Thứ Ba, 17/05/2016 | 11:00

Báo cáo mới nhất cho thấy ở nước ta cứ 2 nam giới trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp. Theo đó tỷ lệ các ca mắc trên 25 tuổi hiện nay chiếm đến hơn 47%, tương đương gần 20,8 triệu bệnh nhân.

 
Kinh hoàng căn bệnh khiến gần 21 triệu người Việt mắc phải GS Nguyễn Lân Việt (ngồi giữa) cho biết bệnh rất dễ chẩn đoán

Đây là số liệu được GS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội tim mạch học cho biết tại lễ giới thiệu dự án Y tế cộng đồng “Tăng huyết áp- Sống khỏe ngay từ ngày đầu tiên” do Hội tim mạch VN phối hợp với Viện nghiên cứu dược phẩm Servier VN tổ chức.

Tỷ lệ người bị tăng huyết áp tăng liên tục

Tăng huyết áp, là một tình trạng mà trong đó các mạch máu liên tục tăng áp lực. Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó hiếm khi gây ra các triệu chứng khiến nhiều người không hề nhận thấy họ đang mắc phải.

Tuy nhiên, khi những áp lực trong mạch máu cao hơn thì trái tim càng gặp khó khăn hơn trong việc phải làm việc bơm máu. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến một cơn đau tim và cuối cùng là suy tim. Áp suất trong mạch máu cũng có thể gây ra chảy máu trong não. Điều này có thể gây ra một cơn đột quỵ. 

Tăng huyết áp cũng có thể dẫn đến tình trạng suy thận, mù lòa, vỡ mạch máu và suy giảm nhận thức.

Tại Việt Nam, tăng huyết áp đang ngày càng trở thành một vấn đề lớn với y tế cộng đồng. GS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội tim mạch học VN cho biết: Qua điều tra ở 8 tỉnh năm 2008 cho thấy tỷ lệ người tăng huyết áp từ 25 tuổi trở lên chiếm khoảng 25%, có nghĩa là cứ 4 người lớn có 1 người tăng huyết áp.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất từ chương trình phòng chống tăng huyết áp quốc gia thì tỷ lệ các ca mắc trên 25 tuổi hiện nay chiếm đến hơn 47%, tương đương gần 20,8 triệu bệnh nhân. Đặc biệt, khả năng mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới với tỷ lệ tương ứng là 56,4% và 42,6%. Trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp.

Cũng theo báo cáo này, trong số 20,8 triệu bệnh nhân tăng huyết áp thì chỉ có 17,7% kiểm soát được huyết áp của mình- duy trì huyết áp ở mức dưới 140/90mmHg. Còn lại hơn 82% chưa được kiểm soát đầy đủ- trong đó có khoảng 8,1 triệu không biết mình có bệnh, 0,9 triệu người biết mình có bệnh nhưng không điều trị và 8,1 triệu người điều trị nhưng huyết áp không kiểm soát đầy đủ.

Nên đo huyết áp thường xuyên tại nhà

Các chuyên gia cho biết, hiện các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, tiểu đường đã vượt qua các bệnh truyền nhiễm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. 

Trên thế giới, bệnh tim mạch đang là nguyên nhân dẫn đến con số 17 triệu người chết mỗi năm, chiếm gần 1/3 tổng số các ca tử vong trên toàn cầu. Trong số này có 9,4 triệu ca tử vong là do biến chứng của tăng huyết áp. Tăng huyết áp đang chiếm ít nhất 45% các ca tử vong do bệnh tim mạch và 51% các ca tử vong do đột quỵ.

Việc điều trị các biến chứng của tăng huyết áp yêu cầu nhiều thủ thuật can thiệp phức tạp như phẫu thuật tim bắc cầu, phẫu thuật động mạch cảnh và lọc máu… các biện pháp này sẽ rất tốn kém đối với tình hình tài chính của các gia đình bệnh nhân đồng thời chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách bảo hiểm xã hội của chính phủ. 

Chi phí cho điều trị do nhập viện vì biến chứng nặng của tăng huyết áp lớn hơn từ 2- 5 lần so với việc điều trị tăng huyết áp trong cộng đồng.

GS Nguyễn Lân Việt cho biết mục tiêu của dự án là nâng cao nhận thức của người dân và người bệnh nói riêng, để người bệnh đừng chủ quan quá với bệnh, đã bị tăng huyết áp thì không cần quá lo lắng mà cần phải tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống ngay từ ngày đầu tiên; hạn chế tối đa stress, chế độ nghỉ ngơi tập luyện phù hợp.

Bệnh rất dễ chẩn đoán (đo huyết áp bằng máy hàng ngày) nhưng trên thực tế tồn tại nhiều nghịch lý. Trong đó, số người được phát hiện bệnh chưa nhiều, số người biết bệnh được điều trị không cao, nhiều người được điều trị nhưng chưa đạt được huyết áp mục tiêu. Trong khi đó có một vấn đề rất khó khăn, ngay cả nước phát triển trên thế giới là tỷ lệ đạt được huyết áp mục tiêu chỉ dao động 10-50%.

“Vấn đề tưởng đơn giản nhưng khó khăn, nhận thức người bệnh chưa tốt, không tuân thủ điều trị đầy đủ, thậm chí có nhiều người bệnh điều trị thấy đỡ tưởng khỏi liền bỏ thuốc không uống (trong khi nếu đã bị huyết áp thì phải uống thuốc hàng ngày), cá biệt có trường hợp còn lấy đơn thuốc của người khác dùng. Chúng tôi từng gặp bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng một mực khăng khăng rằng không đau đầu không chóng mặt nên không điều trị” – GS Việt nhấn mạnh.

Ngoài ra, GS Việt cũng khuyến cáo người dân có dấu hiệu đau đầu chóng mặt, thấy o o trong tai, cảm giác ruồi bay trong mắt thì nên nghĩ đến bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên cũng có những trường hợp chỉ biết mình bị tăng huyết áp khi đã bị đột quỵ, thậm chí có những trường hợp đến viện khi huyết áp đã lên tới 200 nhưng không có triệu chứng nào nêu trên. Vì thế, để phòng bệnh người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ và đo huyết áp mỗi ngày tại nhà.

Infonet

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook