Bàn phím máy ATM có thể dẫn đến lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn kháng kháng sinh (MRSA) và vi khuẩn staphaureus gây ngộ độc thực phẩm.
Một nghiên cứu ở Anh cho thấy bàn phím trên máy rút tiền tự động (ATM) có nhiều vi khuẩn gây bệnh gần như không kém bề mặt bàn cầu hay xí bệt công cộng. Được tài trợ bởi một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm diệt khuẩn BioCote như lớp phủ bề mặt chống khuẩn, các nhà khoa học Anh tìm lượng vi khuẩn trên bề mặt một số địa điểm công cộng.
Các bề mặt nghiên cứu gồm chỗ ngồi của xí bệt hay còn gọi là bàn cầu công cộng, tay cầm xe đẩy đựng hàng trong siêu thị, tay nắm máy bơm xăng tại các trạm xăng tự động (người mua tự bơm và tự trả tiền bằng thẻ) và bàn phím máy ATM. Bằng cách dùng miếng thấm thấm lên bề mặt cần nghiên cứu, cho miếng thấm vào các túi đựng tiệt trùng, dán kín, rồi mang về phòng thí nghiệm nuôi cấy mẫu trên đĩa chuyên dụng…, các nhà khoa học đếm số lượng vi khuẩn có trong mẫu.
Kết quả thật bất ngờ khi tất cả các mẫu đều tìm thấy vi khuẩn, trong đó có E.Coli và Coliform, những vi khuẩn chỉ thị có nhiều trong phân người. Trong số bốn mẫu bề mặt được nghiên cứu, bề mặt bàn cầu có nhiều vi khuẩn nhất và bàn phím máy ATM đứng thứ hai với mức xấp xỉ. Các nhà nghiên cứu không đề cập đến các loại vi khuẩn khác song, theo một nghiên cứu khác cũng của Anh, 80% bệnh tật của con người bị lây qua tiếp xúc đường tay, trong đó có cả vi trùng gây bệnh lao và bệnh cảm lạnh thông thường.
Bàn phím máy ATM có thể dẫn đến lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn kháng kháng sinh (MRSA) và vi khuẩn staphaureus gây ngộ độc thực phẩm. Thậm chí, có bàn phím ATM đã phát hiện hẳn vết phân người. Các nhà khoa học khuyến cáo, trong khi chờ một thế hệ bàn phím máy ATM có dán lớp bề mặt chống nhiễm khuẩn (mà họ không mấy tin tưởng hiệu quả của loại vật liệu này), cách tốt nhất, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng các biện pháp muôn năm cũ. Đấy là, hoặc đeo găng tay hoặc lau tay bằng khăn ướt dùng một lần hoặc rửa tay ngay sau khi thao tác trên bàn phím công cộng.
“Chúng tôi rất bất ngờ khi kết quả cho thấy mức độ nhiễm bẩn ở máy rút tiền tự động và nhà vệ sinh là như nhau. Hơn nữa, những vi khuẩn ở các máy ATM có khả năng gây hại cho sức khỏe của con người” – bác sĩ Richard Hastings, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Các nhà khoa học thuộc Công ty BioCote cũng kiểm tra số lượng vi khuẩn ở các dịch vụ công cộng khác như trạm điện thoại công cộng, nhà chờ xe buýt. Kết quả cho thấy những dịch vụ này đều chứa lượng vi khuẩn gây hại không kém một nhà vệ sinh công cộng.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành là do nhiều người Anh coi nhà vệ sinh công cộng là mối hiểm họa lớn nhất với sức khỏe. Nếu như nhà vệ sinh công cộng được coi là những nơi bẩn nhất ở Anh, thì các bàn phím trên máy rút tiền ATM cũng “vinh dự” xếp vị trí bẩn thứ 7. Hơn 42% dân số Anh (khoảng 20 triệu người) nhất trí rằng máy ATM rất bẩn, và 1/4 trong số đó thừa nhận họ cố gắng không sử dụng chúng để tránh phải chạm vào nút bấm. Thay vì dùng ATM, họ nhận tiền trả lại từ các cửa hàng.
Đứng vị trí bẩn thứ hai là điện thoại công cộng. Một cuộc điều tra khác với 3.000 người lớn cũng cho thấy, điện thoại công cộng cũng là một trong những mối đe dọa tiềm tàng tới sức khỏe. 1/4 số người được hỏi cho rằng điện thoại công cộng “rất bẩn”. Cứ 10 người dùng thì có 1 người nhất định phải lấy khăn lau phím số và tay cầm điện thoại. Ngoài ra, theo thống kê, 48% dân số Anh (khoảng 23 triệu người lớn) thậm chí còn tránh không sử dụng điện thoại công cộng, trừ trường hợp bất khả kháng, vì họ sợ lây nhiễm vi khuẩn.
Xếp hạng bẩn thứ 3 là bến xe buýt, thứ 4 là ga tàu điện ngầm. Ghế ngồi trên xe buýt đứng vị trí bẩn thứ 5, ngay sau đó ở vị trí thứ 6 là chỗ ngồi trên tàu điện ngầm và xe điện. Nhà ga đường sắt xếp vị trí thứ 8 và theo sát thứ 9 là những chỗ ngồi đầy cáu ghét trên tàu.
Tham khảo Dailymail, Telegraph
Nguồn: genk.vn
Chưa có bình luận.