Bệnh nhân bị tổn thương cơ tim được cấy tế bào gốc có thể cải thiện chức năng tim rõ ràng sau 3-6 tháng.
Ảnh minh họa: Menshealth. |
Theo giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Vạn Phước, cố vấn ban giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh tim mạch – chuyển hóa như tăng huyết áp, bệnh mạch vành ngày càng gia tăng.
Nếu trước đây tăng huyết áp được xem là bệnh của người già thì những năm gần đây, số lượng người mắc có xu hướng trẻ hóa, thậm chí ngày càng nhiều trường hợp đang trong độ tuổi lao động. Nguyên nhân gây bệnh có thể liên quan đến lối sống, chế độ ăn uống, luyện tập, nhịp sống nhanh, sự căng thẳng về tinh thần gây nên các dạng bệnh tim mạch – chuyển hóa khác nhau.
Tại hội nghị khoa học về “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch hiện nay” do Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tổ chức từ ngày 11 đến 12/11, các chuyên gia về tim mạch trong và ngoài nước khuyến cáo bệnh tim mạch đang ngày càng trở thành gánh nặng lớn đối với cộng đồng và ngành y tế của tất cả các nước trên thế giới. Các chuyên gia tim mạch đến từ Italy, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã trình bày nhiều báo cáo cập nhật, khuyến cáo, hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý rối loạn lipid máu, suy tim, tăng huyết áp, động mạch vành cấp, can thiệp tim bẩm sinh, phẫu thuật ít xâm lấn, cấy tế bào gốc điều trị bệnh tim…
Giáo sư Phước đánh giá việc ứng dụng tế bào gốc có thể xem là một bước ngoặt đầy hứa hẹn trong điều trị các bệnh lý về tim mạch nói riêng và nhiều bệnh khác. Phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước có nền y học phát triển như Mỹ, Nhật, Nam Triều Tiên, Israel… Riêng Việt Nam đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm với ghi nhận kết quả bước đầu rất tốt.
Theo bác sĩ Phước, việc cấy tế bào gốc cho thấy hiệu quả rõ rệt nhất trên những bệnh nhân tổn thương cơ tim không thể phục hồi, nhất là người lớn tuổi từng bị nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân sẽ được tiêm tế bào gốc vào vùng cơ tim bị tổn thương. Nhóm nghiên cứu theo dõi sau từ 3 đến 6 tháng điều trị ghi nhận bệnh nhân có sự cải thiện chức năng tim đáng kể. Đặc biệt ở nhóm trẻ tuổi cho thấy hiệu quả rõ rệt hơn so với các bệnh nhân lớn tuổi. Cũng theo báo cáo, tất cả bệnh nhân được cấy tế bào gốc không bị biến chứng, vùng cơ tim từng bị nhồi máu đã hồi phục đáng kể.
Cũng theo giáo sư Phước việc cấy tế bào gốc không chỉ được ứng dụng trong điều trị bệnh lý tim mạch mà còn rất nhiều bệnh khác về thần kinh, đột quỵ, giảm trí nhớ, Alzheimer, Parkinson, bệnh tủy xương, huyết học, tiểu đường… Đây là ngành khoa học đang phát triển mạnh trên thế giới, song việc ứng dụng tế bào gốc tại nước ta cần phải được nghiên cứu thật cẩn thận, có chứng cứ khoa học rõ ràng nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả thực sự, tránh tác dụng phụ không mong muốn, trong đó bao gồm cả nguy cơ ung thư. Các bác sĩ của Việt Nam đang triển khai đề tài nghiên cứu cấp nhà nước để kiểm chứng hiệu quả thực tiễn của phương pháp này trước khi đưa vào ứng dụng rộng rãi.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Bình, Giám Đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nhìn nhận những tiến bộ của y học trong điều trị bệnh tim mạch ngày càng mang lại nhiều lợi ích hơn cho người bệnh. Nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật mới như stent tự tiêu, phương tiện hình ảnh học tim mạch, thay van động mạch chủ qua da, phẫu thuật tim ít xâm lấn cho người lớn và trẻ em, điều trị bệnh mạch vành bằng tế bào gốc… giúp chữa lành những tổn thương thực thể tại tim mà trước đây không thể điều trị được. Các kỹ thuật này được ứng dụng thường quy trong nước giúp cho bệnh nhân tiết kiệm chi phí, thời gian, không cần ra nước ngoài mà vẫn có thể tiếp cận được với những kỹ thuật, thiết bị và thuốc đặc trị thế hệ mới nhất.
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.