Một kết luận khoa học mới chỉ ra rằng đồ uống không đường có nhiều lợi ích hơn trong việc giảm cân so với nước lọc. Tuy nhiên điều đáng nói đây lại là nghiên cứu được tài trợ tiền bởi Coke, Pepsi và một số hãng đồ uống lớn khác.
Phân tích và kết luận này được công bố vào tháng 11 vừa qua trên tạp chí về béo phì International Journal of Obesity bởi một giáo sư tới từ Đại học Bristol.
Theo đó, ông kết luận rằng những đồ uống có chất tạo ngọt thấp (LES) thay thế đường “ở trẻ em và người lớn dẫn tới việc giảm EI (năng lượng thức ăn ăn vào), EW (trọng lượng cơ thể). Trong khi đó, nước lọc cũng mang lại hiệu quả lương tự”.
Nghiên cứu có tựa đề: “Liệu lượng tiêu thụ chất tạo ngọt thấp có ảnh hưởng tới năng lượng của thức ăn ăn vào và cân nặng cơ thể không?” Được biết, nghiên cứu một phần được tài trợ bởi Viện khoa học cuộc sống quốc tế châu Âu ILSI.
Mặc dù tiêu đề nghiên cứu có vẻ trung lập – và ban giám đốc gồm những nhà khoa học uy tín và có trình độ nhưng nhiều vị trí của các thành viên khác là các bác sỹ của Nestle, Mars, Unilever, Pepsi và Coca Cola.
Hơn nữa, ban giám đốc cũng có quyền chọn các thành viên hội đồng quản trị và thường thì 3 trong số 5 người là đại diện cho các tập đoàn.
Cụ thể trong nghiên cứu kể trên, trưởng dự án là Tiến sỹ Peter Rogers, một giáo sư tại đại học Bristol, đồng thời là đồng chủ tịch của Đội đặc nhiệm cân bằng thói quen và năng lượng ăn uống của ILSI.
Đội đặc nhiệm này đa phần là các bác sỹ đại diện cho các công ty lớn như DuPont, Johnson&Johnson. Bản thân Chủ tịch của đội này là một bác sỹ đến từ Unilever trong khi đó, phó chủ tịch là một bác sỹ tới từ Nestle.
Hơn nữa, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cũng đã nói rõ:
Một trong số những nhà nghiên cứu trong dự án này là nhân viên của ILSI trong khi đó tác giả đứng đầu nghiên cứu trước đó đã nhận tiền hỗ trợ từ “Sugar Nutrition” của Anh – một tập đoàn từng được biết đến với cái tên British Sugar Bureau.
Những người còn lại trong đội này trước đó cũng được trả tiền cho việc nghiên cứu bởi Cục đường Hà Lan, thương hiệu chất làm ngọt của Anh Canderal. Cuối cùng, theo tiết lộ ở phần cuối, nghiên cứu còn có sự tham gia của “nhân viên và cổ đông của các công ty sản xuất sản phẩm có đường và chất tạo ngọt hàm lượng thấp”.
Dù nghiên cứu nói rằng hoàn toàn được tài trợ bởi ILSI nhưng có một thực tế là mỗi đồng tác giả trong dự án này đã được nhận 750 euro (tương đương 850 USD). Thêm vào đó, theo thông tin báo chí tiết lộ, phía đại diện Đại học Bristol chỉ nói rằng: “Có một số tổ chức khác đã hỗ trợ dự án nhưng họ không cung cấp thông tin chi tiết về lý do tài trợ”.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng tỏ ra ngờ vực với phương pháp mà các nhà nghiên cứu sử dụng để đưa ra phân tích này: “Mặc dù có hơn 5.500 bài báo được xem xét nhưng sự so sánh giữa các loại đồ uống giảm cân với nước lọc chỉ dựa trên 3 bài. Hai trong số đó không tìm thấy bất kỳ thống kê khác biệt đáng kể nào về giảm cân và chỉ 1 bài báo – được tài trợ tiền bởi Hiệp hội đồ uống Mỹ kết luận rằng uống đồ uống không đường giúp giảm cân tốt hơn”.
Vấn đề ở chỗ, các thành viên trong Hiệp hội đồ uống Mỹ bao gồm cả Coca Cola và Pepsi. Chính vì vậy, nghiên cứu nhận hàng loạt chỉ trích và cho rằng nó chỉ phục vụ cho lợi ích của chính những công ty này.
Phản ứng với những chỉ trích trên, một người phát ngôn của Đại học Bristol khẳng định bài báo đã được kiểm định bởi các chuyên gia hàng đầu trước khi xuất bản:
“Đây là nghiên cứu được xuất bản trên International Journal of Obesity – một tạp chí chuyên ngành hàng đầu về béo phì. Điều này có nghĩa là mọi số liệu và kết luận đã được xem xét kỹ bởi các nhà khoa học khác. Bởi vậy chúng tôi đảm bảo về những kết luận được đưa ra. Thực tế dự án còn được hỗ trợ vốn bởi các tổ chức khác bao gồm cả NHS và Liên minh châu Âu cũng như ILSI châu Âu”.
Mặc cho lời giải thích “nghe có vẻ hợp lý” kể trên, nhà tư vấn và bác sỹ chuyên khoa tim Aseem Malhotra vẫn không đánh giá cao những kết luận trong nghiên cứu của Đại học Bristol.
Ông nói: “Cho rằng đồ uống không đường tốt cho sức khỏe hơn nước lọc là một kết luận nực cười và phản khoa học”.
Những chỉ trích về chất lượng bài nghiên cứu kể trên làm dấy lên sự nghi ngờ về việc nó được “chống lưng” bởi những tập đoàn lớn. Cuối năm ngoái, trước những phản ứng dữ dội, Trường Y thuộc Đại học Colorado đã phải trả lại 1 triệu USD do Coca Cola tài trợ với mục đích dùng số tiền này để thành lập một nhóm quảng bá đồ uống cho người ăn kiêng và luyện tập thể dục nhằm phủ nhận vai trò của đồ uống có đường trong việc làm tăng cân, béo phì.
Mặc dù phía Coca Cola khẳng định họ không trực tiếp can thiệp tới nhóm này nhưng một số email được tiết lộ cho thấy Coke coi cơ hội này là một chiến lược kinh doanh.
Nhìn chung, nghiên cứu của đại học Bristol chỉ là một trong vô số những nghiên cứu khoa học được hỗ trợ bởi các tập đoàn lớn, phục vụ cho mục đích cá nhân của họ. Mới đây nhất là trường hợp công ty công nghệ sinh học Monsanto tài trợ cho nhiều nghiên cứu để cố chứng minh chất độc màu da cam, PCB và DDT là “an toàn”.
Bản thân CEO của Coke là Mohtar Kent đã nói rằng công ty dành 120 triệu USD kể từ năm 2010 để tài trợ cho các nghiên cứu sức khoẻ và hợp tác với các tổ chức y tế và cộng đồng liên quan đến việc giải quyết nạn béo phì”.
Chính vì vậy, tiến sỹ Malhotra cho rằng: “Nếu muốn có một nghiên cứu khoa học chất lượng thì không thể để các tập đoàn lớn tài trợ tiền”.
Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.