Bản thân Kozloski cũng nói thêm rằng việc bộ não của con người tiêu thụ một lượng lớn năng lượng ngay cả khi nó không làm gì cả là một bí ẩn lớn trong ngành khoa học thần kinh.
Con người vẫn chưa khám phá hết những bí ẩn thuộc về bộ não của chính mình, điển hình như việc nhiều nhà khoa học đã ước tính rằng cơ quan này sử dụng khoảng 20% tổng lượng oxy mà cơ thể chúng ta cần nhưng vẫn chưa ai giải thích tại sao nó lại cần nhiều như vậy. Mặc dù vậy, điều này có thể sẽ sáng tỏ nhờ một nghiên cứu đến từ chuyên gia nghiên cứu thần kinh James Kozloski tại Trung tâm nghiên cứu Thomas J. Watson của IBM.
Cụ thể, Kozloski đã nói rằng não liên tục tạo ra những vòng lặp tín hiệu bất biến bằng cách tạo ra những lối đi chuyên dụng bên trong hệ thống thần kinh của con người. Cơ quan này liên tục vạch ra từng bước đi của nó thông qua các “lối mòn thông tin” này để tín hiệu luân chuyển qua 3 vùng chức năng khác nhau: cảm giác (đối với những gì đang diễn ra xung quanh), hành vi (con người có thể tác động gì đến chúng) và hệ viền – còn gọi là hệ thống bán tín (giải thích ý nghĩa của những hành động này đối với con người).
Kozloski đặt tên cho mô hình vòng lặp khép kín này là “Grand Loop”, từ đó ông đưa ra giả thuyết rằng những vòng lặp này là nguyên nhân khiến cho não cần rất nhiều năng lượng, thậm chí khi chúng ta không cần suy nghĩ, không cần giải toán hoặc đưa ra bất kỳ nhận xét nào thì điều đó cũng xảy ra. Ngoài ra, ông cũng đã kiểm chứng thành công giả thuyết của mình bằng cách áp dụng nó trên một hệ thống giả lập tế bào thần kinh tại một số máy chủ của IBM với khả năng tạo ra một mô hình chính xác cách các tế bào thần kinh hoạt động trong não bộ.
Bản thân Kozloski cũng nói thêm rằng việc bộ não của con người tiêu thụ một lượng lớn năng lượng ngay cả khi nó không làm gì cả là một bí ẩn lớn trong ngành khoa học thần kinh. Ông nhận định rằng không bộ phận nào cần sử dụng nhiều năng lượng để tạo ra những thứ vô nghĩa trừ khi có một lý do chính đáng. Một lý giải theo Kozloski phù hợp với vấn đề này là việc não tiêu tốn nhiều năng lượng như vậy là cách chúng ta thường vô tình có thể vẽ lại những trải nghiệm của quá khứ để phản ứng trước một tình huống mới.
Với những lý thuyết này, ông cho rằng sẽ xuất hiện phương pháp chữa trị cho căn bệnh thoái hóa não bởi nó giải thích được tại sao một gen khiếm khuyết có thể dẫn tới sự tàn phá vô cùng lớn trong não. Cụ thể theo lý thuyết của ông thì khiếm khuyết này sẽ làm gián đoạn 1 vòng lặp trong “Grand Loop”. Tuy nhiên, thách thức tiếp theo của Kozloski và các đồng nghiệp là tìm hiểu xem làm thế nào não có thể lựa chọn những “lối mòn thông tin” và điều gì đang xảy ra bên trong vòng lặp, nó hình thành như thế nào vì ông nhận định rằng những thứ gì không đóng vai trò quan trọng thì sẽ bị đào thải trong quá trình tiến hóa.
Thực tế, nghiên cứu này cũng có mối quan hệ mật thiết với một nghiên cứu khác do các nhà khoa học tại Đại học Y Minnesota tiến hành từ năm 2008, cho thấy rằng có tới 1/3 năng lượng của não giúp duy trì hoạt động của các tế bào thần kinh giống như mô hình mà Kozloski đã đề cập.
Tham khảo ScienceAlert
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.