Chiều 19/12, gần 1.500 người đăng ký hiến mô tạng và được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục Việt Nam.
Sáng 19/12, ngày hội Chung tay vì sự sống 2015 do Bộ Y tế và Học viện Quân y phối hợp tổ chức đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Ngoài sinh viên còn có nhiều người dân, cán bộ y tế và cả một số nhà sư cũng đến đăng ký hiến mô tạng nếu không may ra đi. Nhiều người đăng ký hiến giác mạc, thận, tụy, tim, gan, xương, phổi, gân, sụn, da…
Đăng ký hiến tạng tại ngày hội Chung tay vì sự sống 2015, hôm 19/12. Ảnh: Nam Phương. |
Ngay từ sáng sớm, nữ sinh viên năm thứ 4 Học viện Quân Y, quê Vũng Tàu- Nguyễn Hoàng Lan đã cùng 2 bạn cùng phòng đến đăng ký hiến tạng. “Tương lai nếu không may có chết não thì chúng ta có thể hiến tặng mô tạng cho những người bệnh đang từng ngày cần. Lúc đầu em thấy cũng hơi ngại, nhưng nghĩ là hoạt động có ý nghĩa nên đăng ký”, Lan nói.
Tình cờ thấy băng rôn khẩu hiệu, anh Trần Văn Nam, 31 tuổi, công tác tại Đại học Dược Hà Nội cũng tranh thủ vào đăng ký. Đây là nguyện vọng anh ấp ủ từ thời sinh viên nhưng đến bây giờ mới có cơ hội thực hiện. “Tôi mong muốn muốn hoạt động này được tuyên truyên sâu rộng hơn để người dân hiểu và ủng hộ hoạt động có ý nghĩa này. Biết bao nhiêu người đang hằng ngày cần tạng để có thể duy trì sự sống”, anh Nam chia sẻ.
Đến chiều 19/12, Ban Tổ chức thống kê gần 1.500 người đăng ký hiến mô tạng và được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục Việt Nam.
Gần 1.500 người đăng ký hiến mô, tạng chỉ trong ngày 19/12. Ảnh: Nam Phương. |
“Đây là một ngày hội đặc biệt, truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người trước hết là sinh viên ngành y hãy đăng ký hiến mô tạng. Sống để hiến tặng, nếu không may ra đi thì cũng có thể giúp ích cho nhiều người. Đây là kỷ lục về tình yêu thương lòng nhân ái của những trái tim tình nguyện”, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết.
Từ năm 2006 đến 2013 khi chưa có luật hiến, lấy, ghép bộ phận cơ thể người thì số lượng người đăng ký còn hạn chế. Từ khi có luật đến nay đã có hơn 2.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não.
“Nhiều người bệnh đang kỳ vọng, trông chờ sự hồi sinh từ những món quà trao tặng sự sống của cả cộng đồng thông qua việc đăng ký và hiến tạng sau khi qua đời. Chúng tôi luôn tâm niệm sống để yêu thương, ngay cả khi ra đi cũng có thể làm điều tốt, sống có ý nghĩa, khi chết cũng có ý nghĩa- trái tim của họ vẫn còn sống”, ông Phúc nói.
Ban tổ chức hy vọng nâng cao nhận thức cả cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ “sau khi một người không may ra đi thì vẫn còn làm việc tử tế”. Đồng thời bản thân người đăng ký hiến tạng nên chia sẻ nguyện vọng này với gia đình để có sự đồng thuận.
Theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép. Hơn 6.000 người suy thận đang chờ ghép, trên 300.000 người mù chờ ghép giác mạc; số người chờ ghép tim là hơn 1.500. Từ năm 2006 đến nay cả nước có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng; trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan; nguồn tạng từ người cho chết não rất ít.
Mỗi ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) có 2-3 bệnh nhân chết não có thể hiến tạng nhưng 5 năm qua chỉ có gần 30 trường hợp hiến tạng. Một người chết não hiến tặng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.
Bấy kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.