Cháu bé bị sặc miếng rau câu, được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngưng tim ngưng thở.
Trước đó bé ăn rau câu thì bị sặc, tím tái toàn thân. Gia đình đưa bé vào bệnh viện cách nhà khoảng 20 phút để cấp cứu. Lúc này cháu đã hôn mê sâu, ngưng tim ngưng thở. Các bác sĩ tích cực hồi sức tim phổi khoảng 30 phút nhưng đồng tử hai bên đã giãn, cháu không còn phản xạ thần kinh.
Theo nguyện vọng của gia đình, cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Bác sĩ Lê Quang Mỹ, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết khi ấy tình trạng cháu đã quá nặng không thể cứu được.
Cách đây không lâu, bé trai 5 tuổi tại TP HCM bị hóc miếng rau câu, cũng được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu quá muộn.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ bị sặc rau câu tình trạng thường khá nguy hiểm, để lại hậu quả thương tâm. Nguyên do là miếng rau câu trơn nên khi ăn trẻ hút mạnh. Nắp thanh môn không kịp đóng, rau câu chui nhanh vào đường thở khiến bé hóc, nghẹn, đe dọa đường thở. Nên thận trọng khi cho trẻ ăn rau câu, nhất là loại chứa trong cốc. Dùng thìa múc thành từng miếng nhỏ thay vì bóp vỏ đẩy trực tiếp rau câu vào miệng trẻ.
Khi trẻ bị hóc dị vật, người lớn cần nhanh chóng cấp cứu cho bé ngay tại nhà. Trong thời gian gọi cấp cứu 115 để đưa trẻ đến trung tâm y tế, nên sơ cứu bằng cách vỗ lưng ấn ngực với trẻ dưới 2 tuổi hoặc dùng thủ thuật Heimlich với trẻ lớn. Nếu trẻ ngưng tim ngưng thở, phải hà hơi thổi ngạt. Trong tình huống nạn nhân hôn mê và không thở được, trước tiên phải hà hơi thổi ngạt hai cái. Dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bé khóc, thở được, hồng hào hơn.
Hướng dẫn kỹ thuật vỗ lưng, ấn ngực cho trẻ dưới 2 tuổi
Hướng dẫn thủ thuật Heimlich khi trẻ tỉnh
Hướng dẫn thủ thuật Heimlich khi trẻ hôn mê
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.