Theo các chuyên gia, lấy ráy tai là một thói quen không tốt, trái với tự nhiên. Thậm chí, ngoáy tai còn dẫn đến khả năng viêm nhiễm rất lớn, đặc biệt là ở trẻ em.
Nhiều người quan niệm, ráy tai là chất bẩn, để lâu sẽ khiến thính lực bị suy giảm, vì vậy họ thường ngoáy tai cho sạch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là một thói quen không tốt, trái với tự nhiên. Thậm chí, ngoáy tai còn dẫn đến khả năng viêm nhiễm rất lớn, đặc biệt là ở trẻ em, khi cấu trúc da, niêm mạc, màng nhĩ của tai trẻ còn mỏng, chưa trưởng thành.
Không lấy ráy tai là người ở bẩn?
Rất nhiều người gán “tội danh” cho ráy tai là các chất bụi bẩn tích tụ lâu ngày cần được khai thông thường xuyên. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, ai không lấy ráy tai là những người… ở bẩn. Chị Trần Thị Thành (ở Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, gia đình chị luôn có sẵn các dụng cụ lấy ráy tai trong nhà. Việc lấy ráy đã trở thành thói quen của hai vợ chồng, chị cũng thường dùng tăm bông để lấy ráy tai cho hai con nhỏ.
Khi được hỏi nguyên nhân, chị Thành cho rằng: “Phải ngoáy tai thường xuyên chứ. Ráy tai chính là các tế bào da chết và bụi bẩn tích tụ, lấy hết ra cho sạch tai. Nếu lâu ngày không lấy, cảm giác ngứa ngáy khó chịu làm sao ấy”. Chị còn nửa thật, nửa đùa: “Để lâu ngày, nó “mít” lỗ tai thì còn nghe thấy gì nữa?”. Chính vì thế, cứ cách hai đến ba ngày hoặc khi nào thấy ngứa ngứa, ù tai, người phụ nữ này lại “tự xử”. Vì ráy thuộc dạng khô nên chị mua cây “gậy” lấy ráy bằng kim loại để “cào”cho dễ. Còn ráy tai của hai con chị thuộc dạng ướt nên ngoài việc dùng “gậy” lấy ráy, chị kết hợp dùng tăm bông để vệ sinh tai từ trong ra ngoài.
Không chỉ gia đình chị Thành, rất nhiều người coi việc lấy ráy tai là chuyện đương nhiên. Không những thế, khá nhiều trong số đó đã trở thành “khách ruột” của dịch vụ lấy ráy tai ở các tiệm cắt tóc.
ThS. BS Ngô Văn Quang khuyến cáo, tốt nhất không nên ngoáy tai hoặc đưa bất cứ vật gì vào trong ống tai. Các loại tăm bông chỉ dùng để vệ sinh phần vành tai phía ngoài của ống tai.
Đối với những người bị ráy tai nhiều và hay tái phát, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để kiểm tra, làm súc rửa hoặc dùng dụng cụ chuyên khoa để lấy ráy tai ra. Sau khi khám, nếu màng nhĩ còn nguyên vẹn và không bị bệnh lý nhiễm trùng gì, bác sĩ có thể kê đơn loại thuốc nhỏ tai như dung dịch Cerumenex để làm mềm ráy tai. Ngoài ra, một số người có cơ địa nhạy cảm với thuốc nhỏ tai nói trên cũng cần ngừng ngay nếu có những biểu hiện ngứa, đau, nổi mẩn khi nhỏ thuốc.
Theo Mai Thùy/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.