Người đời sợ chị lo thân còn không xong, nói chi chăm con nhỏ, nhưng chị Cậy (Hà Nội) vẫn vượt lên tất cả để nuôi con.
Lọt thỏm giữa những ngôi nhà khang trang ở thôn Lương Đình (Bắc Sơn, Sóc Sơn) là ngôi nhà tình thương của chị Trần Thị Cậy, 35 tuổi, mới được chính quyền xã làm cho một năm trước. Trong căn nhà còn chưa quét vôi, đồ đạc tuềnh toàng, chị Cậy đang dùng đôi cẳng tay chỉ dài đến khuỷu vỗ về cậu con trai hơn 3 tuổi.
Sinh ra với thân thể không lành lặn, mất hẳn đôi bàn tay, đôi chân tập tễnh bên thụt bên thò, cả tuổi thơ chị Cậy chỉ quanh quẩn xó nhà trông em, chưa một ngày được đến trường. Đến giờ chị vẫn không biết chữ, nên dù có điện thoại cũng không biết nhắn tin hay đọc tin nhắn.
Không muốn thành gánh nặng cho gia đình, từ năm 15 tuổi, chị đã tự mày mò và tập làm những việc vệ sinh cá nhân, nấu nướng, giặt giũ… bằng hai chân. Những ngày đầu, chân ngượng ngùng và không phải lúc nào cũng chịu nghe lời.
“Mình dùng chân để kẹp đồ, nhưng chưa quen nên hay làm vỡ. Nhiều khi cũng nản muốn bỏ cuộc, nhưng sợ bỏ rồi bản thân lại thành gánh nặng, lại cố”, chị tâm sự.
Dần dần, chị Cậy luyện được cho đôi chân được thuần thục, có thể thay thế tay làm mọi việc. Năm 30 tuổi, chị có cơ hội ra khỏi luỹ tre làng, khi tham gia vào một CLB dành cho người khuyết tật. Thế nhưng làm những sản phẩm handmade có độ tỉ mẩn cao khiến chị phải bỏ cuộc, lại trở về thui thủi góc nhà.
Đôi cánh tay chỉ dài đến khửu giúp chị cậy nuôi bò, chăm con trai 3 tuổi.
Cuộc đời tưởng như ảm đạm trôi qua như vậy, cho đến một ngày duyên số đưa đến với chị một người đàn ông. Hạnh phúc chẳng tày gang, người đó cao chạy xa bay ngay khi biết chị mang bầu.
Nghĩ đến một sinh linh bé nhỏ đang dần lớn trên cơ thể, chị Cậy hạnh phúc vô cùng. Nhiều người biết chuyện đã can ngăn nói “ốc còn không mang nổi mình ốc, còn đòi mang cọc cho rêu”, rồi lo sợ chị chăm con ra sao với cơ thể này, nhưng chị quyết giữ con lại.
Mang bầu khiến chân chị teo tóp và tập tễnh hơn. Việc đi lại khó khăn và phải nhờ vào sự giúp đỡ của người mẹ già. Đến tháng thứ 5, chị chuyển ra ở riêng trong gian nhà mượn tạm của người em gái. Chị háo hức đến độ nhờ người chở đi siêu âm nhiều nơi, để chắc chắn con lành lặn và phát triển tốt.
Hơn 9 tháng con trai chào đời, được chị đặt tên Trần Minh Khôi, với ước mong con sáng láng, xinh đẹp để bù đắp mất mát mà mình phải chịu. Từ người chẳng có gì trong tay, chị cảm thấy giàu có mỗi khi ngắm nhìn con.
Những việc vặt như rửa bát, giặt đồ vốn đơn giản với mọi người đều trở thành nỗ lực lớn của chị Cậy.
Từng chăm các cháu, nên chị nhanh chóng làm tốt các việc thay quần áo, cho con ăn uống, tắm rửa… “Những công việc trên cao tôi dùng hai khuỷu tay để nâng, còn ở thấp thì dùng chân. Chẳng hạn kẹp đũa, đút cơm thì bằng chân, còn hai tay thì đỡ bát. Các công việc khác cũng tự mình linh hoạt”, chị chia sẻ.
Bé Khôi từ khi sinh ra hay ốm vặt, khó khăn lại nhân đôi với chị. “Mỗi khi con ốm, mình phải nhờ người thân đi mua thuốc. Người ta bón cơm cho con bằng tay, mình phải bón bằng chân. Nhiều khi con khóc, muốn vỗ về mà chỉ dùng đôi tay cụt ngủn cũng thấy chạnh lòng lắm”, vừa dùng tay kẹp hộp sữa đưa lên miệng cho con, chị vừa kể giọng ngậm ngùi.
Hiện hai mẹ con chị sống nhờ vào số tiền trợ cấp hơn một triệu đồng, và nuôi thêm bò giống được chính quyền xã hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Ngà, trưởng thôn Lương Đình, cho biết, chị Cậy có hoàn cảnh đặc biệt trong thôn. Chị hiền lành, chịu khó và hòa thuận với những người xung quanh. “Cô ấy là người phụ nữ nghị lực. Giàu con mắt, khó đôi bàn tay, vậy mà… Hy vọng sau này khi con lớn lên, cô ấy sẽ được bù đắp”, ông Ngà nói.
Từ khi được chính quyền làm cho ngôi nhà, mẹ con chị Cậy yên tâm vì đã có chỗ che mưa nắng.
Mặt trời tắt bóng trên ngôi nhà chị Cậy. Người mẹ tựa cánh cửa ngắm nhìn con trai hơn 3 tuổi chơi với bạn trước sân nhà. Chị không giấu nổi vui mừng khi nghĩ sắp tới con sẽ đi mẫu giáo. “Dù vất vả thế nào tôi cũng cố nuôi con ăn học cho bằng bạn bằng bè”, ánh mắt chị tự tin bừng lên trên khuôn mặt khắc khổ.
Bài và ảnh: Phạm Hồng Hạnh
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.