Đau lưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thậm chí là mất vận động chi dưới.
Trong khi các đồng nghiệp người khổ vì béo bụng, người thì bệnh trĩ, khô mắt… bởi làm công việc văn phòng thì chị Hường (35 tuổi, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) lại phải thường xuyên đối phó với những cơn đau tưởng chừng như gãy lưng mỗi ngày.
Đã 2 tháng nay, dù đang làm việc, đi chơi hay đang ngủ chị đều cảm thấy đau mỏi toàn thân, khó chịu, bực dọc. Lúc đầu chỉ là cảm giác hơi đau, sau đó cơn đau càng tăng dần, rồi lan tỏa xuống cả phần hông, gây tê bì, khiến chị bứt dứt cả ngày không yên, làm việc không hiệu quả mà vui chơi cũng không được trọn vẹn.
Mặc dù cố gắng tìm hiểu thông tin trên mạng để tìm cách khắc phục như ngồi làm việc đúng tư thế, vận động thường xuyên nhưng dường như tất cả đều không có hiệu quả. Không chịu nổi nỗi thống khổ này thêm nữa, chị quyết định đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán đau lưng mạn tính.
Ảnh minh họa |
Nguy cơ thoát vị đĩa đệm
Đau lưng là một trong những bệnh mà người làm việc văn phòng hay gặp phải, nó xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Bàn về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thuận (Bệnh viện Thể thao Việt Nam) cho biết: “Các nguyên nhân dẫn đến đau lưng bao gồm: Ngồi lâu không thay đổi tư thế, ngồi không thẳng lưng, mang giầy cao gót đi đứng lâu, ít vận động thể lực, thay đổi tư thế xoay vặn người đột ngột, cúi để bê xách hoặc kéo đẩy vật nặng, vận động thể lực khi chưa có sự chuẩn bị hoặc khởi động tốt, thậm chí ngay cả khi nghỉ ngơi không đúng (nằm gối đầu cao, nửa nằm nửa ngồi quá lâu trong phòng lạnh) cũng gây đau lưng”.
Mặc dù đau lưng gây ra khá nhiều bất tiện cho cuộc sống, tuy nhiên, không phải ai cũng chú ý đến những dấu hiệu nhỏ để khắc phục ngay từ khi bệnh mới khởi phát. Bác sĩ Thuận cho biết: “Có nhiều trường hợp chỉ sau một động tác cúi hay xoay người đột ngột dẫn đến xuất hiện đau vùng thắt lưng, có thể dữ dội ngay hoặc có thể từ nhẹ tăng dần trong vài giờ làm cho người bệnh khó khăn trong sinh hoạt, công việc, vận động, thậm chí ngay cả ngồi, nằm cũng đau. Nếu lúc ấy, kịp thời đi khám, bệnh sẽ khỏi ngay sau một vài ngày dùng thuốc, nhưng hầu hết mọi người thường chỉ chọn giải pháp là nghỉ ngơi. Lúc đầu, các triệu chứng có vẻ thuyên giảm, song sẽ để lại nhiều biến chứng về sau”.
Cũng theo bác sĩ Thuận, tình trạng đau lưng kéo dài nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến đau lưng mạn tính làm cho người bệnh luôn cảm thấy đau mỏi, khó chịu. “Nặng nề hơn cả là tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, gây chèn ép rễ thần kinh, người bệnh sẽ thấy đau thắt lưng, lan tỏa xuống mông, đùi và chân, có thể kèm tê bì chi dưới. Nhiều trường hợp nặng đau ngay cả khi nghỉ ngơi, tăng khi ho, hắt hơi, khi thay đổi tư thế, vận động cột sống, khi đi đứng. Kéo dài có thể dẫn tới teo cơ chi dưới, làm giảm và thậm chí mất vận động chi.” – bác sĩ Thuận khuyến cáo.
Chớ lười vận động
Với những người đã và đang bị đau lưng, đặc biệt là đau vùng thắt lưng, bác sĩ Thuận khuyến cáo cần đi khám để được chẩn đoán chính xác, được tư vấn và điều trị đúng. Có nhiều phương pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ, tính chất của tổn thương, cơ bản là giảm tải cột sống (nằm nghỉ), thuốc giảm đau, giãn cơ, bổ thần kinh cơ, tác động vùng cột sống như châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu….
“Với những người đã từng bị đau thắt lưng phải tập thói quen lao động, làm việc, sinh hoạt đúng (tránh cúi lâu, không cúi mà nên ngồi xổm dùng lực của hông, đùi để nhặt hay nâng vật nặng; đạp xe, bơi thay cho việc chạy bộ, đi bộ….), hay dùng các phương tiện hỗ trợ cột sống như đai thắt lưng, áo cột sống nếu đã bị thoát vị đĩa đệm.” – bác sĩ Thuận cho biết.
Bên cạnh đó, những người mắc bệnh đau lưng cần có các hoạt động thể lực hoặc tập luyện để điều trị và thích nghi với tình trạng bệnh. Nhưng tập luyện như thế nào? Thời gian bao lâu? Các động tác, bài tập nào? Cường độ, tần số? Thời điểm nào của bệnh thích hợp với loại hình vận động nào? Đó là những vấn đề không hề đơn giản bởi nếu thực hiện sai không những không có tác dụng điều trị mà thậm chí có thể làm bệnh tiến triển nặng thêm. Vì vậy, “đơn” tập luyện phải phù hợp với từng đối tượng, từng bệnh cụ thể, hơn thế nữa còn cần phù hợp với từng giai đoạn của bệnh. Thế nên, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phác đồ điều trị cụ thể kết hợp với luyện tập hợp lý.
Để ngăn ngừa đau lưng, bác sĩ Thuận khuyên mọi người, đặc biệt là những người làm việc văn phòng cần có tư thế làm việc, sinh hoạt thích hợp như ngồi thẳng lưng, lựa chọn bàn ghế có độ cao phù hợp sao cho người thoải mái, đồng thời thường xuyên thay đổi tư thế, vận động nhẹ nhàng sau mỗi giờ làm việc.
Phương Lam
Chưa có bình luận.