Thứ Ba, 24/11/2015 | 15:05

Mục đích của việc điều trị bằng thuốc kháng virut nhằm ngăn chặn tối đa và lâu dài quá trình nhân lên của HIV trong cơ thể và phục hồi chức năng miễn dịch.

Mục đích của việc điều trị bằng thuốc kháng virut nhằm ngăn chặn tối đa và lâu dài quá trình nhân lên của HIV trong cơ thể và phục hồi chức năng miễn dịch. Hiện nay, nguyên tắc điều trị là phối hợp thuốc (dùng phối hợp ít nhất 3 loại thuốc ARV), điều trị sớm, điều trị liên tục suốt đời và đảm bảo tuân thủ điều trị ARV. Người nhiễm HIV cần đến các phòng khám ngoại trú (OPV) hoặc phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS tại các bệnh viện để được khám và điều trị sớm. Sau khi được chỉ định điều trị bằng thuốc ARV, người bệnh có thể nhận thuốc hàng tháng tại các phòng khám này hoặc tại địa phương (với một số nơi có triển khai điểm cấp phát thuốc ARV tại xã, phường).

Lưu ý khi điều trị bằng thuốc kháng virut ARV

Điểm phát thuốc ARV miễn phí tại Khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm y tế dự phòng quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: H.H

Khi điều trị các thuốc này, người bệnh cần lưu ý một số tác dụng phụ của thuốc. Một số tác dụng phụ dễ nhận biết thường gặp là:

Tiêu chảy: Đây là tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc ARV. Khi bị tiêu chảy cần uống dung dịch oresol để bù nước điện giải, nếu tiêu chảy nặng cần truyền nước. Có thể phải dùng các thuốc chống tiêu chảy để hạn chế tiêu chảy tạm thời.

Buồn nôn: Cảm giác này thường xuất hiện sau khi uống thuốc. Hay gặp khi dùng các thuốc zidovudine (ZDV), stavudine (d4T), abacavir (ABC), tenofovir (TDF)… Để hạn chế tác dụng phụ này, người bệnh có thể uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn hoặc có thể uống thuốc chống nôn trước khi uống các thuốc này 30 phút.

Thiếu máu: Một số thuốc ARV có tác dụng ức chế tủy xương làm cho tủy xương giảm khả năng sinh ra hồng cầu gây thiếu máu. Người bệnh sẽ có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Triệu chứng này thường xuất hiện sau 4 – 6 tuần hoặc có thể xuất hiện sau vài tháng điều trị bằng thuốc ARV. Có thể bổ sung vitamin B12, viên sắt, folic… để khắc phục tình trạng này.

Dị ứng, nổi ban da: Khi uống thuốc người bệnh có thể thấy xuất hiện các ban đỏ rải rác, ngứa. Đây là phản ứng dị ứng nhẹ có thể khắc phục bằng uống thuốc kháng histamin. Nhưng cũng có thể xuất hiện các triệu chứng dị ứng nặng như như hội chứng Stevens Johnson, Lyell có thể đe dọa tính mạng. Khi bị dị ứng thuốc nặng cần ngừng thuốc ngay và điều trị tích cực tại các trung tâm y tế có đủ điều kiện.

Rối loạn giấc ngủ và hay gặp ác mộng trong giấc ngủ: Các triệu chứng này thường không kéo dài, có thể dùng các loại thuốc an thần, thuốc hỗ trợ để ngủ tốt hơn.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp rối loạn phân bố mỡ (biểu hiện tăng tích tụ mỡ ở ngực, bụng, lưng, gáy; teo mô mỡ ở cánh tay, cẳng chân, mông, má), vú to ở nam giới, đau đầu…

Khi gặp các biểu hiện trên, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ điều trị ngay để được xử trí kịp thời. Không được tự ý ngừng thuốc điều trị ARV.

Dược sĩ Hoàng Thu Thuỷ

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook