Thứ Sáu, 19/02/2016 | 11:30

Nhận biết được những loại thực phẩm dễ gây dị ứng hoặc những biểu hiện ban đầu của dị ứng sẽ giúp các mẹ đề phòng những trường hợp xấu nhất xảy ra cho con mình.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có đến hơn 50% trường hợp dị ứng thực phẩm thuộc về trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Trứng, sữa, hải sản, hoa quả… hay bất kỳ một thực phẩm nào cũng có thể gây dị ứng cho trẻ.

Nguyên nhân của dị ứng rất khó nhận biết, nó cũng gây ra nhiều hậu quả từ nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Vì vậy, các mẹ cần phải đặc biệt thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm và chăm sóc cho con.

Ngăn ngừa dị ứng thực phẩm ở trẻ

Thực phẩm nào dễ gây dị ứng?

Sữa: Trên da nổi mẩn đỏ, mề đay, viêm da, chàm. Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó thở ngay sau khi uống sữa vài giờ.

Trứng: Da nổi mẩn đỏ, viêm da, đau bụng, buồn nôn. Ngoài ra, sau khi ăn trứng xong cảm giác khó chịu, khó thở.

Cá: Dị ứng cá thường gây biểu hiện ngoài da và tiêu hóa, xuất hiện ngay sau khi ăn. Đôi khi có thể có phản ứng toàn thân, bao gồm cả sốc phản vệ.

Đậu phộng: Dị ứng với đậu phộng có biểu hiện nặng nhất. Dị ứng ở miệng (ngứa miệng và họng) hay khó thở (hen), thậm chí là sốc phản vệ.

Đậu tương: Ngứa và sưng ở miệng họng, buồn nôn, tiêu chảy, viêm mũi dị ứng hay hen và mày đay. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể hạ huyết áp, khó thở.

Lúa mì: Khó phân biệt các triệu chứng lâm sàng. Các biểu hiện thường bao gồm phản ứng cục bộ nhẹ của da, họng và ruột.

Động vật có vỏ (tôm, cua): Phản ứng cục bộ nhẹ ở miệng (ngứa miệng, họng) tới phản ứng toàn thân, hoặc có thể có biểu hiện đường tiêu hóa và hô hấp, đe dọa tính mạng.

Ngăn ngừa dị ứng thực phẩm ở trẻ

Ảnh minh họa

Ngăn ngừa bằng cách nào?

Duy trì chế độ ăn uống khỏe mạnh trong thai kỳ: Toàn bộ dinh dưỡng của bé đều được người mẹ cung cấp trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, trong thai kỳ, bạn nên chú trọng chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ với các loại thực phẩm như rau, trái cây, ngũ cốc, thịt nạc và các sản phẩm từ sữa. Đồng thời bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất cần thiết để đảm bảo cho con phát triển khỏe mạnh.

Không cho bé ăn thức ăn đặc trong 4-6 tháng đầu: Trước 17 tuần tuổi là thời điểm cơ thể khó dung nạp các loại thức ăn khác ngoài sữa. Do đó, cho trẻ ăn thức ăn đặc vào thời gian này rất dễ bị dị ứng. Theo lời khuyên của các bác sĩ, tốt nhất, bạn chỉ nên cho bé ăn đồ đặc, rắn từ tháng thứ 6 trở đi.

Cho trẻ bú kết hợp với ăn thực phẩm rắn: Sữa mẹ có tác dụng bảo vệ trẻ chống lại bệnh dị ứng có thể phát sinh khi các bé bắt đầu uống sữa bò. Và việc cho bé bú kết hợp với ăn thực phẩm rắn có thể giúp giảm tình trạng dị ứng với thực phẩm.

Cố gắng không sử dụng các thực phẩm đóng gói: Thực phẩm đóng gói có thể chứa những thành phần dễ gây dị ứng như đậu tương, các loại hạt, gluten hay đường lactoze (đường sữa). Vì thế, bạn nên hạn chế hoặc kiểm tra kỹ thành phần của thực phẩm để tránh dị ứng cho bé.

Kiểm tra nhãn sản phẩm chứa dầu đậu phộng: Hãy kiểm tra để chắc chắn rằng trên các thành phần của thuốc mỡ, sữa hoặc bất kỳ sản phẩm nào khác sử dụng để chăm sóc da cho bé không có chứa dầu đậu phộng.

An Bình

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook