13h trưa mùng 2 Tết, xe cứu thương chở nạn nhân 50 tuổi với vết thương cắt ngang cổ, lao đến phòng khám cấp cứu Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội.
Hàng chục y bác sĩ tập trung đưa bệnh nhân thẳng vào phòng mổ trong tình trạng vết thương cắt đứt đôi khí quản gây chảy máu nhiều. Lúc này mạch không bắt được, huyết áp không đo được, bệnh nhân ngừng thở ngừng tim, toàn thân nổi vân tím, da niêm mạc nhợt nhạt.
Bác sĩ gây mê hồi sức Trần Nguyễn Nhật nhanh chóng đặt ống nội khí quản cho thở oxy 100%; đồng thời chỉ đạo ê kíp hồi sức cấp cứu tiêm ngay Adrenalin trực tiếp vào buồng tim và ép tim ngoài lồng ngực. Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực mạch máu Đoàn Duy Hùng chỉ huy ê kíp ngoại nhanh chóng cầm máu vết thương, khâu khí quản bị đứt rời…
Sau 10 phút cấp cứu tích cực, tim nạn nhân đã đập trở lại. Thêm 30 phút xử trí vết thương, bệnh nhân bắt đầu ổn định. “Đây là trường hợp nạn nhân được cứu sống mà tôi cho là kỳ tích”, bác sĩ Trần Nguyễn Nhật chia sẻ trong lúc đứng bên giường bệnh hỏi chuyện bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn. Đây là người đàn ông có tiền sử nghiện rượu hàng chục năm nay. Theo người nhà, sáng mùng 2 Tết anh uống nhiều hơn bình thường rồi tìm con dao nhọn tự cắt ngang cổ mình.
“Chúng tôi chỉ có 10 phút để cứu sống nạn nhân. Nếu chậm trễ một phút bệnh nhân sẽ tử vong”, bác sĩ Hùng phân tích. Các bác sĩ đánh giá, Bệnh viện Sóc Sơn đã sơ cứu cầm máu vết thương rất tốt và vận chuyển bệnh nhân kịp thời. Tại Bệnh viện Saint Paul, sự phối hợp khẩn trương giữa ê kíp hồi sức cấp cứu và ê kíp phẫu thuật ngoại khoa cùng quyết tâm cao độ đã giúp trái tim nạn nhân được đập trở lại. Trực mùng 2 Tết với lượng bệnh nhân đông đúc, quá giờ chiều các bác sĩ vẫn chưa ngừng tay ăn cơm trưa. Chính những bệnh nhân được cứu sống đã mang đến sự động viên rất lớn, giúp các y bác sĩ quên đi mệt mỏi trong ca trực ngày Tết.
Thực tế, những ca tự tử có liên quan đến rượu như trường hợp trên không hiếm. Nhà tâm thần học người Đức Kraepelin lần đầu tiên mô tả hiện tượng này vào năm 1899. Từ những thập kỷ 1960 trở lại đây, rất nhiều công trình nghiên cứu công phu trong lĩnh vực xã hội học, tâm thần học, dịch tễ học đã khẳng định có mối liên quan chặt chẽ giữa hành vi tự tử với hành vi uống rượu và nghiện rượu. Lý do rượu gây nên hành vi tự tử là bởi hiện tượng tăng tính bốc đồng, thay đổi tâm trạng và trầm cảm.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, người lạm dụng rượu có nguy cơ tự tử tăng gấp 8 lần so với người không uống rượu. Theo báo cáo của Quỹ Sức khỏe tâm thần Anh, có đến 65% trường hợp tự tử liên quan đến uống rượu quá mức, đồng thời xác định rượu là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hành vi tự sát. Theo khuyến cáo của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tự tử là một vấn đề y tế công cộng có liên quan đến rượu, tăng gần 60% trong vòng 40 năm qua, đặc biệt gia tăng mạnh ở những quốc gia đang phát triển, trở thành gánh nặng toàn cầu.
Với nhiều người, rượu là phương tiện để giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống. Hành vi tự tử là sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội và môi trường, tất cả tác động chồng chéo lên nhau. Tuy nhiên, yếu tố rượu đóng một vai trò lớn trong hành vi tiêu cực này, người lạm dụng rượu sẽ phải đối diện với cái chết đến từ phương cách tự sát.
Bác sĩ Trần Văn Phúc
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.