Chính những người nghĩ mình đang tham gia bảo vệ môi trường lại vô tình và gián tiếp bóp nghẹt nó mà không hề biết.
Chúng ta thường được nghe tới những câu chuyện và lý luận của những người ăn chay kiểu như ăn thịt là có hại cho môi trường, thực phẩm từ thịt thải ra nhiều khí thải nhà kính hơn trong quá trình sản xuất so với thực phẩm chay… Mặc dù vậy, theo nghiên cứu mới nhất những nhà khoa học của trường đại học Carnegie Mellon thì lý luận trên là hoàn toàn sai lầm, thực thế thì những người ăn chay đang phần nào đó phải chịu trách nhiệm cho việc vô tình tiếp tay hủy hại môi trường nhiều hơn những người ăn thịt.
Thật vậy, nhóm nghiên cứu cho biết tính từ thời điểm Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế thực phẩm từ thịt và chuyển qua thực phẩm chay vào năm 2010 cho đến nay, số lượng người sử dụng thực phẩm chay đã tăng lên nhưng kèm theo đó là những con số thống kê không nhà hoạt động môi trường nào muốn thấy: quá trình sản xuất thực phẩm chay tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, tiêu tốn nhiều nước sạch và lượng khí thải nhà kính thải ra sau quá trình sản xuất cũng tăng. Đây đều là những con số báo động khi mà Hoa Kỳ vừa tham gia vào thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tại Paris thông qua việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
Kết quả nghiên cứu trên có được sau khi các nhà khoa học tiến hành tổng hợp và thẩm định về lượng nước sử dụng, năng lượng tiêu tốn và lượng khí thải phát ra trong quá trình sản xuất đối với 1kg của hơn 100 loại thực phẩm. Sau khi tổng hợp, các chuyên gia đã kết luận rằng thực phẩm chay như rau, củ quả… tiêu tốn năng lượng và nước nhiều hơn. Trong khi đó, quá trình chế biến thịt và hải sản lại thải ra nhiều khí nhà kính hơn. Đến đây, nhiều người sẽ thắc mắc nếu như thế tại sao lại nói đồ ăn chay khiến lượng phát thải nhà kính tăng. Giáo sư Paul Fischbeck, tác giả của nghiên cứu này, cho biết ông cùng với đồng nghiệp còn xét đến lượng thực phẩm tiêu thụ đối với cả 2 loại thức ăn sao cho đủ như cầu năng lượng mỗi ngày cho một người trưởng thành ở Mỹ.
Theo đó, giáo sư Fischbeck cùng với các đồng nghiệp đã sử dụng báo cáo dinh dưỡng của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), báo cáo này cho thấy trung bình một người Mỹ sẽ tiêu thụ tới 2390 calorie từ thức ăn, tức là nhiều hơn 200 calorie so với định mức tiêu chuẩn, và mức năng lượng tối thiểu cần tiêu thụ từ thức đối với 1 người là 1230 calorie/ngày. Đội ngũ nghiên cứu đã đưa ra 3 trường hợp để kiểm tra tác động của những loại thức ăn đối với môi trường:
+ Trường hợp 1: Nếu một người chỉ tiêu thụ thức ăn phù hợp với mức năng lượng tối thiểu cần cho một ngày và anh ta ăn đầy đủ cả 2 loại thức ăn thì quá trình sản xuất ra lượng thức ăn này sẽ giảm ở cả 3 khía cạnh năng lượng, nước sạch và khí thải với mức giảm là 9%.
+ Trường hợp 2: Người này vẫn tiêu thụ thức ăn ở mức thông thường. tức là đủ 2390 calorie/ngày. Anh ta sử dụng cả 2 loại thực phẩm thì tình hình lại xấu đi khi cả 3 đại lượng liên quan đều tăng. Cụ thể, mức năng lượng tối thiểu tăng 43%, lượng nước sách cần thiết tăng 16% và lượng khí thải nhà kính phát ra tăng 11%.
+ Trường hợp 3: Anh ta lựa chọn mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu nhưng chỉ sử dụng đồ ăn chay, tình hình cũng không khá hơn khi các đại lượng liên quan tăng lần lượt 38%, 10% và 6%.
Cụ thể hơn, giáo sư Paul Fischbeck còn lấy một ví dụ như sau: “Một kilogram thịt bò sẽ cung cấp cho bạn 2280 calorie, tức là gần như đủ với mức trung bình. Nếu bạn thay thịt bò bằng rau cải xanh thì bạn cần tới 6,7kg cải xanh để bù đắp do mỗi kilogram cải xanh chỉ cung cấp 340 calorie. Rõ ràng là sản xuất chừng đấy cải xanh sẽ tiêu tốn về năng lượng, nước sạch hơn nhiều so với 1kg thịt bò. Dĩ nhiên, lượng khí thải nhà kính phát ra cũng nhiều hơn”.
Ngay sau khi báo cáo này được công bố, dư luận phản ứng với rất nhiều luồng ý kiến khác nhau – người ủng hộ, kẻ cười chê. Trong số những người phản đói, tiêu biểu nhất là Martin Heller – một chuyên gia nghiên cứu của đại học Michigan – khi anh cho rằng những kết luận của các nhà khoa học đến từ trường Carnegie Mellon là “hết sức nực cười” và anh khẳng định “chúng ta ăn rau quả không phải để cho đủ calorie hoạt động mỗi ngày”. Mặc dù vậy, Heller vẫn thừa nhận báo cáo này là đúng về mặt con số dựa trên cơ sở lượng calorie cần thiết mỗi người đối với con người nhưng nó vẫn có gì đó không hề hợp lý về mặt dinh dưỡng.
Tham khảo ScienceAlert, ScientificAmerican
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.