Thứ Ba, 16/01/2018 | 11:45

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ thức khuya, thường xuyên ngủ không đủ 8h/ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt đối với chị em phụ nữ, nếu làm ca đêm liên tục, nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn những người ngủ đủ giấc.

Thời gian ngủ của mỗi người/ngày bao nhiêu là đủ?

Trên thực tế, mỗi người có nhịp sinh học khác nhau, nhu cầu ngủ biến đổi khác nhau tùy thể trạng mỗi người, do đó khó có thể nói rằng chúng ta cần ngủ vào một giờ thích hợp nào đó. Chỉ cần ngủ sớm, ngủ đủ là tốt cho sức khỏe hơn ngủ muộn và ngủ ít.

8 giờ ngủ thường được mô tả như một đêm “ngủ đủ giấc”, nhưng số giờ ngủ thực tế có thể thay đổi theo từng người. Lượng thời gian hầu hết mọi người ngủ khoảng từ 7 đến 9 giờ. Tuy nhiên, khi già đi, giờ ngủ trung bình giảm còn 7 đến 8 giờ, với một số người thậm chí ngủ ít giờ hơn.

Kết quả một cuộc điều tra cho thấy trẻ em từ 1-3 tuổi cần 14-16 giờ ngủ một ngày, từ 14-20 tuổi cần ngủ 8-9 tiếng/ngày và 20 tuổi trở lên chỉ cần 7-8 tiếng.

Nguy cơ mắc ung thư ở phụ nữ làm ca đêm

Cảnh báo của giới khoa học đối với phụ nữ châu Âu và Bắc Mỹ nguy cơ mắc ung thư da cao hơn 41%, ung thư vú cao hơn 32% và ung thư dạ dày cao hơn 18% đối với những người làm ca đêm trong thời gian dài.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Cancer Epidemiology, Biomarkers and Prevention đã phân tích tổng hợp 61 nghiên cứu đã công bố trước đó về đề tài này với tổng số người tham gia lên tới 3,9 triệu người từ Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và Australia, trong đó hơn 110.000 người đã bị ung thư.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc ung thư trung bình ở phụ nữ châu Âu và Bắc Phi làm ca đêm cao hơn tới 19% so với người chỉ làm ban ngày. Theo chủ nhiệm công trình nghiên cứu Xuelei Ma, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm y tế Tây Trung Quốc thuộc trường Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô, ở một số loại ung thư, nguy cơ mắc bệnh cao hơn hẳn như ung thư da (41%) và ung thư vú (32%). Đặc biệt với ung thư vú, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng 3,3% cho mỗi 5 năm phải làm đêm.

 

Ngoài ra, trong nhóm nữ y tá tham gia các nghiên cứu, nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn tới 58%, ung thư dạ dày 35% và ung thư phổi 28%. Tuy nhiên có thể nhóm này có điều kiện kiểm tra sức khỏe thường xuyên do đó tỷ lệ phát hiện bệnh cũng cao hơn. Một yếu tố khác do đặc điểm nghề nghiệp, các ca làm việc đêm của nhóm này cũng căng thẳng hơn nhiều công việc khác.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới cũng khẳng định nguy cơ này không lớn đối với phụ nữ Australia và châu Á bởi có thể do mức độ hormone giới tính của phụ nữ Bắc Mỹ và châu Âu cao hơn dẫn đến dễ mắc các loại ung thư có liên quan đến hormone như ung thư vú. Ngoài ra, các nghiên cứu được dùng để phân tích không thống nhất cách tính thời gian làm đêm, làm ca đêm trong thời gian dài và một số khác nghiên cứu những người làm ít nhất 3 đêm mỗi tháng.

Từ tổng hợp các kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học đề xuất những chương trình bảo vệ sức khỏe đối với nhân viên nữ phải làm đêm trong thời gian dài với các cuộc kiểm tra thể chất và chụp chiếu tầm soát ung thư thường xuyên. Ngoài ra cần tuyên truyền sâu rộng đến người dân về sự quan trọng của việc đảm bảo giấc ngủ đến sức khỏe, đời sống con người, đặc biệt là phái đẹp.

(Theo TTXVN)

 

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook