Máy ảnh là của bạn, vậy tất nhiên bạn có quyền sở hữu nó. Nhưng bức ảnh người khác chụp bằng điện thoại của bạn thì sao, bạn nghĩ nó có thực sự thuộc về mình?
Năm 2011, nhiếp ảnh gia người Anh David Slater có vài ngày du lịch tại đảo Sylawesi, Indonesia. Tại đây, ông đã để vài chú khỉ cầm và chơi đùa với chiếc máy ảnh của mình. Slater nói đây là việc làm có chủ đích vì ông không thể tự chụp được một tấm ảnh cận cảnh góc rộng với chủ thể là những con khỉ này.
Ông đã đánh cược thành công. Vài tháng sau ông xuất bản một cuốn sách có tên Wildlife Personalities có sử dụng hình selfie của khỉ Naruto làm ảnh bìa. Cuốn sách này bao gồm những bức ảnh động vật tuyệt đẹp và vài bức hình chính chú khỉ Naruto tự tay ấn nút chụp. Slater kiếm được vài nghìn bảng từ bức hình cười toe của Naruto và cuộc chiến bản quyền bắt đầu nổ ra.
Vào năm 2014, trang web Wikipedia đăng hình ảnh của Naruto mà không được sự đồng ý của cần sự đồng ý của Slater. Wikimedia cũng từ chối gỡ bỏ tấm ảnh theo yêu cầu của Slater với lập luận ông không phải người sở hữu bản quyền tấm ảnh do không tự tay bấm máy. Trong khi đó, văn phòng Bản quyền Mỹ nói động vật không thể sở hữu bản quyền và xác nhận đây là bức ảnh không tác giả.
Sau đó, Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA) đứng ra kiện Slater vì cho rằng chú khỉ mới là chủ sở hữu bức hình. Nhiếp ảnh gia Anh David Slater và nhà xuất bản Blurb đã vi phạm bản quyền, khi cho ra mắt cuốn sách “Wildlife Personalities” có sử dụng hình selfie của Naruto làm ảnh bìa vào năm 2014.
Trong đơn kiện viết, bức ảnh chú khỉ selfie là kết quả từ “một loạt hành động có mục đích và chủ động của Naruto mà không cần đến sự trợ giúp của Slater”. “Naruto có quyền sở hữu bức ảnh và hưởng lợi tác quyền như bất kỳ tác giả nào khác”, nhân viên PETA nói.
Theo Telegraph, David Slater khẳng định ông sở hữu quyền tác giả của bức ảnh từ khi ông dựng chân máy và bước đi trong vài phút để tìm con khỉ lấy máy ảnh và chụp. “Họ dường như nhắm vào tôi như một tên tội phạm hơn là người yêu thương, tôn trọng cho động vật. Tôi tự hỏi động cơ thực sự đằng sau vụ kiện là gì”, ông viết.
Cho đến hôm 13/7 vừa qua, Slater thừa nhận với The Guardian ông đã khánh kiệt và muốn kết thúc tất cả. Ông thậm chí không có tiền mua vé máy bay để tham dự phiên tòa diễn ra tại San Francisco vào tuần này. Thay vào đó, ông xem livestream từ nhà mình ở Anh. Ông nói: “Bức hình này đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng thế giới về loài động vật đáng yêu đang bị đe dọa tuyệt chủng. Suy nghĩ ban đầu của tôi là có thể cứu được chúng, đó vẫn luôn là suy nghĩ đi theo mọi hành động của tôi từ trước tới nay.”
Khỉ có mào trên đảo Sulawesi là loài rất quý hiếm và được liệt vào sách đỏ, theo Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên. Tại đây có khoảng 4.000 – 6.000 cá thể sinh sống. PETA cho biết số lượng của loài khỉ này giảm khoảng 90% trong 25 năm qua, chủ yếu do sự xâm hại của con người.
Video: Khoảnh khắc cảm động khi sư tử bị nhốt 20 năm cuối cùng đến ngày tự do
Hải Yến (TH)
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.