Thứ Ba, 24/01/2017 | 00:06

Ngày 19/1, bé Lê Doãn Núi – con của sản phụ Nguyễn Thị Quảng (30 tuổi, Định Hải, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị mắc bệnh tim rất nặng – đã cất tiếng khóc đầu đời.

Vẫn còn đau và chưa thể ngồi dậy sau ca mổ sinh bé Núi, sản phụ Quảng không giấu nổi niềm vui mừng khi chia sẻ về quyết định giữ con dù bản thân đang lâm vào tình trạng nguy kịch vì mắc bệnh tim nặng.

ChịQuảng lấy chồng muộn và rất khó khăn để mang thai. Khi thai kỳ được 11 tuần tuổi, chị mệt và ngất phải cấp cứu tại Bệnh viện E (Hà Nội).

Mẹ bệnh tim nguy kịch cương quyết bảo vệ con trong bụng

GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E –trao bé Núi cho anh Trị, bố cháu bé. Ảnh: Thanh Xuân.

Tại Trung tâm tim mạch – Bệnh viện E, Ths.BS Nguyễn Công Hựu thông báo sản phụ bị hội chứng Marfan, có thương tổn rất nặng về tim mạch cần phẫu thuật sớm đồng nghĩa chị phải đối mặt với nguy cơ sảy thai.

BS Hựu giải thích đây là bệnh lý có tính di truyền, bất thường về gen dẫn tới rối loạn cấu trúc tổ chức liên kết gây bệnh ở nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt và hệ tim mạch. Qua khám xét phát hiện động mạch chủ ngực của bệnh nhân đã giãn rất to đến 5,5 cm (bình thường kích thước không quá 3 cm) và van tim động mạch chủ bị hở rất nặng, buồng tim giãn to.

Quyết định hi sinh đứa con trong bụng để cứu lấy mạng sống của mẹ là một điều không dễ dàng. “Cảm giác đó thật khó diễn tả” – giọng chị Quảng nghẹn lại.

Nhưng đến ngày thực hiện quyết định, vợ chồng chị viết một bức thư thấm đẫm nước mắt gửi Ths.BS Nguyễn Công Hựu, GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E. Sau đó, GS Thành gặp lại vợ chồng chị và đồng ý giúp dù hy vọng đó là rất mong manh.

Để cứu mẹ, các bác sĩ phải cho bệnh nhân chụp chiếu, phẫu thuật và sử dụng thuốc, làm ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.

Vì thế, hàng ngày, GS Thành và bác sĩ ở Trung tâm Tim mạch đều khám, theo dõi sát sao, hội chẩn liên tục khi có những biểu hiện bất thường. Khi thai nhi sang tuần 16, các bác sĩ bắt buộc phải phẫu thuật để thay van tim và thay đoạn động mạch chủ cho sản phụ.

Trước khi mổ, một lẫn nữa GS Thành và bác sĩ Hựu tiếp tục giải thích cho gia đình về nguy cơ sảy thai trong quá trình mổ là rất cao. May mắn ca mổ diễn ra gần 6 tiếng và thành công.

Sau đó, sản phụ được chuyển xuống khoa Sản – Bệnh viện E -để tiếp tục theo dõi thai kỳ và xuất viện sau một tháng. Sức khỏe người mẹ dần ổn định, thai nhi phát triển tốt, cân nặng theo tiêu chuẩn…

Tuy nhiên, khi thai kỳ ở tuần 37, sản phụ bắt đầu xuất hiện trở lại hiện tượng mệt mỏi, khó thở nên lập tức nhập viện để theo dõi. Lúc này, các bác sĩ quyết định mổ cho sản phụ.

10h45 ngày 19/1, chị Quang được đưa vào phòng mổ. 120 phút sau, chị vỡ òa khi nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con.

Mẹ bệnh tim nguy kịch cương quyết bảo vệ con trong bụng

Vợ chồng chị Quảng hạnh phúc với bé Núi sau quãng thời gian khó khăn. Ảnh: Thanh Xuân.

Anh Trị nghẹn ngào: “Vợ chồng mình đặt tên con là Lê Doãn Núi với ước mong con có sức khỏe và sống có ích cho xã hội. Đặc biệt, với tên Núi, chúng tôi muốn con hiểu rằng, để con được sinh ra trên đời thì “công cha, nghĩa mẹ cao tựa như núi Thái Sơn”.

Sáng 23/1, GS.TS Lê Ngọc Thành đã tới thăm khám và bế bé Núi 5 ngày sau khi sinh. GS đánh giá sự chào đời của em bé là một bước tiến của ngành y tế Việt Nam, xóa bỏ quan điểm phụ nữ bị bệnh tim không nên lấy chồng, mang thai. Những kỹ thuật phát hiện và điều trị tiên tiến hiện nay đã cho phép họ có quyền làm vợ, làm mẹ mà không ảnh hưởng tới tính mạng.

Theo thống kê của khoa Sản – Bệnh viện E, 6 tháng cuối năm 2016, số lượng phụ nữ có thai bị bệnh tim và thai nhi có bệnh lý tim bẩm sinh đến khám và theo dõi tăng gấp nhiều lần. Trung bình mỗi tháng có khoảng 15-20 ca sản phụ mắc bệnh tim và thai nhi mắc tim bẩm sinh.

Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook