Bài viết của một bác sĩ về vụ mổ nội soi cắt ruột thừa viêm biến thành mổ hở cắt hai buồng trứng ở BV Đa khoa Cần Thơ
LTS: Hồi đầu tháng 5/2014, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, một nữ bệnh nhân được chẩn đoán là bị đau ruột thừa, tuy nhiên bác sĩ lại cắt 2 buồng trứng. Dư luận rất bất bình về vụ việc này. Vì sao lại có thể xảy ra chuyện như vậy?.
Tin cho các Mẹ đăng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết dưới đây của một người trong ngành Y- BS Võ Xuân Sơn, để chúng ta có thể có một cái nhìn đa chiều. Bài viết đã đăng trên FB Võ Xuân Sơn và nay đăng trên Tin cho các Mẹ với sự đồng ý của BS Võ Xuân Sơn.
Cắt hai buồng trứng ở người trẻ, nghĩa là chấm dứt khả năng làm mẹ…
Tôi không quen biết ai trong kíp mổ, cũng không quen biết ai bên gia đình người bệnh, tất cả thông tin tôi chỉ biết qua báo chí. Câu chuyện làm tôi nhớ lại một câu chuyện khác, lúc tôi còn là một sinh viên.
Khi đó dù còn là sinh viên nhưng tôi đã gắn bó rất nhiều với phòng mổ. Tại phòng mổ có một điều dưỡng viên trẻ, rất đẹp, chưa có gia đình, chưa có con. Cô có vẻ đẹp có thể chinh phục rất nhiều chàng trai dù khó tính đến đâu đi chăng nữa. Một ngày kia, cô được xác định là bị u nang buồng trứng.
Một cuộc mổ được tiến hành, kíp mổ gồm một bác sĩ đàn anh lớn có nhiều kinh nghiệm và uy tín tuyệt đối. Những người phụ mổ cũng là những tên tuổi lớn lúc đó. Kíp gây mê và điều dưỡng phụ vòng trong vòng ngoài được lựa chọn khá kĩ. Đám bác sĩ trẻ và sinh viên như tôi thì chỉ chầu rìa bên ngoài phòng mổ vì không ai cho phép chúng tôi nhìn cô ấy khi mổ cả.
Hồi đó kĩ thuật bóc tách u nang chưa được phổ biến rộng rãi như bây giờ, đồng thời khối u dính nhiều nên bắt buộc phải cắt buồng trứng bên có u. Khi thám sát buồng trứng bên kia thì thấy buồng trứng xuất huyết. Cầm máu hoài không được. Cả bệnh viện được huy động, hội chẩn đi hội chẩn lại, cuối cùng quyết định cắt nốt buồng trứng còn lại để cứu người bệnh.
Do không phải là người được cô điều dưỡng ấy để lọt trong mắt xanh, nên tôi không thể biết được tâm trạng thật của cô ấy sau vụ cắt hai buồng trứng. Nhưng ai cũng bảo cô ấy buồn lắm. Một thời gian sau cô ấy nghỉ việc, nghe nói chuyển sang làm kinh doanh gì đó.
Cắt hai buồng trứng ở tuổi trẻ, khi chưa có con, đồng nghĩa với việc chấm dứt khả năng làm mẹ của người phụ nữ, cũng như cắt đi một nguồn hóc môn quan trọng, vừa để duy trì giới tính, vừa giúp cơ thể chống được nhiều bệnh tật. Ở tuổi 40, buồng trứng đã bắt đầu suy giảm hoạt động và đến khi mãn kinh, buồng trứng gần như chấm dứt hoạt động tiết hóc môn, giống như việc cắt bỏ hai buồng trứng.
Câu chuyện ở Cần Thơ
Câu chuyện ở Cần Thơ xoay quanh ba vần đề: (1): Tại sao chẩn đoán viêm ruột thừa cấp mà lại là viêm mủ buồng trứng? (2): Tại sao chuyển từ mổ nội soi sang mổ hở, từ cắt ruột thừa viêm sang cắt hai buồng trứng mà không xin ý kiến và cam kết của gia đình? (3): Hậu quả của việc cắt hai buồng trứng như thế nào?
Khi còn sinh viên, tôi được học về viêm ruột thừa với nhiều thầy, trong đó có ba người thầy mà gần như mọi người trong ngành y đều biết đến, đó là Thầy Phạm Biểu Tâm, Thầy Trương Công Trung và Thầy Nguyễn Đình Hối. Cả ba thầy đều khẳng định rằng không thể có tỉ lệ chẩn đoán ruột thừa viêm chính xác 100%, thậm chí, các thầy còn cho rằng tỉ lệ ¾ (75%) chính xác là chấp nhận được. Trên thực tế, mặc dù viêm ruột thừa là bệnh lí đầu tay đối với các bác sĩ ngoại khoa nhưng có thể nói đó là bệnh lí có rất nhiều thay đổi, chẩn đoán và phẫu thuật đôi khi vô cùng khó khăn. Vì vậy, việc chẩn đoán chưa chính xác ruột thừa viêm không phải là chuyện lạ trong ngành y.
Tôi đã từng có nhiều lần mổ mà trong khi mổ có những diễn tiến bất thường phải thay đổi cách mổ. Kể từ khi được đi tu nghiệp tại các nước phát triển, chúng tôi rất chú trọng đến việc giải thích kĩ càng cho người bệnh và gia đình người bệnh. Tuy nhiên, khi còn ở bệnh viện Chợ rẫy, việc tìm được người nhà người bệnh trong lúc mổ hoàn toàn không dễ dàng. Chúng tôi đã kiến nghị và sau đó, Ban Giám đốc đã tổ chức một khu vực chờ cho thân nhân người bệnh khi đang mổ và có những hình thức thông báo cho thân nhân người bệnh tình hình của người bệnh. Việc này được chúng tôi áp dụng ở tất cả các bệnh viện tư nhân mà sau này chúng tôi làm việc và phẫu thuật.
Vấn đề đặt ra là, khi không tìm được thân nhân người bệnh thì phải làm sao: chờ đợi tiếp, mổ theo cách mới để giải quyết cho người bệnh, đóng lại, chờ giải thích cho người nhà rồi mổ sau? Cuộc mổ không thể kéo dài vô tận, người bệnh không thể cứ hít thuốc mê hoài. Cho nên không thể cứ đứng đó mà chờ, không biết đến bao giờ. Ngoài ra, trong trường hợp gặp được người nhà, người nhà không đồng ý cho mổ hở, không đồng ý cho cắt buồng trứng thì các bác sĩ sẽ xử lí làm sao? Người nhà có quyền quyết định thay cho người bệnh hay không?
Đóng vết mổ lại với cái bụng đang chứa đầy mủ? Tất cả các bác sĩ không ai được dạy như vậy ở nhà trường cũng như trong thực tế hành nghề. Đó có thể được coi là việc làm vô nhân đạo, vi phạm y đức nặng nề.
Như vậy, chỉ còn mỗi một cách là mổ tiếp, làm những gì cần thiết để cứu sống người bệnh. Theo tôi, các bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần thơ đã xử lí phù hợp với tình huống, phù hợp với y đức. Vấn đề còn lại là xác mình xem có đúng là các bác sĩ đã có tìm người nhà để xin ý kiến hay không mà thôi.
Qua sự việc này, một vấn đề mới được đặt ra: Trong tình huống khẩn cấp đe dọa quyền lợi hoặc mạng sống của người bệnh mà không thể tham khảo ý kiến của người bệnh và thân nhân người bệnh được, hoặc khi quyết định của thân nhân người bệnh không phù hợp với quyền lợi của người bệnh, người thầy thuốc phải hành động như thế nào?
Theo tôi, người thầy thuốc phải quyết định và phải được quyền quyết định trong những tình huống như vậy nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người bệnh. Hơn ai hết, thầy thuốc là người có chuyên môn, có hiểu biết cao nhất về công việc của mình trong những tình huống như vậy, phải để cho họ có quyền quyết định. Người duy nhất có quyền bác bỏ quyền đó của bác sĩ là người bệnh, và người bệnh này phải ở trong trạng thái có đủ khả năng quyết định về quyền lợi và tính mạng của mình.
Nếu luật của chúng ta chưa có những điều khoản như vậy thì phải sửa cho có, nếu đã có rồi thì cứ việc mang ra mà nói chuyện. Đã có lần tôi tâm sự trên trang fb này, rằng có lúc chúng tôi muốn điên lên khi thân nhân quyết định để cho người nhà mình chết mà không cho chúng tôi can thiệp.
Quay trở lại câu chuyện của chúng ta. Bệnh nhân P. sinh năm 1973, có nghĩa là đã 41 tuổi. Báo chí không nói chị đã có mấy con nên khó có thể nói chị bị thiệt hại bao nhiêu. Ở tuổi của chị, một số người đã bắt đầu mãn kinh, đa số thì còn khoảng 4, 5 năm nữa. Như vậy, thiệt hại về mặt hóc môn không thật sự nhiều lắm.
Cái được của chị P. qua cuộc mổ mà chị vừa trải qua là rất nhiều, chị đã được cứu sống. Vậy sao không để cho câu chuyện này qua đi, kiện cáo nhau làm gì? Chị P. và gia đình chị có hiểu rằng nếu các bác sĩ khâu kín cái bụng đầy mủ của chị lại để vài tiếng sau hay ngày hôm sau mới mổ lại thì hôm nay chị đã không còn để mà đi kiện hay không?./.
Chưa có bình luận.