Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó cục trưởng cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định không có khái niệm thực phẩm bẩn, chỉ có thực phẩm an toàn hoặc không an toàn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long các văn bản quy định hiện hành đều không sử dụng khái niệm thực phẩm bẩn. Đó chỉ là một từ ngữ được sử dụng phổ biến nhưng không phải là cụm danh từ chuẩn nên không thể định nghĩa một cách rõ ràng.
Thế nào là thực phẩm không an toàn?
Mỗi loại thực phẩm đều có quy định riêng về ngưỡng an toàn. Thực phẩm được khẳng định là không an toàn khi có chứa các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Đanh mục các chất cấm đã được thông báo công khai trên trang website của Cục An toàn thực phẩm. Như vậy, tiêu chí đánh giá thực phẩm an toàn hay không dựa vào việc nó có sử dụng vượt ngưỡng cho phép các chất gây hại hoặc chất cấm hay không.
Ví dụ, măng nhuộm vàng ô thì chắc chắn vàng ô là chất cấm và người kinh doanh, sản xuất mặt hàng này sẽ bị xử lý. Những trường hợp khác như tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, củ thì phải xác minh xem mức độ tồn dư là bao nhiêu, đã vượt ngưỡng an toàn hay chưa thì mới có thể xử lý.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó cục trưởng cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)
Không thể nhận biết thực phẩm không an toàn bằng mắt thường
Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định không thể nhận biết thực phẩm không an toàn bằng mắt thường. Để kiểm tra chúng có chứa hóa chất hay không cần phải xét nghiệm.
Về điều này, PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết thêm, tùy vào mỗi loại thực phẩm, các chất cần xác minh sẽ có thời gian kiểm nghiệm dài, ngắn khác nhau.
“Nhiều chất chỉ mất nửa ngày có thể phân tích. Tuy nhiên nếu liên quan đến việc lên men để tìm ra các mẫu vi sinh vật gây hại thì chúng tôi có thể mất đến 15 ngày để hoàn tất quá trình lên men và phân tích mẫu thực phẩm”, bà Hảo cho hay.
Người dân ăn thực phẩm không an toàn sẽ được bồi thường?
Phát biểu trong cuộc họp báo về tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2016, ông Long cũng cho rằng, người tiêu dùng nên đề cao tinh thần cảnh giác, tố giác kịp thời các trường hợp biết chắc người sản xuất, kinh doanh có sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh hoặc thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Các cơ quan tiếp nhận tố cáo là tất cả các chi cục, sở công thương, chi cục vệ sinh an toàn của các tỉnh, UBND các cấp,.. “Trong trường hợp người dân có thể chứng minh sự tổn hại của thực phẩm không an toàn đến sức khỏe của mình, họ sẽ được bồi thường”, ông Long khẳng định.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.