Theo Bộ Y tế, nhu cầu ghép tạng trên thế giới và trong nước là rất lớn. Tại Việt Nam, từ năm 2006 đã có Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; song đến nay số người chết não hiến tạng còn rất hạn chế. Điều này khiến việc ghép tạng cứu người gặp nhiều khó khăn.
Bước tiến
Năm 1992, Việt Nam có ca ghép thận đầu tiên tại BV Quân y 103, đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng ở Việt Nam đã ngang bằng. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đến nay đã có 140 cơ sở y tế trên cả nước đủ điều kiện ghép tạng. “Thay vì trước đây người dân phải đi Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Mỹ để ghép thận, gan, tim, thì nay Việt Nam làm tốt, chi phí lại rẻ”- ông Khuê cho biết.
GS.TS Phạm Gia Khánh- Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam nhận định ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não.
Từ năm 2010, ngành ghép tạng đã giải quyết được những vấn đề về chết não như chẩn đoán chết não, hồi sức chết não để lấy tạng, chỉ định lấy các tạng ghép của bệnh nhân chết não, các kỹ thuật lấy và bảo quản tạng ghép ở người chết não. Điều này đã giúp thực hiện được việc ghép các tạng mà không thể lấy từ người cho đang sống như tim, tụy, phổi, đa tạng…
Còn theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Giám đốc BV Chợ Rẫy, mới đây, BV cũng đã ghép gan thành công cho 2 trường hợp được hiến từ người cho còn sống. Mặc dù phẫu thuật ghép gan từ người cho còn sống rất phức tạp nhưng phần lớn thành công, an toàn cho cả người cho lẫn người nhận.
Từ năm 2008 đến nay, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận 10 trường hợp hiến tạng từ người cho chết não. Nguồn tạng này đã được sử dụng để ghép, cứu sống hơn 20 trường hợp. Một người chết não nếu hiến tạng có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi và tụy tạng. Tuy nhiên, nguồn tạng vẫn không đáp ứng được nhu cầu bệnh nhân.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, cả nước đã ghép được gần 1.300 trường hợp, trong đó có 1.200 ca ghép thận, 34 ca ghép gan, 14 ca ghép tim và một ca ghép tụy, nhiều hơn gấp 4 lần so với 17 năm trước (từ ca ghép tạng từ người cho sống đầu tiên năm 1992 cho đến năm 2009).
Nhu cầu cao
Theo Bộ Y tế, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Ngoài ra, cũng có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi…
Nhu cầu lớn là vậy nhưng việc tìm được nguồn tạng phù hợp lại vô cùng khó khăn. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết- nguyên Giám đốc BV Việt Đức, chuyên gia ghép tạng hàng đầu Việt Nam thì để lấy được tạng phải trải qua rất nhiều công đoạn với những máy móc đặc biệt, dung dịch đặc biệt.
Hơn nữa, khi tạng lấy ra thì phải có người để ghép ngay. Nhưng điều này cũng rất khó, bởi rất ít người có chỉ số trùng nhau, có khi phải làm xét nghiệm hàng trăm trường hợp mới có một trường hợp trùng chỉ số giữa người cho và nhận tạng.
Đó là chưa kể, để lấy tạng ra khỏi ổ bụng, các bác sĩ phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt và thực hiện trong điều kiện vô trùng tuyệt đối, thời gian bảo quản tạng chỉ được chừng từ 10-15 tiếng. Quá thời gian trên, tạng sẽ hỏng không thể ghép được nữa.
Trở ngại
Dù Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã có 10 năm, song đến nay số người chết não hiến tặng tạng rất ít. BS Dư Thị Ngọc Thu- Trưởng đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy chia sẻ, nhiều người dù có thiện ý hiến tạng nhưng lại không hiểu rõ về cách cho tạng. Chẳng hạn, một bệnh nhân có ý nguyện hiến tạng, nhưng khi bệnh nhân có tình trạng xấu đi, người nhà không đưa lên bệnh viện, chỉ đến khi bệnh nhân qua đời vài tiếng mới gọi điện thoại thông báo nên việc giải quyết rất khó khăn.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn phân tích: Ghép tạng là hoạt động y tế liên quan rất nhiều đến con người, đặc biệt đòi hỏi đội ngũ bác sỹ có trình độ cao, được đào tạo bài bản. Trong khi đó, nguồn nhân lực này đang rất thiếu. “Nếu một tháng có một ca ghép tạng chúng tôi vẫn thực hiện được, nhưng khi số lượng tạng cho nhiều cứ 2 -3 ngày có một ca ghép tạng, lúc đó chúng tôi không đủ người để thực hiện”.
Theo BS Dư Thị Ngọc Thu, hiện BV Chợ Rẫy có hơn 1.500 đơn đăng ký hiến tạng, nhưng đến nay chỉ có 14 người chết não và ngưng tim cho tạng. Ngoài việc phải đảm bảo các chỉ số phù hợp, người cho tạng cần phải vượt qua được rào cản tâm lý. “Quan niệm xưa nay của người Việt Nam là khi chết phải được nguyên vẹn. Vì vậy, khi thuyết phục người nhà bệnh nhân đồng ý cho tạng theo nguyện vọng của người đã chết, nhiều trường hợp chúng tôi gặp phản ứng rất gay gắt”- BS Thu cho biết.
Vì thế, để tri ân những người hiến tạng, chiều 25/8, tại TPHCM, BV Chợ Rẫy đã tổ chức lễ vinh danh những người hiến tạng và chúc mừng ca ghép thận thứ 500 được thực hiện tại BV này.
Nói thế để thấy, nhu cầu ghép tạng thì rất lớn, nhưng người tình nguyện hiến tạng thì ít. Điều đó không chỉ cần sự tuyên truyền để thay đổi nhận thức mà còn cần có chế độ, chính sách phù hợp và thỏa đáng đối với người hiến tạng.
Thùy Linh
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.