Sau khi kết hợp số liệu thống kê ô nhiễm và thống kê y tế, các chuyên gia đã khẳng định rằng mỗi năm ô nhiễm không khi đã cướp đi sinh mạng của 1,6 triệu người tại Trung Quốc và 1,3 triệu người tại Ấn Độ.
Tháng 9 năm ngoái, một báo cáo của Viện Max Planck được đăng trên tạp chí Nature đã thống kê được rằng ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 3,3 triệu người mỗi năm. Mặc dù vậy, một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ đại học British Columbia (Canada) đã khẳng định rằng con số này lớn hơn những gì những đồng nghiệp đến từ Đức tính toán được.
Cụ thể, hơn 5,5 triệu người tử vong vì những vấn đề sức khỏe liên quan đến tình trạng ô nhiễm hiện nay và quá nửa trong số đó thuộc về Ấn Độ và Trung Quốc. Thậm chí, các chuyên gia khẳng định con số này sẽ còn tăng lên trong tương lai khi mà cả 2 quốc gia vẫn đang trên đà phát triển quy mô công nghiệp của mình. Kết quả này đã được công bố trong khuôn khổ hội thảo của Tổ chức khoa học tiến bộ Hoa Kỳ vừa kết thúc ngày hôm qua.
Tác giả của nghiên cứu này, giáo sư chuyên ngành Y tế công cộng Michael Brauer, cho biết: “Điều khiến tôi và các đồng nghiệp bất ngờ là ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất đối với loài người. Theo những gì chúng tôi phân tích, 5,5 triệu người trên hành tinh đang chết dần chết mòn vì vấn đề này. Sự nguy hiểm của nó còn nằm ở chỗ chúng ta không thể chạy khỏi nó, không thể trốn tránh nó và tất cả những gì loài người có thể làm là cải thiện chất lượng không khí hoặc nằm chờ chết”.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng có 2 dạng ô nhiễm không khí chủ yếu: ngoài trời và trong nhà – bao gồm nhà ở, văn phòng, các không gian khép kín… Ô nhiễm không khí ngoài trời xuất phát từ rất nhiều nguồn như các nhà máy điện, xe hơi và giải phóng mặt bằng làm đất nông nghiệp. Dạng ô nghiễm thứ 2 bắt nguồn từ việc các thiết bị gia dụng, văn phòng được sử dụng không hợp lý. Trong khi dạng ô nhiễm ngoài trời đang trở nên rất phổ biến ở mọi nơi trên thế giới, ô nhiễm trong nhà chỉ xuất hiện ở khu vực nông thôn của các nước đang phát triển.
Ô nhiễm không khí – tử thần ai cũng biết nhưng không ai tránh.
Chương trình nghiên cứu này là một phần của dự án y tế có tên Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu, nó cũng chỉ ra rằng ô nhiễm không khí là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ mắc các chứng bệnh như đột quỵ, bệnh tim mạch và thậm chí cả ung thư. Mức độ ô nhiễm được tính toán dựa trên số lượng các hạt bụi có đường kính lớn hơn 0,0025mm.
Sau khi kết hợp số liệu thống kê ô nhiễm và thống kê y tế, các chuyên gia đã khẳng định rằng mỗi năm ô nhiễm không khi đã cướp đi sinh mạng của 1,6 triệu người tại Trung Quốc và 1,3 triệu người tại Ấn Độ. Nếu vấn nạn ô nhiễm không khi của Trung Quốc liên quan đến việc khai thác và sử dụng than đá quá nhiều thì người dân Ấn Độ đang phải trả giá vì lạm dụng chất đốt làm từ gỗ và phân bón.
Giáo sư Brauer cũng chia sẻ rằng đội nghiên cứu của ông tập trung vào 2 quốc gia này vì chính ô nhiễm không khí tại Trung Quốc và Ấn Độ là nguyên nhân chính của vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay. Ông cũng hy vọng báo cáo này sẽ một phần nào đó thay đổi tư duy tại 2 quốc giá này để người dân có được một cuộc sống lành mạnh và an toàn hơn.
Tham khảo Iflscience
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.