Thứ Hai, 11/04/2016 | 20:00

Chồng bỏ, con cái sợ hãi, suýt tự tử, phải sống cuộc đời bị xa lánh, ghẻ lạnh, mất việc… là những hậu quả mà những người bỗng dưng bị các cơ sở y tế kết luận “bị HIV” phải gánh chịu.

10 năm làm bệnh nhân HIV

Ông Hoàng Khắc Sửu (43 tuổi, trú thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đang làm đơn khởi kiện đòi Trung Tâm Y tế dự phòng Nghệ An bồi thường cho những tổn hại tinh thần, danh dự, vật chất do cách đây 13 năm, ông bị Trung tâm này kết luận là bị “HIV”. Số tiền mà ông tính toán cho quãng đời sống tủi nhục, bị xa lánh, ghẻ lạnh, không tìm được việc làm, gia đình bị ảnh hưởng là gần 800 triệu đồng.

 Khốn đốn vì 'án oan' HIV: Người bị chồng bỏ, người suýt tự tử

Ông Hoàng Đình Sửu và nỗi đau 13 năm mang “án” HIV (Ảnh: nld.com.vn)

Ông Sửu cho biết, năm 2003, khi ông Sửu đang thụ án tù thì được đưa đi xét nghiệm HIV cho kết quả dương tính nên bị trại giam đưa vào diện quản lý dành cho bệnh nhân bị nhiễm HIV. Đến tháng 8.2013, ông Sửu được đặc xá về nhà vẫn phải chịu sự quản lý theo diện bị nhiễm HIV. Tận đến tháng 9.2014, ông Sửu đi xét nghiệm lại cho kết quả không nhiễm HIV.

Tuy nhiên, tại quyết định này có nêu ý kiến của Sở Y tế Nghệ An chỉ bồi thường cho ông các khoản sau: Tiền xét nghiệm lại HIV 425.000 đồng; tiền thuê xe ôm làm xét nghiệm, tiền thuê xe từ nhà lên Sở Y tế để giải quyết việc 1,8 triệu đồng. Tổng số tiền là 2.225.000 đồng.

Các khoản còn lại gồm tiền thuê luật sư tư vấn pháp luật, viết đơn đánh máy, photo tài liệu, tiền bồi thường thiệt hại tinh thần gần 772 triệu đồng theo đề nghị của ông Sửu thì Sở cho rằng “không có căn cứ xác đáng”.

Chồng bỏ vì bị HIV oan

Sau gần 9 năm “mang án” HIV, chị Đỗ Thị An (39 tuổi ở thôn Tiên Xá 2, xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) bị chồng bỏ, sống với sự hắt hủi, ghẻ lạnh mà cũng không biết mình bị “án oan”. Trước đó, năm 2006, khi bị lao lực, phải điều trị ở Bệnh viện Lao phổi Hưng Yên. Nhưng sau khi ra viện, không hiểu sao cái tên Đỗ Thị An lại có trong danh sách quản lý người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh Hưng Yên, danh sách này được gửi về y tế huyện, y tế xã và ngay lập tức thông tin chị nhiễm HIV lan khắp làng trên xóm dưới. 

Tuy nhiên, chị không nhận được thông báo của chính quyền là mình thuộc diện người nhiễm HIV phải quản lý, nên chị chỉ thấy bỗng dưng bị gia đình, làng xã xa lánh. Sau đó, chị vào Vũng Tàu lập gia đình với một người ở địa phương. Nhưng sau khi sinh con, cùng chồng về quê thăm gia đình thì người chồng nghe được tin chị bị HIV. Người chồng đã đánh đập và xua đuổi chị ra khỏi nhà. Về quê, chị An lầm lũi nuôi con mà không hiểu được tại sao mọi người lại xa lánh, hắt hủi. Chị đi xin việc cũng không nơi nào nhận.

Con gái chị đi học cũng bị bạn bè xa lánh, không được uống nước cùng với các bạn. Chỉ đến khi một người đàn ông trong xóm thương chị, thấy chị vẫn khoẻ mạnh, không có dáng vẻ gì bị HIV nên khuyên chị đi khám sức khoẻ. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy âm tính với HIV. Lúc này, người đàn ông tốt bụng mới nói sự tình cho chị biết.

Suốt hơn 1 năm đấu tranh đòi được “giải oan”, cuối cùng Sở Y tế cũng lên tiếng, đưa thông báo kết luận chị An ra khỏi danh sách người nhiễm HIV, công bố kết quả xét nghiệm âm tính của chị. Sở Y tế cũng xin chị An “thông cảm” và đưa 50 triệu để chị “dưỡng thai”…

Suýt cắn lưỡi vì dương tính với HIV

Tháng 8,2013, sau khi được bệnh viện thông báo kết quả xét nghiệm nghi ngờ HIV, sản phụ Lê Thị O. đã đòi cắn lưỡi chết. Trước đó, chị trở dạ nên tới viện và được xét nghiệm máu. Tuy nhiên, khi có kết quả, thay vì chuyển kết quả xuống khoa chuyên môn, y tá ở phòng xét nghiệm lại đưa kết quả nghi dương tính HIV cho sản phụ và người nhà bệnh nhân. Điều này khiến sản phụ sốc và một mực đòi cắn lưỡi chết.

Thông tin này cũng được thông báo rộng rãi tới khắp nhân viên y tế trong viện khiến sản phụ càng xấu hổ, sợ hãi. Sau đó, bệnh viện đã xét nghiệm lại 2 lần và cho kết quả âm tính. Cho dù cầm kết quả xét nghiệm âm tính trên tay nhưng sản phụ O vẫn đau khổ, đòi chết. Vì rất nhiều người vẫn cho rằng chị bị HIV, xa lánh, kỳ thị chị như tội đồ.

Tuy nhiên, bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá vẫn cho rằng về góc độ chuyên môn bác sĩ kíp trực đã làm đúng quy định, khi có kết quả dương tính với HIV thì phải thông báo cho người nhà và bệnh nhân. Về mặt nguyên tắc khi xét nghiệm test nhanh thì vẫn có phần trăm sai số. Tuy nhiên, y tá đã không có sự thông báo không tế nhị khiến bệnh nhân sốc.

Theo danviet.vn

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook