Thứ Năm, 17/12/2015 | 17:01

Theo bác sĩ Đào Thị Hợp, chuyên khoa cấp I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, giai đoạn có bầu người mẹ bị đái tháo đường có thể gây nguy cơ mất tim thai, tiềm ẩn biến biến chứng đa ối dẫn đến đẻ non.

Do vậy, nếu giai đoạn mang bầu, người mẹ bị tăng đường máu, đái tháo đường, cần phải theo dõi, thăm khám cẩn thận bởi các bác sĩ chuyên khoa để phòng tránh các nguy cơ rủi ro.

Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai dễ có nguy cơ đẻ non

Các chuyên gia chụp ảnh kỷ niệm tại Tòa soạn VnExpress.net.

– Xin bác sĩ cho hỏi phụ nữ mang thai có sử dụng được Salonpass gel để thoa khi đau vai, đau chân không ạ? Cao dán chống say tàu xe có được dùng không? Khi bị cảm cần phải làm gì để giảm bớt tình trạng khó chịu. Xin cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Hoàn, 33 tuổi)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Khi có thai bị đau vai, đau chân bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để xem tổn thương ở vai, chân là gì? Tùy theo bệnh lý, tổn thương mà bác sĩ sẽ tư vấn cách sử dụng thuốc cho bạn. Tốt nhất, bạn nên tham gia lớp học tiền sản để chuẩn bị tốt những kiến thức, những bài tập trong khi có thai nhằm hạn chế những bất thường xảy ra trong thai kỳ.

– Chu kỳ kinh của em là 26-30 ngày, mỗi tháng thường có kinh sớm 2 ngày. Em trễ kinh nay được 9 ngày tính từ ngày kinh cuối (ngày 8/12/2015), thử thai thấy lên hai vạch rõ (mang thai tự nhiên). Lúc trễ kinh một ngày, em đi xét nghiệm beta hcg kết quả là 317. Ngày 14 vừa rồi em siêu âm đầu dò nhưng chưa thấy thai vào tử cung. Cho em hỏi khi nào siêu âm sẽ thấy thai vào tử cung và có tim thai. 

– Trước đây em có lập gia đình, chồng trước không có khả năng có con tự nhiên nên em có làm thụ tinh trong ống nghiệm 2 lần. Lần một, mang thai nhưng thai bị dị tật, phải sinh non. Lần 2 chuyển phôi trữ đông em cũng mang thai nhưng sau 6 tuần thì thai lưu. Cho em hỏi như vậy có ảnh hưởng đến sự mnag thai của em sau này không?

Cách nay 4 tháng em và chồng sau có uống thuốc trị nấm, xin bác sĩ cho biết như vậy có ảnh hưởng đến thai không? (Võ Thị Hồng Phương, 34 tuổi, Bến Tre)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Với trường hợp này, bạn nên gặp lại bác sĩ để làm xét nghiệm định lượng Beta Hcg trong máu để xem thai lượng Beta Hcg có tương ứng với sự tiến triển của thai hay không?

Trong trường hợp bạn không đến xét nghiệm máu được và không ra máu, không đau bụng bạn có thể siêu âm lại sau 5 ngày.

Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai dễ có nguy cơ đẻ non
Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội.

– Thưa bác sĩ, em hiện 36 tuổi, có thai con thứ 3, em có hiện tượng đau buốt ngang thắt lưng thì có cách nào để giảm đau được không? Em có dùng cao dán vùng lưng được không? Em đã đi xét nghiệm nước tiểu thì không bị viêm nhiễm phần phụ. Mong bác sĩ cho em lời khuyên với ạ. (Nguyễn Thị Thanh Thủy, 902166068 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Bạn cần đi siêu âm, kiểm tra thận xem có sỏi đường tiết niệu hay không? Ngoài ra, cần đi khám bác sĩ về xương khớp xem có bệnh về cột sống. Em có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Efferagan hoặc các loại cao dán thông thường. Em cũng nên bổ sung thêm viên canxi D và mage B6 đồng thời tập các bài tập thể dục dành riêng cho phụ nữ có thai.

– Chào bác sĩ! Xin cho cháu hỏi. Trong thời gian mang bầu, nếu tự đi siêu âm nhiều lần hơn so với chỉ định của bác sỹ thì có ảnh hưởng tới thai nhi không? Nếu tiêm 2 mũi uốn ván cách nhau hơn 2 tháng thì mũi thứ 2 có tác dụng không? Cách phân biệt những cơn gò sinh lý với cơn co chuyển dạ? (Dương Hồng Hà, 28 tuổi)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Siêu âm không ảnh hưởng tới thai. Nếu tiêm uốn ván mà khoảng cách giữa hai lần tiêm trên một tháng thì thuốc vẫn có tác dụng. Cơn co tử cung trong chuyển dạ thường là những cơn co gây đau, càng ngày càng mạnh và khoảng cách giữa các cơn càng ngày càng ngắn. Ngoài ra có thể kèm theo ra nước, ra máu âm đạo. Còn cơn co sinh lý thì không gây đau không kèm theo các dấu hiệu khác và không gây thay đổi ở cổ tử cung. 

Cảm ơn em. Chúc em sức khỏe!

– Xin chào bác sĩ, tôi bắt đầu mang thai ở tháng thứ 8 và khi ngủ tôi cố gắng ngủ nghiêng bên trái thấy rất mỏi người. 2 hôm nay thỉnh thoảng tôi bị nhói đau ở phần thắt lưng bên trái, không thường xuyên nhưng rất đau. Xin hỏi có phải tôi thiếu canxi không? Và có nhất thiết tôi phải nằm nghiêng bên trái. Xin cảm ơn bác sĩ. (Kiều Thị Thu, 30 tuổi, Số 215, tổ dân phố Tó, phường Tây Mô, quận Nam Từ Kiêm, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp  – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Lúc có thai, bạn nên nằm nghiêng bên trái để lợi cho tuần hoàn giữa  máu mẹ và thai được tốt hơn. Tất nhiên, nếu nằm mãi một tư thế bên trái bạn sẽ không chịu được. Bạn nên thường xuyên thay đổi tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái, không khó thở.

Nếu bạn đau ở vùng thắt lưng bên trái, bạn nên đến khám bác sĩ để xem có vấn đề gì về thận không vì khi có thai, thận của mẹ cũng hay bị chèn ép bởi tử cung lớn lên.

Nếu bạn muốn biết thiếu canxi hay không, bạn có thể định lượng canxi trong máu vì khi dùng vitamin đã có lượng canxi nhất định. Bạn nên uống sữa tươi hàng ngày (ngày 2 cốc).

– Em năm nay 38 tuổi. Cháu đầu em sinh cách đây 6 năm, lúc 18 tháng tuổi em phát hiện cháu bị tăng động giảm chú ý. Hiện em có thai được 3 tháng, em đi siêu âm khám định kỳ ở mức bình thường. Theo bác sĩ em có phải làm xét nghiệp lâm sàng Triple tes không, và có phải chọc ối để kiểm tra thai nhi không? (Nguyễn Thị Bích Liên, 904050588 tuổi, Ngô Quyền – TP Bắc Giang)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em vẫn nên làm triple test hoặc làm test ADN, siêu âm và theo dõi thai định kỳ. Thực ra triple test chủ yếu là để đánh giá các bất thường về nhiễm sắc thể của thai, chủ yếu là bệnh Down (tức là bệnh có 3 nhiễm sắc thể 21) chứ không phải để phát hiện các bệnh lý khác ví dụ như tăng động. Hiện nay, không phải bệnh gì của trẻ em cũng phát hiện sớm ngay từ khi mang thai. Còn có phải chọc ối hay không là tùy vào kết quả của triple test hoặc test ADN. 

– Gửi Bác sĩ Thu,

Em đang mang tuần 28 rồi ạ. Nhưng từ lúc mang thai đến bây giờ, em hay bị ra huyết trắng có màu xanh lá nhạt và như bột, chứ không phải màu trắng đục. Bác sĩ cho em hỏi là em có cần điều trị lúc này không? có ảnh hưởng gì đến thai nhi trong bụng không ạ?
Xin cám ơn bác sĩ
(Thang Đại Kim Phụng, 30 tuổi)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Em cần đi khám, làm xét nghiệm soi tươi và nuôi cấy dịch âm đạo để có hướng điều trị thích hợp. Khi có thai, thường dịch âm đạo sẽ nhiều hơn bình thường. Hầu hết các bệnh lý viêm âm đạo khi mang thai đều không ảnh hưởng đến thai và các thuốc đặt phần lớn đều dùng được cho phụ nữ mang thai. 

Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai dễ có nguy cơ đẻ non
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp Hà Nội

– Tôi có thai 17 tuần, ở tuổi thai này có nhất định phải nằm nghiêng khi ngủ chưa thưa bác sĩ? Vì tôi thấy nằm ngửa vẫn rất thoải mái và đỡ đau lưng hơn trạng thái nằm nghiêng. Ở tuổi thai này tôi đã bị đau lưng nhiều, như vậy có gì bất thường không ạ? (Thanh Thúy, 31 tuổi, Gia Lai)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Chào bạn, bạn mới mang thai 17 tuần, thai nhi còn nhỏ, chưa có triệu chứng chèn ép nhiều. Bạn có thể nằm ở bất cứ tư thế nào bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu. 

Bạn nên tham gia vào các lớp tập thể dục khi mang thai để tránh hiện tượng đau lưng khi mang thai. 

Nếu bạn đau lưng nhiều, bạn nên đến tư vấn bác sĩ để xem có hiện tượng dọa sảy thai hay không?

– Tôi mang thai 4 tháng và bị viêm mũi dị ứng, cứ hắt xì và chảy mũi cả ngày. Xin bác sĩ cho lời khuyên để khắc phục. Xin cảm ơn! (Hoàng Thị Thu Hà, 31 tuổi, Hương Trà – Thừa Thiên Huế)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em nên đi khám bác sĩ tai mũi họng để có hướng điều trị thích hợp. Hầu hết các loại thuốc co mạch nhỏ tại chỗ để giúp thông mũi đều có thể dùng được khi mang thai. Cảm ơn em!

– Em xin hỏi bác sĩ, em sinh non lần đầu khi thai 31 tuần. Hiện tại em đang mang bầu lần 2 (cách 4 năm) ở giai đoạn 29 tuần. Em thường xuyên bị đau lưng, và các cơn gò cứng, bụng nhất là khi buồn tiểu hay vừa đi tiểu xong. Vậy bác sĩ cho em biết cơn gò cứng bụng thể hiện điều gì, cách giảm tình trạng này. Cách phòng sinh non thế nào? (Vũ Huyền, 27 tuổi, Khoái Châu, Hưng Yên)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Chào bạn, trong trường hợp này bạn nên đi khám bác sĩ để khám (xem cổ tử cung có giãn nở không, có ngắn không) và làm monitor (đo cơn co tử cung) để xem có dấu hiệu bị đẻ non hay không?

– Chào bác sĩ!
Hiện nay em đang mang bầu được 14 tuần nhưng đã bị ra huyết tới 3 lần. Lần đầu ra nhiều màu đỏ tươi, các lần sau ra ít có màu nâu đỏ, lần 2 cách lần 1 là 1 tuần, lần 3 cách lần 2 là 4 ngày. Hiện em đã xuất viện được hơn 1 tuần và nằm nghỉ dưỡng tại nhà. Thai cũng tạm ổn và không thấy ra huyết gì nữa nhưng cơ thể em thì khá xanh xao, bị sụt hơn trước 1kg. Em muốn hỏi bác sĩ có cách nào tìm ra nguyên nhân động thai (dọa sảy) một cách chính xác không ạ? Bởi đi khám hầu như không bác sĩ nào nói nguyên nhân mà chỉ dặn dò những thứ cần kiêng để cho thai được khỏe. Công việc của em thì phải đi xa nhà 13km, thường đứng nhiều hơn nhưng không làm gì nặng nhọc. Em thật sự hoang mang không biết nguyên nhân từ đâu, nếu do công việc thì mình có phải nghỉ việc để dưỡng thai hay không? Em có tìm hiểu các thông tin trên mạng để kiêng từ cách ăn uống, ngủ nghỉ nhưng vẫn lo lắng vì không hề biết nguyên nhân chính xác động thai. Em cũng đã đi đo độ mờ da gáy, và làm xét nghiệm double test, không biết việc động thai có bị tác động từ chất lượng tinh trùng hay trứng không? Vợ chồng em để mang thai tự nhiên. Trước đó đi xét nghiệm tinh dịch đồ thì chất lượng tinh trùng vẫn chưa tốt. Khi có bầu em cũng bất ngờ. Giờ em cảm thấy lo lắng vì trước đó lúc thai nhi 10 tuần em ít ốm nghén. Tới tuần thứ 11 bị động. Xin bác sĩ giải đáp thắc mắc giúp em. Cảm ơn bác sĩ!
(San, 27 tuổi)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Xin chia sẻ với những lo lắng của em. Khi khám, em cần hỏi bác sĩ xem có bị rau bám thấp (rau tiền đạo) hay không? Có bị bong rau hay không. Đồng thời, em cần làm các xét nghiệm để tìm xem có bị nhiễm trùng ở cổ tử cung, âm đạo hay không. Nguyên nhân gây ra máu, dọa sảy thai không phải lúc nào cũng dễ thấy đôi khi không tìm được. Nhưng em chắc chắn cần phải nằm nghỉ nhiều, ngoài ra cần uống thêm viên sắt để chống thiếu máu và kiêng không sinh hoạt vợ chồng. Nếu em đã làm triple test và đo độ mờ da gáy bình thường thì không cần lo lắng gì nhiều về các bất thường nhiễm sắc thể của thai. Chúc em mau khỏe. 

– Xin phép hỏi bác sỹ, trong thời gian bị nghén này em thường xuyên có cảm giác cục nghẹn ở cổ, nhất là sau khi ăn. Xin hỏi đó là cảm giác thông thường hay triệu chứng của bệnh khác đi kèm ạ? Xin cảm ơn bác sỹ. (Thủy Tiên, 35 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Những dấu hiệu nghẹn cổ, nôn, buồn nôn là những dấu hiệu của nghén, đặc biệt hay xảy ra trong 3 tháng đầu. Bạn nên ăn chia làm nhiều bữa, mỗi bữa với số lượng ít. Nếu dấu hiệu nghén trầm trọng, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa.

Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai dễ có nguy cơ đẻ non
Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội

– Tôi đang mang bầu được 25 tuần, hôm qua đi khám bác sĩ siêu âm cho tôi nói thai nhi bị giãn não thất 9,3mmm. Xin bác sĩ cho biết, mức độ đó có đáng ngại không? Có cách nào can thiệp để thai nhi phát triển khỏe mạnh và an toàn? Xin chân thành cảm ơn. (Vũ Kim Vân, 32 tuổi, Tôn Đức Thắng, Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Khi não thất bên có kích thước trên 10mm thì gọi là giãn não thất (bình thường dưới 8mm, từ 8-10mm cũng chưa gọi là giãn não thất nhưng cần phải theo dõi). Không có thuốc nào để chữa giãn não thất. Tuy nhiên, em cần làm test ADN để loại trừ bệnh Down. Ngoài ra cần theo dõi trên siêu âm tiến triển của giãn não thất khoảng 2-3 tuần một lần và cũng cần làm lại siêu âm phát hiện dị tật ở nơi có đủ trình độ và uy tín để loại trừ những bất thường khác của thai kèm theo. Cảm ơn em

– Em đang mang thai ở tuần thứ 26. Khi đi khám thai định kì không thấy bác sỹ tư vấn tiêm uốn ván.Vậy xin hỏi, bây giờ em có tiêm được không? Nếu không tiêm có ảnh hưởng gì không? Em xin cảm ơn. (Nguyên Như Trang, 28 tuổi)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

26 tuần thai là bạn có thể tiêm uốn ván được rồi. Nếu có dấu hiệu gì sau tiêm, bạn nên trở lại ngay cơ sở y tế bạn tiêm. Đa số vắc xin này an toàn dành cho phụ nữ có thai. 

– Em mang thai đựơc 7 tuần. Em hay bị ra máu. Có lúc màu đỏ tươi có khi màu bầm bầm. Bác sĩ nói là bị động thai. Phải nằm nghỉ. Em nghe nói nếu ra huyết bầm bầm thì khó giữ được thai đúng không ạ. (Cao Thị Xuân Diệu, 30 tuổi)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Đúng là em cần phải nằm nghỉ nhiều. Nếu máu màu đỏ tươi là máu mới chảy ra còn màu đen sẫm là máu đã chảy ra từ lâu nhưng đọng lại ở trong sau đó mới bị đào thải ra ngoài. Vì vậy màu sắc của máu không thể dựa vào đó để nói dễ hoặc khó giữ thai. Ẻm nên thăm khám bác sĩ cẩn thận chứ không nghe nói và phỏng đoán. Cảm ơn em

– Em chào bác sĩ. Em mới mang bầu lần đầu được 10 tuần. Em bị ốm nghén chán ăn, em không ăn nổi các loại cá và ăn được ít thịt. Em vẫn uống được sữa, rau quả và bổ sung axit folic. Ngày em nôn 1-2 lần, chủ yếu vào buổi tối.Tuy nhiên em gần như ăn chay nên em rất lo lắng, không biết bé có đủ chất không? Lần đầu làm mẹ nên nhiều bỡ ngỡ, bác sĩ có thể tư vấn cho em chế độ ăn uống phù hợp với em được không ạ? (pham kim phuong, 27 tuổi, Hai Phong)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em không cần lo lắng vì khi em bị nghén không ăn uống được nôn nhiều nhưng chắc chắn sẽ không ảnh hưởng gì đến thai. Em nên cố gắng ăn các loại thức ăn phù hợp không làm mình bị nôn, đặc biệt là thức ăn lỏng và nguội. Hiện tượng nôn nghén sẽ tự hết sau 3 tháng. Chúc em khỏe!

Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai dễ có nguy cơ đẻ non
Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp

– Em bị khô mắt uống viên VTM A (màu đỏ) 200.000 UI 1 tuần sau trễ kinh phát hiện có thai. Xin hỏi bác sĩ điều này ảnh hưởng gì đến em bé không?  (trinh mai vinh, 25 tuổi, 125 Ly Thuong Kiet P5 Q TB TP HCM)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Anh muốn biết em uống trong thời gian bao nhiêu ngày. Về nguyên tắc không được sử dụng vitamin A liều cao trong 3 tháng đầu vì có thể gây dị tật cho thai. Vì vậy trường hợp của em cần cân nhắc xem có nên bỏ thai hay không?

Cảm ơn em

– Chào bác sĩ. Hiện nay tôi đang mang thai được 12 tuần (con đầu lòng). Tuy nhiên, tôi bị ốm nghén không ăn được nhiều và tôi sợ em bé không đủ chất để phát triển, tôi rất lo. Bác sĩ có thể tư vấn cho tôi cách giảm tình trạng ốm nghén và thực đơn ăn uống khoa học trong từng giai đoạn của thai kỳ không?
 
(Bùi thị hạnh, 28 tuổi)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

12 tuần đầu, thai phụ thường có dấu hiệu nghén, có thể sút từ 1-3 kg. Tình trạng này cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai vì giai đoạn này thai chưa có nhu cầu dinh dưỡng nhiều. Sau giai đoạn nghén, bạn sẽ lại lên cân.

Khuyến cáo bạn: trong 12 tuần đầu nên ăn ít một và chia nhiều bữa. Thức ăn không nên cho nhiều gia vị và không dùng chất kích thích.

– Tôi mang thai cháu thứ 2 được 4 tháng. Cháu đầu sinh thường được 3 tuổi từ khi có cháu thứ 2 tôi bị trĩ nặng, hiện tai búi trĩ đã lòi ra ngoài được 1cm.Vậy đến lúc tôi sinh cháu thứ 2 có sinh thường được nữa không. Xin cảm ơn bác sĩ? (hoàng thị thu hà, 31 tuổi, hương trà.thừa thiên huế)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em vẫn có thể sinh thường được, sau đó cần gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để điều trị trĩ. Trong lúc có thai, em nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau hoa quả để tránh bị táo bón sẽ làm cho bệnh trĩ nặng thêm. Cảm ơn em

– Em mang thai được 12 tuần, thỉnh thoảng bụng dưới đau lâm râm, không biết có sao không ạ? Em bị viêm xoang, hay nhức mũi nên phải dùng ống hít, không biết có ảnh hưởng tới thai nhi không? Em bị viêm da đầu tiết bã, bác sĩ có kê thuốc bôi nhưng em không dám bôi thuốc, không biết là em có dùng được không ạ? (doãn thị diệu linh, 29 tuổi, Pleiku, Gia Lai)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Nếu bạn có thai, trong 12 tuần bị đau  bụng thì bạn nên đến bác sĩ để dùng thuốc chống co thắt, tránh tình trạng xảy thai.

Nếu bạn viêm xoang bạn nên dùng thuốc tai, mũi, họng để dùng các loại thuốc an toàn khi mang thai. Nếu bạn viêm da đầu tiết bã, nên đến khám bác sĩ da liễu.

– Hiện tôi mang thai tuần thứ 17. Đi làm xét nghiệm máu thì hồng cầu và tiểu cầu đều ở mức thấp hơn chuẩn. Tuy nhiên bác sĩ khám cho tôi không kê thêm viên sắt, hiện tôi vẫn chỉ dùng viên vitamin bổ sung. Xin hỏi bác sĩ, tôi có cần bổ sung thêm viên sắt không? Xin cảm ơn bác sĩ. (Đỗ Quỳnh Anh)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Để tư vấn cho em anh cần nhiều dữ liệu hơn nữa và cần nhìn trực tiếp kết quả xét nghiệm. Nếu là thiếu máu nhược sắc thì cần uống thêm viên sắt còn một số bệnh lý về máu như bệnh thalassemie thì mặc dù thiếu máu nhưng cũng không được dùng viên sắt. Cảm ơn em

– Xin bác sĩ cho hỏi khi mang thai bị mất ngủ triền miên có ảnh hưởng gì xấu đến thai nhi không? Có uống thuốc gì cải thiện được không và liều lượng ra sao? Cảm ơn bác sĩ. (Hoàng Hà, 33 tuổi)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Lúc có thai mà bạn mất ngủ triền miên là dấu hiệu không bình thường. Thường chứng mất ngủ hay xảy ra vào 3 tháng cuối của thời kỳ thai nghén do thai chèn ép. Việc chèn ép vào bàng quang làm bạn thường đi tiểu đêm, mất ngủ.

Nếu bạn mất ngủ triền miên nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để giải quyết. 

Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai dễ có nguy cơ đẻ non
Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội

– Em sinh cháu đầu cách đây 6 năm bị động thai, bong rau non nằm viện suốt thai kì . Vậy nếu đứa thứ 2 cần chuẩn bị gì để an toàn trong thai kì? Cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thu Hà, 33 tuổi, Uông Bi – Quảng Ninh)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Bạn nên đến khám trước sinh để khám bác sĩ chuyên khoa sản để tư vấn trước sinh. 

– Em mới phát hiện có bầu được một tuần nhưng chưa đi tiêm phòng. E cũng hơi lo. Bác sĩ cho em lời khuyên và cách chăm sóc như thế nào cho hợp lý. Em cảm ơn bác sĩ ạ! (Vũ thị huyền, 24 tuổi)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Trong khi có thai em chỉ cần tiêm phòng uốn ván. Ở thời điểm này, em nên uống thêm các chế phẩm có chứa axit folic, đi siêu âm kiểm tra xem thai đã vào trong tử cung hay chưa và làm xét nghiệm kiểm tra rubella. Cảm ơn em

– Xin bác sĩ cho hỏi trước khi bầu bé thứ nhất em đã tiêm phòng rubella. Bé đầu đã được 2,5 tuổi, vậy khi bầu bé thứ hai có cần phải tiêm phòng lại không ạ? Mỗi mũi tiêm đó có tác dụng trong bao lâu ạ? Cám ơn bác sĩ. (Kim Chi, 28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Chào bạn. Nếu bạn đã tiêm phòng vắc xin Rubella rồi và đạt miễn dịch rồi thì bé sau không cần phải tiêm nữa. Nếu bạn chưa xét nghiệm thì bạn nên làm xét nghiệm lại để xem đã có kháng thể hay chưa?

– Chào bác sĩ,
Em đang mang thai được 21 tuần. Em thuộc nhóm máu O, RH+. Chồng em nhóm máu A, RH+. Em mới được biết về bệnh vàng da do bất đồng nhóm máu ABO ở trẻ em. Em muốn hỏi: xác suất em bé sinh ra bị bệnh vàng da có cao không? Hiện tại, quy trình điều trị của bệnh viên Việt Pháp đối với những trường hợp này như thế nào ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em để em không bị bỡ ngỡ nếu chẳng may gặp phải. Em xin cảm ơn bác sĩ !
(Tạ Thị Thu Hiền, 26 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Trong khi có thai em cần được kiểm tra test combs xem có kháng thể của mẹ chống lại con hay không. Ngoài ra, bác sĩ nhi khoa sẽ theo dõi em bé để phát hiện vàng da sớm và định lượng bilirubin. Nếu cần thiết thì phải chiếu đèn cho trẻ sơ sinh để điều trị vàng da. Ngoài ra, sau sinh em cũng nên cho con tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, tránh ở trong phòng tối quá nhiều. Cảm ơn em

– Xin bác sỹ cho hỏi, hiện nay ở Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội áp dụng phương pháp da tiếp da cho cả trường hợp thai phụ sinh mổ. Sau khi cho bé da tiếp da với mẹ thì sẽ cho da tiếp da với bố trong trường hợp mẹ cần sự chăm sóc của bác sỹ. Nếu tay và ngực bố bé có nhiều lông thì có ảnh hưởng gì tới việc da tiếp da cho bé không vì sợ da bé mỏng, sẽ bị đau hoặc ngứa. Xin cảm ơn ạ. (Lê Thị Thắm, 28 tuổi, Khu đô thị định Công, Hoàng Mai, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Chào bạn, câu hỏi của bạn rất hay, rất thú vị. Tôi khẳng định là không có ảnh hường gì đến bé. Tôi thấy, các ông bố bên Pháp cũng thường xuyên làm theo phương pháp này  mà em bé không có vấn đề gì cả.

– Chào bác sĩ. Em bị u lạc nội mạc tử cung. 3 năm chưa có con. Em xin hỏi trường hợp của em làm thụ tinh ống nghiệm có tỷ lệ đậu thai cao không ạ? Chu kỳ kinh của em là 27 hoặc 28 ngày. Các xét nghiệm ngày 2 kỳ kinh và chụp tử cung bình thường. Cám ơn bác sĩ (Trần Nhung, 30 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Nói chung lạc nội mạc tử cung làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên và cũng giảm tỷ lệ đậu thai khi làm thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên, nếu em không thể có thai tự nhiên thì vẫn cần đi làm IVF. Có thể cần phải làm nhiều lần nhưng vẫn có thể thành công. Chúc em nhanh có em bé

Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai dễ có nguy cơ đẻ non
Bác sĩ Hồ Văn Thu

– Tôi đang nuôi con nhỏ 10,5 tháng tuổi, cho cháu bú bằng sữa mẹ. Nhưng hiện tại tôi đi khám và phát hiện mình có bầu 8 tuần. Bác sĩ tư vấn và chỉ giúp có nên cho bé bú tiếp không, nếu cho bú có ảnh hưởng tới em bé không và cách chăm sóc cả mẹ và con như thế nào? Cảm ơn bác sĩ nhiều. (Dương Thị Hằng, 31 tuổi, 290/12 Nguyễn Hữu Cảnh – Vũng Tàu)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em nên cai sữa cho cháu thứ nhất để tránh vất vả cho mẹ và khi có thai lại thì chất lượng sữa cũng không được như trước. Chúc mẹ con em khỏe

– Bác sỹ cho cháu hỏi một chút ạ, cháu đang mang thai được 14 tuần nhưng hiện tại không còn hay đi tiểu về đêm nữa. Cháu rất ngứa vùng bụng nên không biết thai nhi có phát triển bình thường không ạ? Ngứa vậy có phải cháu bị rạn ra không ạ? Và làm sao cháu có thể tự kiểm tra được xem thai nhi có khỏe mạnh không? Cảm ơn bác sĩ. (Phan Thị Minh, 28 tuổi, Bắc Giang)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Ngứa da bụng có thể là hiện tượng da bụng quá căng giãn trong khi có thai. Có thể là bệnh lý của da liễu, cũng có thể là bệnh lý chèn ép gan, mật gây hiện tượng tắc mật, ứ mật khi mang thai. Bạn nên đến khám bác sĩ để phân biệt các tình trạng đó.

Nếu rạn da do căng giãn da bụng khi có thai thì không ảnh hưởng đến sức khỏe em bé. Bạn nên khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của bé.

– Bác sĩ cho em hỏi là người bị hở van tim 2.5/4 van tim dày đã dùng thuốc nhưng có thai được 5 tuần có nên giữ lại thai nhi không. Siêu âm thai chưa có noãn hoàn và phôi thai. Mong bác sĩ tư vấn giúp, vợ chồng em đang rất hoang mang. (Nguyen Trung Huynh, 29 tuổi)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Bác sĩ muốn biết em bị hở van tim nào vì tim có rất nhiều van. Việc có giữ được thai hay không em cần tư vấn bác sĩ chuyên khoa tim mạch chủ yếu phụ thuộc vào chức năng tim có đảm bảo được hay không vì về những tháng sau của thai kỳ thì tim sẽ bị tăng gánh nặng làm việc. Cảm ơn em

– Em hiện đang ở tuần thai 28 tuần. Lúc 22 tuần thai, bác sĩ siêu âm chẩn đoán thai bị “khe hở môi trên 2 bên, hở vòm hàm”. Xin các bác sĩ tư vấn cách chăm sóc sức khỏe bà bầu? Nếu em sinh ở Bệnh viện Việt – Pháp thì bệnh viện sẽ có hướng điều trị như thế nào đối với mẹ và bé trong và sau khi sinh nở ạ? Xin cảm ơn các bác sĩ. (Tú, 37 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Việc theo dõi và cuộc đẻ của em vấn diễn ra tương đối bình thường. Em sẽ được gặp bác sĩ nhi khoa trước khi sinh con để được tư vấn về hướng điều trị cho em bé. Khi em bé ra đời cũng sẽ được bác sĩ nhi khoa khám và hướng dẫn chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng cho em bé ngay sau đẻ. Chúc mẹ con em sức khỏe 

– Thưa bác sỹ, em hiện đang mang bầu cháu thứ 2, tuần 34. Em mới đi siêu âm em bé nặng 2kg, vậy có nhỏ quá không ạ? Em bị đau bại một bên mông, đau nặng khi nằm xuống và đứng lên liệu có phải do thiếu canxi không ạ?

Em xét nghiệm kết quả thiếu máu nhiều hồng cầu 3,3 triệu và em bé siêu âm có hình ảnh dây rốn vắt vai 1,5 lần, liệu có khả năng bị dây rốn quấn cổ không ạ? (Nguyễn Thị Hoa, 31 tuổi, Chung cư Đông Phát, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Chào bạn, bạn nên mang kết quả siêu âm đến bác sĩ chuyên khoa Sản để so sánh với biểu đồ phát triển bình thường của em bé. Từ đó, sẽ biết em bé có phát triển bình thường hay không?

Dấu hiệu đau bại một bên hông thường do chèn ép của tử cung mang thai. Bạn nên xét nghiệm định lượng canxi trong máu để biết có thiếu canxi hay không và tham gia vào lớp  học thể dục trong khi có thai để tránh hiện tượng đau hông. 

Bạn đang có hiện tượng thiếu máu. Ngoài việc dùng vitamin, bạn nên dùng thuốc bổ máu, ăn các loại thức ăn bổ máu.

Rau quấn cổ là hiện tượng phổ biến khi mang thai. Hầu hết rau quấn cổ vẫn đẻ bình thường. Một số ít phải mổ. Giai đoạn cuối các bác sĩ thường cho bạn đi làm monitor (Đo cơn co và nhịp tim thai) để xem rau quấn cổ có ảnh hưởng đến em bé hay không?

– Em đã sinh được một tháng bằng phương pháp sinh mổ. Sau sinh, em đi kiểm tra lại và phát hiện có vết trắng âm hộ. Trước khi mang bầu em có bị viêm lộ tuyến tuy nhiên chưa điều trị được. Bác sĩ cho em hỏi sau bao lâu em có thể đi làm sinh thiết. Em cảm ơn bác sĩ. (Đặng Ngọc Hà, 30 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Sau 3 tháng, bạn có thể đến khám phụ khoa và giải quyết vấn đề lộ tuyến và vết trắng âm hộ.

Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai dễ có nguy cơ đẻ non
Bác sĩ Đào Thị Hợp.

– Chào bác sĩ, em đang có thai tuần 12. Nghe nói suốt thai kỳ ngực sẽ căng đau thường xuyên nhưng đôi lúc em thấy ngực mình mềm và xẹp hẳn so với những ngày trước. Không biết điều đó có phản ánh sức khỏe của thai không ạ? Em cám ơn. (Huyền Vi, 26 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Thường thì khi có thai, tuyến vú cũng phát triển lớn dần theo sự phát triển của thai. Nếu bạn cảm thấy vú mềm đi và tiết dịch hay biểu hiện viêm nhiễm, bạn nên đến khám bác sĩ phụ khoa, kiểm tra thai. 

– Em chào bác sĩ, các anh chị trong ban tổ chức chương trình !
Em có câu hỏi này mong được bác sĩ giải đáp giúp em ah. Em hiện mang thai ở tuần thứ 33, nhưng từ tuần 28 em thấy cân nặng của em không tăng. Khi siêu âm ở tuần 28 thai nặng hơn 1.300gram. Sang tuần 32 em siêu âm thai nặng 1.849gram. Thai có rau quấn cổ một vòng. Em thấy lo lắng về cân nặng của mình và băn khoăn không biết sự phát triển của thai như vậy có bình thường không ạ. Và nếu không thì em nên làm gì để thai phát triển tốt. Trong quá trình mang thai em tăng 10kg. Em xin chân thành cảm ơn!
(Nguyễn Huyền, 25 tuổi)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Về cân nặng của em bé trên siêu âm, anh thấy bình thường vì nằm trong giới hạn cho phép. Còn cân nặng của em thì có tăng hơi nhiều nhưng vẫn chấp nhận được. Rau quấn cổ là hiện tượng rất hay gặp, không ảnh hưởng gì đến thai, vẫn có thể đẻ thường, không có chỉ định mổ đẻ. Cảm ơn em

– Chào bác sỹ, hiện em đang mang thai đôi ở tuần 29, bác sỹ cho em hỏi nếu tiêm mũi thuốc phát triển phổi có ảnh hưởng gì đến sự phát triển cân nặng của thai nhi không ạ? Và tuần bao nhiêu thì bà bầu nên tiêm ạ? (Bùi Thị Tâm, 25 tuổi, Hà Nam)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Song thai thường có nguy cơ đẻ non, nhiều nhất ở tuổi thai 32,33,34 tuần. Vì thế, các mẹ thường tiêm mũi trưởng thành phổi cho em bé lúc 28,29,30 tuần và không ảnh hưởng đến cân nặng và sự phát triển của thai.

– Xin chào bác sĩ, em hiện nay có cháu 6 tuổi và đang có bầu cháu thứ 2 được hơn 6 tháng. Em thường xuyên đau nhức và lạnh phần cột sống và xương chậu. Khi em  muốn nằm nghiêng cũng phải nhích từ từ như người già, nhiều khi còn phải nhờ người đỡ ngồi dậy, không biết vậy là em đang bị bệnh gì? Cháu đầu em sinh thường 3,8kg, phần phụ khoa của em thường ra huyết trắng màu vàng đục. Em có thể dùng thuốc gì để đặt hay rửa khi có thai này không ạ ? Cảm ơn bác sĩ. (Trần Thị Hoa, 28 tuổi, quận 12, TP HCM)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

6 tháng mà bạn đau nhức như vậy, hàng ngày bạn nên tập những bài thể dục trong khi có thai. Bạn cần bổ sung vitamin và canxi đầy đủ. Bạn ra khí hư bất thường nên khám bác sĩ để kê toa thuốc cho bạn.

– Em mang song thai 30 tuần, thai phát triển bình thường, chiều dài cổ tử cung đo được là 43. Em có nghe tới việc thai phụ mang đa thai thì nên tiêm thuốc trưởng thành phổi để đề phòng sinh non. Cách đây 5 hôm em có vào viện khám thì bác sĩ nói em không cần phải tiêm. Vậy em xin hỏi bác sĩ, trường hợp của em có cần thiết tiêm thuốc trưởng thành phổi không? Và tiêm thuốc này có ảnh hưởng gì tới sự phát triển về trí tuệ và thể chất của trẻ sau này không ạ?
Em xin cảm ơn!
(Ngọc Mai, 31 tuổi, Hai Bà Trưng – Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Thuốc trưởng thành phổi không ảnh hưởng tới thể chất và trí tuệ của trẻ sau này. Tuy nhiên, nếu đã là thuốc thì khi cần mới dùng. Nếu thật sự cổ tử cung của em đo được 43mm thì không cần dùng thuốc trưởng thành phổi. Nhưng anh chỉ lưu ý là muốn đo chiều dài cổ tử cung thì phải đo bằng siêu âm đầu dò âm đạo, không được đo bằng siêu âm đường bụng vì dễ nhầm lẫn và không chính xác. Ngoài ra, em cần nghỉ làm và nằm nghỉ ở nhà nhiều để tránh bị sinh non. Cảm ơn em

Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai dễ có nguy cơ đẻ non
Bác sĩ Hồ Văn Thu

– Em hiện mang thai 31 tuần, con thứ 2, con đầu sinh mổ hiện được 3,5 tuổi. Theo dõi thai tại bệnh viện chuyên khoa phụ sản, tuần 28 bác sĩ nói rằng theo dõi nhau bám mép, mép bánh nhau tràn qua lỗ trong cổ tử cung, em tìm hiểu và được biết đó là một dạng của nhau tiền đạo. Em cần lưu ý những gì? Bác sĩ cũng nói thêm để đánh giá được nguy cơ sinh non hay không thì phải đo chiều dài cổ tử cung. Vậy chỉ số này nói lên điều gì? Em có cần tiêm trưởng thành phổi trước cho con hay không? (Nguyễn Thị Hương, 27 tuổi, Hà Hội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Đúng là em bị rau tiền đạo. Em cần được tiêm thuốc trưởng thành phổi cho con và nằm nghỉ nhiều, kiêng quan hệ vợ chồng. Đo chiều dài cổ tử cung đúng là để đánh giá nguy cơ đẻ non. Nếu cổ tử cung dài và đóng thì nguy cơ đẻ non thấp. Nếu cổ tử cung ngắn và mở, thì nguy cơ đẻ non cao. Tuy nhiên với những trường hợp nhau tiền đạo thì lại hơi khác vì có thể chảy máu nhiều khi thai còn non tháng vẫn phải mổ lấy thai để cứu mẹ mà lúc đó cổ tử cung vẫn còn dài và đóng kín. Chúc em may mắn

– Tôi đang mang thai ở tháng thứ 7, buổi sáng thì tôi thấy cơ thể nhẹ nhàng hoạt bát, nhưng cứ về chiều là tôi cảm thấy mình nặng nề hơn gấp nhiều lần, xin hỏi bác sĩ nguyên nhân là gì? Gần đây tôi lại bị ra khứ hư nhiều. Xin hỏi bác sĩ như vậy có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Làm thế nào để giải quyết vấn đề đó?  (Trần Thị Phương Ly, 32 tuổi, Bình Định)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Đó là hiện tượng bình thường trong khi mang thai. Bởi dấu hiệu chèn ép của thai nhi qua một ngày làm việc nên bạn cảm giác nặng nề về chiều. Tốt nhất, buổi trưa, bạn nên nằm thưa giãn một chút, đưa giơ 2 chân lên cao. 

Nếu ra khí hư, bạn đến khám bác sĩ để tư vấn liêu pháp điều trị.

– Chào bác sỹ, em năm nay 38 tuổi, đã mổ đẻ 2 lần. Vậy em có sinh thêm được em bé và mổ lần 3 được không ạ? (Hà Phương, 38 tuổi)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em vẫn có thể có thai lần 3 tất nhiên lần này vẫn phải mổ đẻ vào lúc khoảng 38 tuần. Cảm ơn em

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Bạn có thể sinh thêm em bé trong lần 3. Ở Pháp, sản phụ được tối đa 4 lần mổ đẻ. Tất nhiên, mỗi lần mổ sẽ có vết sẹo ở tử cung sẽ kèm theo những nguy cơ rạn nứt sẹo cho lần sau.

– Em có thai khoảng 7 tuần, tháng trước uống kháng sinh Zinat, cảm cúm Ameflu, kháng viêm anphachoay. Bác sĩ cho em hỏi các thuốc trên có an toàn với thai nhi không? (Nguyen Thi Nguyet, 31 tuổi, 5bA2 Dam Trau, Bach Dang, HBT, HN)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Tất cả các thuốc em dùng đều không ảnh hưởng tới thai. Em yên tâm. Chúc mẹ con em sức khỏe

– Cháu hay bị đau nhẹ ngực trái và ngực phải, có khi có cảm giác nóng rát nữa ạ. Nhưng không khó thở, cho cháu hỏi cháu bị bệnh gì và có nên đi khám không ạ? (Nguyễn Huỳnh Anh Luận , 17 tuổi, đường số 5, ấp 1, xã Tân Thành Tây, huyện Củ Chi, TP HCM)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Nếu đau  ngực, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Lồng ngực,vú xem có tổn thương gì không? 

– Vợ tôi đã mang thai được 16 tuần, mới khám thai kỳ vừa rồi. Xét nghiệm bị viêm gan B, vợ chồng tôi lo nghĩ quá. Rất mong sự chỉ dẫn của anh chị.
Xin cảm ơn.
(Lưu Dương, 31 tuổi)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Anh chị không nên lo lắng quá. Anh chị cần làm xét nghiệm men gan xem có bị cao hay không, đặc biệt cần phải làm xét nghiệm đếm nồng độ virus viêm gan B trong máu vào tháng thứ 6. Nếu nồng độ virus cao thì mẹ phải được uống thuốc chống virus trong 3 tháng cuối (thuốc an toàn cho thai). Em bé ngay sau đẻ phải được tiêm cả vacxin và huyết thanh chống viêm gan B thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con sẽ rất thấp. Chúc gia đình anh chị sức khỏe

– Hôm nay thai của em dc 11 tuần 3 ngày nhưng khi đi siêu âm thì thai được 10 tuần 5 ngày vậy thì bao giờ em đi làm sàng lọc trước sinh được ạ. Theo tuổi thai siêu âm hay tính từ ngày hết kinh ạ. Em xin cám ơn (Vũ Thị Hải, 25 tuổi, Nam Định)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Bạn cần đến bác sĩ sản khoa để xác định rõ tuổi thai, ngày thụ thai. Sàng lọc trước sinh có thể làm từ 9-13 tuần (Paranomates, Double test), từ 16-22 tuần, tốt nhất là 16-18 tuần (triple test).

– Em mới mang thai lần đầu, mẹ chồng em bắt kiêng khem đủ thứ, bác sĩ cho em hỏi những thứ gì được ăn và không được ăn trong lúc mang thai? Cám ơn bác sĩ. (Đàm Thị Mai, 26 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Em nên ăn đủ chất, tránh các chất kích thích, chất gây nghiện, các chất kích ứng, không ăn mặn, không ăn nhiều mỡ, chất béo, đường.

Mẹ bị đái tháo đường khi mang thai dễ có nguy cơ đẻ non
Bác sĩ Đào Thị Hợp

– Em đang mang thai lần đầu và thai đã được 18 tuần rồi ạ, từ khi bắt đầu mang thai đến 18 tuần em vẫn thường xuyên bị đau phần thắt lưng, bác sĩ cho em hỏi triệu chứng đâu vùng thắt lưng có ảnh hưởng gì không ạ. Em cũng đi khám thì các bác sĩ bảo do thay đổi nội tiết tố khi mang thai đúng không ạ. (Doãn Thị Thúy, 24 tuổi, Linh Đàm – Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em đau lưng thường là do đau dây chằng khi mang thai, không nguy hiểm gì cho thai. Em nên bổ sung sữa và các thực phẩm có nhiều canxi, có thể dùng thêm các chế phẩm thuốc có chứa canxi và mage và tập các bài thể dục dành riêng cho bà bầu. Chúc em mẹ tròn con vuông

– Xin chào bác sĩ. Tôi thuộc nhóm máu hiếm RH-. Xin hỏi hiện tại bệnh viện đã có sẵn thuốc anti – D phục vụ các mẹ có nhóm màu hiếm chưa ạ? Xin cảm ơn bác sĩ. (Vũ Thu Trang, 28 tuổi, TP Hải Dương)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội luôn luôn có sẵn các loại thuốc hiếm và cần thiết như anti-D để phục vụ cho các bà bầu như em. Chúc em sức khỏe

– Em chào bác sĩ. Em hỏi là em trễ kinh 14 ngày thử que 2 vạch đậm nhưng khi siêu âm thì thai vẫn chưa vào tử cung và bị nang buồng trứng phải 35mm, bị ra máu màu nâu liên tục 4 ngày, ngày đầu thì kèm đau bụng còn 3 ngày sau thì không đau bụng. Em chưa đi siêu âm lại do chưa tới một tuần. Bác sĩ cho em hỏi là thai của em có sao không và em phải làm sao để khắc phục tình trạng này.  (Phạm Phương, 32 tuổi, Nguyễn Thị Định, quận 2)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Trong trường hơp này, bạn nên định lượng nội tiết Beta Hcg để biết tuổi thai và có sự so sánh với lần khám, siêu âm sau. Bạn nên theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa sản.

– Em chào bác sĩ, năm nay em 33 tuổi, vừa bị thai lưu tuần 16 (làm IVF) và hút thai cách đây hơn một tháng. Trước đó em đi khám định kỳ đều đặn và không có dấu hiệu bất thường. Bác sĩ cho em hỏi em phải làm các xét nghiệm gì để lần sau không bị lặp lại. Em cám ơn. (Nguyễn Thị Lan, 33 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Trong trường hợp này, bạn nên đi khám phụ khoa trước khi có thai lần sau. Bên cạnh đó, bạn nên tiêm phòng các vắc xin cần thiết trước khi có thai (thủy đậu, rubella…).

– Làm thế nào để được trong suốt chu kỳ mang thai mẹ khoẻ con khoẻ , mẹ ăn chủ yếu vào con chứ không vào mẹ? Và 3 tháng cuối thai kỳ nên ăn những món nào để con hấp thụ tốt? (Bùi Ngọc Anh, 23 tuổi)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt lao động và tập thể dục đều đặn, hợp lý. Cụ thể là nên ăn đa dạng các loại thức ăn vì mỗi loại thức ăn sẽ cung cấp cho mình những chất dinh dưỡng khác nhau, không nên ăn nhiều đồ ngọt còn tinh bột thì vẫn ăn vừa phải nhưng phải chia làm nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước, tập các bài thể dục dành cho phụ nữ có thai, không nên lao động quá căng thẳng, vẫn có thể quan hệ vợ chồng nhưng phải nhẹ nhàng và khi thai nghén phải hoàn toàn bình thường. Không cần thường xuyên nằm nghiêng sang trái, em có thể nằm theo tư thế nào mình cảm thấy dễ chịu nhất. Không có thức ăn nào làm cho con hấp thụ tốt. Thực ra chuyện thai nhỏ hay thai to không phụ thuộc vào ý muốn của bố mẹ. Cảm ơn em

– Em hiện đang bầu 17 tuần. Nhưng từ 12 tuần em đã bị đau lưng ở đốt sống cuối cùng, khi nằm trở mình rất khó khăn. Em đi khám thì bệnh viện cho xét nghiệm nhưng kết quả bình thường. Em cũng không bị thiếu canxi chỉ tạm đủ để đáp ứng nhu cầu canxi tại thời điểm này. Bác sĩ có kê canxi cho em bổ sung nhưng uống 1 tháng vẫn không thấy đỡ. Bác sĩ tư vấn giúp em ạ. Có phải em bị đau lưng như vậy là sớm không ạ? Em đang mang thai lần 2, lần 1 em sinh mổ. Em cảm ơn. (Lê Hồng Phương, 28 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Hàng ngày, bạn nên tập những bài tập thể dục khi mang thai. 

– Em  đang mang thai tuần thứ 34, trong thời gian mang thai ở tháng thứ 7 em có bị mẩn ngứa và rộp ở hai phần bụng đùi. Do chân to và di chuyển nên cọ xát nhiều nên bị lan ra khoảng đường kính 5cm. Em tham khảo trên mạng nghĩ mình bị herpes. Sau đó 1 tuần em khỏi, nhưng hiện tại đang có hiện tượng bị lên lại! Bác sĩ trả lời giúp em, có phải bị nhiễm virus herpes không được sinh thường? Em có phải bị herpes sinh dục không ạ? (Đào Kiều Loan, 25 tuổi, Bồ Đề, Long Biên)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em cần khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chấn đoán và điều trị. Nếu em chỉ bị như vậy ở hai bên đùi đối xứng nhau thì anh không nghĩ em bị herpes.

– Chào bác sĩ, hiện tôi em đang mang thai ở tuần thứ 23, hằng ngày ngoài uống sữa dành cho phụ nữ có thai, em có cần uống bổ sung thệm sắt và canxi nữa không? Trong thời gian này em có thể uống bổ sung Omega3 được không ạ? Nếu được thì liều lượng ra sao?
 
(Tống Thị Liên, 28 tuổi, Hà Nội)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Bạn nên dùng vitamin dành cho bà bầu (như procare, prenatal) và uống 2 cốc sữa một ngày và ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. 

– Xin chào bác sĩ, bác sĩ cho hỏi em mang thai được 11 tuần thì bị cảm cúm, e đi khám ở viện gần nhà thì được bác sĩ cho uống 2 loại thuốc ospamox và eugica em uống được 2 hôm thấy người mệt hơn, em đi khám lại bác sĩ thay cho e loại thuốc khác đó là:cezirnate 500mg và alpha choay. Bác sĩ cho em hỏi, em uống thuốc như vậy có ảnh hưởng gì đến thai nhi không ạ. Em cảm ơn bác sĩ. (NGUYỄN THỊ THỦY, 26 tuổi, 2 NGÕ 96/30 NGÔ GIA TỰ- LONG BIÊN- HÀ NỘI)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em cần làm xét nghiệm xem có đúng bị cúm hay không. Nếu bị cúm nặng thì có thể phải dùng thuốc chống virus tên là Ameflu. Ngoài ra, nếu sốt, đau đầu thì có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, Efferalgan, không cần dùng kháng sinh và Alpha Choay. Tuy nhiên các thuốc em dùng ở trên đều không ảnh hưởng gì đến thai.

Cảm ơn em!

– Thưa bác sĩ, em mang thai khoảng 4,5 tháng. Tuy nhiên, hiện tại em hay bị cảm, đau vùng bụng dưới và đau lưng. Xin hỏi bác sĩ có cách nào trị cảm và giảm bớt các trị chứng trên không ạ? Em cảm ơn bác sĩ. (Hồ Thị Thu Hiền, 28 tuổi, Quảng Ngãi)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Nếu đau bụng, bạn phải khám xem có dấu hiệu bị dọa sảy hay không? Nếu bị cảm cúm, bạn nên đi khám bác sĩ nội khoa và thông báo với bác sĩ bạn đang có bầu. Tốt nhất, bạn không tự  uống thuốc. Bạn nên tránh lạnh, tránh gió, tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm. 

– Chào bác sĩ, em muốn hỏi dùng thuốc gây tê ngoài màng cứng khi sinh có hại gì không? Một số bài báo nói rằng khi đẻ cần có cơn đau tự nhiên, nếu không đau thì cũng không hoàn toàn tốt, điều này có đúng không? Thuốc này giảm đau nhiều không và có gây hại đến sức khoẻ của mẹ sau này không? (Lưu Thế Anh, 27 tuổi, Cầu giấy Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Gây tê ngoài màng cứng là một biện pháp giảm đau hiệu quả trong chuyển dạ và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con. Nếu trong khi gây tê mà sản phụ muốn cảm nhận được cơn đau thì bác sĩ chỉ cần giảm hoặc cắt liều thuốc tê thì cơn đau sẽ xuất hiện trở lại. Theo tôi, nó có lợi rất nhiều và hầu như không có hại gì. Chúc em mẹ tròn con vuông

– Em bị cắt một quả thận phải do bị bướu cách nay 3 tháng, tái khám chức năng quả thận còn lại bình thường. Xin bác sĩ cho hỏi em sinh thêm con được không? Cảm ơn bác sĩ. (Ngọc Hạnh, 33 tuổi, TP HCM)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Chào bạn, trong trường hợp của bạn vẫn có thể mang thai bình thường.

– E hỏi thêm nữa là: xét nghiệm tiểu đường của em lần 2 sau khi uống nước đường 1h là 11.5 kết luận bị tiểu đường thai kỳ. E có dùng máy đo tiểu đường tại nhà lúc chiều tối là 4.8, lúc chưa ăn sáng là 4.9 và sau khi ăn trưa 2h (e ăn như mọi khi, uống nước cam, ăn tráng miệng đu đủ) thì đo được là 8.8. Vậy bác sĩ cho e hỏi như vậy e còn bị tiểu đường thai kỳ nữa ko ạ? Em cám ơn bác sĩ ạ. (Nguyễn Thanh Thúy, 34 tuổi, phố Trung Kính, Hà Nội)

– Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Việt Pháp:

Em bị tiểu đường thai kỳ vì lần hai sau khi uống nước đường, đường huyết của em vượt ngưỡng (10). Còn về việc theo dõi đường huyết thì đường huyết của em lúc đói là bình thường (dưới 5.3) nhưng đường huyết sau ăn 2 giờ thì lại cao là 8.8 (ngưỡng dưới 6.7). Em cần gặp bác sĩ chuyên khoa tiểu đường để được hướng dẫn chế độ ăn và theo dõi đường huyết, tiêm insulin nếu cần. Chúc em khỏe

– Vợ tôi 33 tuổi, đang mang thai con đầu lòng tuần thứ 31, nhưng kết quả test phát hiện tiểu đường thai kỳ và máu nhiễm mỡ. Xin cho biết nguy cơ ảnh hưởng thế nào đến thai nhi và hiện tượng này sẽ hết sau khi sinh chứ ạ? (Trước khi mang thai vợ tôi không bị bất cứ triệu chứng nào). (Lưu Huỳnh, 34 tuổi, Phường An Phú Đông, quận 12)

– Thạc sĩ Đào Thị Hợp – Chuyên khoa I, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội:

Trường hợp của bạn bị tăng đường máu thai kỳ (đái đường khi mang thai hay rối loan chuyển hóa đường khi mang thai). Bạn phải đi khám chuyên khoa Nội tiết để điều chỉnh cân  bằng đường máu khi mang thai. Bạn nên đến bác sĩ sản khoa tư vấn về nguy cơ đái đường khi mang thai. 

Đái đường khi mang thai có thể gây nguy cơ mất tim thai không có triệu chứng (do hôn mê, do đường máu tăng cao, block nhị thất ở quả tim thai nhi) gây biến chứng đa ối cho mẹ dẫn đến đẻ non và nhiều nguy cơ đẻ non.

Vì thời hạn chương trình có hạn và rất nhiều câu hỏi. Nếu độc giả có câu hỏi, có thể gửi về phòng marketing, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội.

VnExpress

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook