Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, vào mùa mưa sốt xuất huyết đang là bệnh xảy ra khá phổ biến tại một số nơi với nhiều người mắc bệnh. Điều đáng cảnh báo là tỷ lệ sốt xuất huyết nặng ngày càng cao với những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng hơn so với trước đây.
Trẻ bệnh sốt xuất huyết đang điều trị tại BV Nhi đồng 1.Ảnh: B.VânỞ một số địa phương không chỉ số lượng người nhập viện tăng mà Đồng Nai và Bến Tre đã có 5 ca tử vong vì sốt xuất huyết.
Dịch bùng phát như dự báo
Cách đây 2 tháng, sốt xuất huyết đã bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước. Đây là thời điểm chuyển mùa, mưa nhiều khí hậu nóng ẩm. Trong tháng 8 đoàn công tác của Bộ Y tế đã về Khánh Hòa làm việc với dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam. Cùng thời điểm đó, ổ dịch sốt xuất huyết nguy hiểm đã xuất hiện ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM và một số tỉnh ở vùng Tây Nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo kết quả khảo sát tại chỗ, Sở Y tế TP.HCM cho biết ổ dịch bùng phát mạnh ở vùng bán thành thị, ven nội thành dân cư đông đúc. Đây là những nơi có nhiều khu đất trống, sân vườn rộng và trang trại chăn nuôi gia súc. Thời điểm này số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM đã gia tăng và có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết. Chỉ sau một thời gian nỗ lực, Trạm y tế xã Đông Thạnh đã phối hợp kịp thời với Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn nên đã nhanh chóng khống chế được ổ dịch rất kịp thời. Đúng như dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh vào tháng 9 và tháng 10 vì đây là thời điểm mưa nhiều lăng quăng và muỗi có điều kiện sinh sôi nảy nở. Qua giám sát gần 11 ngàn điểm nguy cơ sốt xuất huyết ngành y tế TP có đến hơn 3 ngàn điểm nguy cơ có lăng quăng. Ngoài ra, còn có 720 điểm nguy cơ mới phát sinh trong đó tập trung ở quận Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
Tại các địa phương khác, đây cũng là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh sau những đợt mưa kéo dài, các cơn lũ đổ về. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có hơn 2.300 ca bị sốt xuất huyết – một con số nhiều đáng kể vì so với cùng kỳ năm ngoái địa phương này đã tăng gấp 3 lần số lượng ca sốt xuất huyết. BS Đỗ Tấn Hồng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre cho biết, trong số đó đã có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Có trường hợp tử vong mới 12 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, suy đa cơ quan nên không thể cứu chữa được. Chiều 21-10, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau xác nhận tại địa phương có một bé gái 4 tuổi tử vong vì sốt xuất huyết.
Rõ ràng, mặc dù ngành y tế đã nỗ lực cố gắng nhưng dịch sốt xuất huyết không những giảm mà còn có chiều hướng gia tăng với những diễn biến phức tạp. Một nguyên nhân khác khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát là năm nay rơi đúng vào chu kỳ của dịch sốt xuất huyết diễn ra 5, 6 năm quay lại một lần.
Sốt xuất huyết Dengue gây tử vong
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa phương đã có gần 3.000 ca sốt xuất huyết điều trị nhập viện trong đó có 3 ca do bị nặng nên đã tử vong. Đó cũng là con số tử vong của tỉnh Cà Mau do sốt xuất huyết trong đầu năm nay. Rõ ràng sốt xuất huyết nếu không được theo dõi và giám sát kỹ không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn nguy cơ cao về tính mạng cho con người. Riêng trong 3 tuần đầu của tháng 10 địa phương này đã có gần 300 ca sốt xuất huyết nhập viện tăng gần 30% so với tháng 9.
Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết Dengue không bị lây
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (BV Nhiệt đới TW) cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) lây truyền qua đường muỗi đốt. Muỗi vằn(Aedes)hút máu người bị bệnh sau đó sẽ lây truyền virus Dengue sang cho người lành. Bệnh SXHD không lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, nên chăm sóc người bệnh SXHD không bị lây. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh để muỗi đốt vì muỗi có thể truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Bệnh SXHD thường tăng nhiều vào các tháng mùa mưa, có nhiệt độ trung bình cao. Ở nước ta, khu vực miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, ở miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Cứ khoảng 3-5 năm một lần lại có một vụ dịch SXHD lớn hơn xảy ra, điều này có thể liên quan đến chu kỳ thay đổi của khí hậu làm tăng nhiệt độ và mức độ mưa. Để phòng tránh SXHD, cần tránh bị muỗi đốt”.
Sơ đồ con đường lây nhiễm của bệnh SXHD |
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, tính từ đầu năm đến nay có hơn 14 ngàn ca sốt xuất huyết, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015. Dù số lượng ca sốt xuất huyết của từng kỳ, từng địa phương không đi theo một biểu đồ chung nhất mà có sự biến thiên liên tục. Tuy nhiên, theo đánh giá toàn cục thì biểu đồ đó luôn có chiều hướng đi lên do tỷ lệ sốt xuất huyết tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng diễn biến của dịch sốt xuất huyết vẫn là một ẩn số mặc dù được dự báo trước nhưng vẫn có những đột biến xảy ra ngoài nhận định. Đây chính là bài toán khó của ngành y tế và các trung tâm y tế dự phòng các tỉnh thành trong cả nước.
Lời khuyên của ThS.BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (BV Nhiệt đới TW) đối với người dân là luôn đề phòng với căn bệnh sốt xuất huyết bằng những kỹ năng sống thuần thục như xóa bỏ ao tù nước đọng, triệt hạ lăng quăng và muỗi. Nằm ngủ có mắc màn, mặc quần áo dài để tránh nhiễm bệnh do muỗi đốt. Phòng bệnh cho tập thể bằng cách bảo đảm vệ sinh môi trường, diệt ấu trùng muỗi (lăng quăng) bằng cách thả cá, làm lưới đậy cho những chum, bể nước, loại bỏ các vật dụng, mảnh vỡ đọng nước. Khơi thông các vũng nước đọng và phun thuốc diệt muỗi nếu môi trường có quá nhiều muỗi trưởng thành. Điều đáng lo ngại thêm là các trường hợp mắc virus Zika và quần thể muỗi tự nhiên mang virus Zika thường ở gần với vùng có dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Nguyễn Hoàng Anh
Nguồn: Giáo dục Online
Chưa có bình luận.