ chức những buổi Hội thảo “tập huấn nhìn kém cho cán bộ chuyên trách”. Bệnh viện đã xây dựng phòng thị lực thấp, lên lịch khám vào thứ sáu hàng tuần phục vụ riêng cho người khiếm thị và áp dụng phương pháp phục hồi chức năng cho người khiếm thị…

Tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình, nhờ sự hỗ trợ của Bệnh viện Mắt Trung ương và tổ chức CBM, Bệnh viện có 1 phòng khám dành riêng cho người bị khiếm thị và được cấp các dụng cụ để khám: bảng thị lực, các loại kính lúp, kính gọng, kính viễn vọng, giá đọc, đèn bàn… Năm 2015, Bệnh viện được tài trợ đào tạo 01 bác sỹ, 01 kỹ thuật viên về khúc xạ tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Kết quả, Bệnh viện đã khám sàng lọc và phát hiện được 22 trường hợp khiếm thị. Các trường hợp bị khiếm thị đã được lập hồ sơ quản lý và được khám định kỳ tại Bệnh viện… Bệnh viện phối hợp với Hội người mù tỉnh Ninh Bình tổ chức khám, tư vấn, điều trị cho người bệnh bị khiếm thị giúp cho người khiếm thị có thể tham gia hòa nhập cộng đồng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, việc triển khai thí điểm Dự án tại 2 Bệnh viện cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức như: cơ sở vật chất còn chật trội và xuống cấp; cán bộ chuyên sâu về khiếm thị còn thiếu và kinh phí phục vụ cho công tác chăm sóc người khiếm còn hạn chế vì vậy rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Bài, ảnh: Hoàng Hiền

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook