Y học hiện đại đã chứng minh được một khả năng cực kỳ hữu ích nữa của loại củ màu vàng óng này đối với con người: chữa bệnh ung thư.
Nghệ là một trong những loại củ rất thân thuộc với người dân khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Đây là một thứ gia vị rất được ưa chuộng và cũng là một phương thuốc cổ truyền chữa các bệnh về dạ dày và gan, cũng như thường dùng để chữa lành các vết loét, do những tính chất kháng khuẩn cơ bản của nó. Không chỉ dừng lại ở đó, y học hiện đại đã chứng minh được một khả năng cực kỳ hữu ích nữa của loại củ màu vàng óng này đối với con người: chữa bệnh ung thư.
Khả năng tuyệt vời này đến từ một chất có trong củ nghệ với tên gọi là curcuminoit, với thành phần chính là curcumin. Các curcuminoit là các polyphenol và là chất tạo màu vàng cho củ nghệ, curcumin kết hợp chặt chẽ vài nhóm chức. Các hệ thống vòng thơm, là các polyphenol được nối bởi 2 nhóm cacbonyl α,β-chưa bão hòa. Nghiên cứu của các nhà khoa học vào cuối thế kỷ 20 đã xác định curcumin đóng vai trò quan trọng trong các hoạt tính sinh học của củ nghệ.
Dựa trên những nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết khả năng chữa bệnh hoặc ngăn ngừa bệnh của curcumin. Năm 2008, rất nhiều thử nghiệm lâm sàng ở người đã được thử nghiệm để nghiên cứu về tác dụng của curcumin trong việc điều trị các bệnh như: viêm tủy, ung thư tụy, hội chứng loạn sản tủy, ung thư ruột kết, bệnh vẩy nến, bệnh Alzheimer. Vậy curcumin chữa bệnh ung thư như thế nào? Các nhà khoa học đã nhận định rằng hợp chất này đóng vai trò như một sát thủ tiêu diệt khối u, hay nói cách khác: curcumin giết chết các tế bào ung thư.
Cụ thể, cơ thể con người có từ 10 đến 13 nghìn tỷ tế bào. Mỗi ngày chúng ta thay thế từ 100 đến 130 tỷ tế bào, đây là một cơ chế để bảo vệ cơ thể được biết đến với tên gọi sự chết theo chương trình (apoptosis). Tế bào ung thư lại không hoạt động như vậy khi chúng “tắt” các mã gen quy định quá trình “tự sát” của nhân tế bào. Tế bào cứ phát triển mãi và trở thành khối u.
Đó chính là nguồn gốc của bệnh ung thư và các nhà khoa học phát hiện ra rằng curcumin đã “khởi động lại” quá trình chết theo chương trình của các tế bào ung thư, cụ thể là nó kích hoạt các thụ thể chết để bắt đầu lộ trình bên ngoài của apoptosis. Thậm chí, các tế bào ung thư không thể phản kháng lại quá trình này giống như đối với một số loại thuốc đặc trị khi mà curcumin có thể kích hoạt quá trình “tự sát” của chúng theo nhiều cách khác nhau như hoạt hóa các yếu tố phiên mã NF-kB hay STAT3, hoặc là điều biến các loại enzym kinase, các nhóm protein cytokine…
Mặc dù vậy như các bậc tiền nhân đã nói “nhân vô thập toàn”, curcumin vẫn có những nhược điểm của riêng minh. Một nghiên cứu năm 2005 đã chỉ ra rằng curcumin cũng giống như các chất chống oxy hóa khác, là con dao hai lưỡi. Các nghiên cứu lâm sàng trên người với 2 đến 12g curcumin cho thấy các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn chuyển hóa sắt và chặn protein hepcidin, có khả năng gây ra thiếu sắt ở các bệnh nhân mẫn cảm. Thêm vào đó, chỉ một phần rất nhỏ curcumin được hấp thụ sau khi ăn những món ăn có thêm nghệ. Curcumin không bền vững trong ruột và một lượng rất nhỏ đi qua đường tiêu hóa và nhanh chóng bị thoái hóa hoặc liên hợp thành glucuronidation.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra hoạt chất piperine chiết xuất từ hạt tiêu đen có tác dụng tăng hấp thu và giảm đào thải của curcumin trong máu lên rõ rệt. Cụ thể, mức sinh khả dụng của curcumin trên cơ thể người khi được kết hợp với piperine từ hạt tiêu theo tỷ lệ 1% đã tăng lên tới 2000% so với không dùng piperine.
Tác dụng này của piperine lên curcumin đã được sử dụng để tạo ra dạng Super Curcumin – 1 phần piperine trong 100 phần curcumin, với mức độ hấp thụ vượt trội của curcumin khi đưa vào cơ thể. Ngoài ra, nếu hòa tan curcumin trong nước nóng hoặc dầu ấm sẽ có khả năng làm giảm độ sinh khả dụng của curcumin. Tuy vậy, nấu ăn có sử dụng curcumin và dầu, mỡ có thể làm tăng sự hấp thụ của curcumin.
Tham khảo CancerResearchUK, NaturalNews
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.