Trong thời kỳ mang thai, người mẹ bị hen phế quản (hen suyễn) nếu để bị lên cơn hen sẽ ảnh hưởng sức khỏe người mẹ và có thể gây giảm ôxy cho thai nhi.
Trong thời kỳ mang thai, người mẹ bị hen phế quản (hen suyễn) nếu để bị lên cơn hen sẽ ảnh hưởng sức khỏe người mẹ và có thể gây giảm ôxy cho thai nhi. Do đó, những phụ nữ bị hen phế quản khi mang thai cần được khám, theo dõi đều đặn và cần được bác sĩ tư vấn, chỉ định điều trị để kiểm soát đúng bệnh, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
Hen là một loại bệnh ảnh hưởng đến đường dẫn khí của phổi (phế quản) và gây ra bởi quá trình viêm mạn tính (kéo dài) của phế quản. Nó làm cho phế quản hoặc đường dẫn khí của người bệnh trở nên nhạy cảm với nhiều tác nhân khác nhau. Phụ nữ mang thai bị hen phế quản thường có những dấu hiệu như: thở khò khè, khó thở, co kéo ngực, ho và nói khó… Những triệu chứng này có thể xảy ra trong suốt ngày hoặc đêm. Thai phụ bị hen phế quản sẽ không cung cấp đủ ôxy cho thai nhi, có một sự gia tăng nhỏ nguy cơ gây một số biến chứng trong thai kỳ, có nguy cơ đẻ non, thai nhẹ cân hoặc mắc một số bệnh lý (nhịp tim nhanh, co giật, hạ đường huyết…) cao hơn so với những bà mẹ không mắc bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ này là rất nhỏ nếu hen phế quản được điều trị ổn định và duy trì sự kiểm soát bệnh tối ưu trong suốt thai kỳ.
Phế quản bình thường và phế quản bị co hẹp trong bệnh hen suyễn.
Phụ nữ mang thai bị hen suyễn thường cố chịu đựng triệu chứng và ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng thai nhi, mà họ không biết rằng, việc chịu đựng như vậy cũng rất nguy hiểm do triệu chứng có thể sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Việc điều trị hen trong thai kỳ có những giải pháp sẽ tốt cho người mẹ và an toàn cho thai.
Dùng thuốc thế nào?
Mục đích của việc điều trị hen khi mang thai là ngăn chặn những cơn hen cấp gây thiếu ôxy cho mẹ, đồng thời giúp cung cấp ôxy đầy đủ cho thai nhi. Điều trị tối ưu bao gồm: kiểm soát chức năng hô hấp; tránh các yếu tố gây kịch phát cơn hen; tư vấn và điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường. Việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo nguyên tắc sử dụng lượng thuốc thấp nhất có hiệu quả để kiểm soát bệnh hen. Nếu làm tốt điều trị dự phòng và không bỏ thuốc giữa chừng thì việc mang thai và sinh con vẫn hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh. Các bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc phù hợp với phụ nữ mang thai. Các thuốc điều trị bệnh hen cho phụ nữ mang thai thường ở dạng phun, xịt nên sẽ hạn chế được sự ảnh hưởng tới thai nhi.
Các thuốc dùng trong điều trị hen phế quản ở những mang thai cũng không có sự khác biệt đáng kể so với người không mang thai. Tất cả các thuốc thường dùng trong điều trị hen phế quản như thuốc thuộc nhóm cường beta 2 adrenergic, theophyllin, thuốc kháng histamin, corticosteroid dạng hít đều có thể được sử dụng một cách an toàn trong thai kỳ.
Nhóm cường beta 2 adrenergic: loại ưu tiên sử dụng là thuốc có tác dụng nhanh và ngắn, bao gồm salbutamol, terbutaline… các thuốc nhóm này thường được dùng chủ yếu với vai trò cắt cơn khó thở.
Thuốc albuterol hít tác dụng ngắn, cần phải sử dụng như là một loại thuốc làm giảm cơn nhanh để điều trị triệu chứng hen phế quản. Phụ nữ mang thai bị hen phế quản cần phải có thuốc này để dùng được trong tất cả mọi lúc.
Theophyllin đã được sử dụng trong nhiều năm trong thai kỳ mà chưa thấy bất kỳ một biến chứng rõ ràng nào. Điều này cho thấy thuốc dùng an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên nên dùng ở liều thấp nhất vì liều điều trị và liều gây độc của thuốc theophyllin rất gần nhau.
Thuốc kháng histamin: mặc dù thuốc kháng histamin không được sử dụng trực tiếp trong điều trị hen phế quản, nhưng chúng có thể được sử dụng để điều trị dị ứng thường kèm theo hen phế quản. Những thuốc này bao gồm: diphenhydramine, chlorpheniramine, loratadine, fexofenadine đều đã được nghiên cứu chứng minh là không làm gia tăng hay chỉ gia tăng rất ít nguy cơ khuyết tật cho con khi được sử dụng trong thai kỳ.
Đối với trường hợp hen suyễn dai dẳng trong thời kỳ mang thai, liệu pháp điều trị có kiểm soát đầu tiên bao gồm việc sử dụng corticosteroid dạng xông hít. Khảo sát cho thấy, các thuốc hít corticoid là những liệu pháp sử dụng an toàn lúc mang thai. Trong suốt thời kỳ mang thai, budesonide là dạng thuốc corticosteroid dạng xông hít được ưa chuộng. Càng tránh dùng corticoid uống càng tốt vì việc uống corticoid có thể gây nên tật chẻ vòm hầu và nhẹ cân sơ sinh, nhưng trong trường hợp cần thiết vẫn phải dùng đường uống hoặc tiêm nhưng chỉ dùng trong thời gian ngắn. Tật chẻ vòm hầu không xảy ra ngoại trừ trường hợp người mẹ uống prednison hàng ngày. Khảo sát cho thấy, việc uống corticoid trong quý đầu của thai kỳ có liên quan nguy cơ gia tăng tật sứt môi. Ngoài ra, corticoid uống cũng gia tăng nguy cơ tiền sản giật, sinh non và sinh thiếu cân. Đối với phụ nữ mang thai bị hen suyễn, liệu pháp điều trị cấp cứu được đề nghị là albuterol dạng xông hít.
Lời khuyên của thầy thuốc
Phụ nữ có bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử bị bệnh, trước khi có ý định mang thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Nên tiêm phòng vắc-xin cúm trước khi mang thai để ngăn chặn tăng nguy cơ hen phế quản vì viêm hô hấp do virut cúm.
Khi mang thai, thai phụ cần đi khám thai đầy đủ, có lịch làm việc, nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh trong suốt thai kỳ. Không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi liều điều trị.
BS. VŨ TUẤN ĐĂNG
Nguồn: SKDS
Chưa có bình luận.