Tâm lý bao bọc con quá đà như trong “lồng kính” của cha mẹ đôi khi lại là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh.
Sai lầm của cha mẹ vô tình làm khổ con
Bé Trần Văn B. (3 tuổi) điều trị tại khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 1, nhập viện trong tình trạng sốt cao, lơ mơ, thi thoảng lại ho sù sụ từng cơn. Nguyên nhân là do thời tiết oi bức nên buổi tối mẹ bé mở máy lạnh ở nhiệt độ thấp, nhưng ngủ quên nên không điều chỉnh lại. Khi bé bắt đầu ho, sốt, mẹ bé mua thuốc về cho uống nhưng không đỡ. 2 ngày sau, bé nằm li bì, đến bệnh viện khám thì mẹ bé mới biết con đã bị viêm phổi nặng.
Một bệnh nhân khác là bé M.L, 2 tuổi, ở Long An đang phải cấp cứu, điều trị tích cực do bị viêm mủ màng phổi. Trước khi vào viện, bé bị ho, sốt gia đình tự ý đi mua thuốc cho con nhưng bệnh của bé ngày càng nặng. Lúc này, gia đình mới chuyển đến bệnh viện thì bé đã rơi vào tình trạng biến chứng viêm mủ màng phổi.
Bên cạnh việc chăm con sai lầm, việc dạy trẻ không đúng cách cũng có thể khiến trẻ gặp vấn đề sức khỏe. Con gái chị năm nay 6 tuổi, thời gian giao mùa vừa rồi cháu có bị cúm, dẫn đến tình trạng bị ngạt mũi, khó thở. Thấy vậy, chị bèn dùng khăn giấy rồi bóp nhẹ hai bên cánh mũi của con, rồi dạy con xì thật mạnh, ngày 3-4 lần. Sau 2 ngày làm theo cách này, cháu kêu đau tai và lên cơn sốt. Chị đưa con đi viện, bác sĩ kiểm tra xong thì kết luận là bé bị viêm tai giữa do cách xì mũi quá mạnh của chị. May mà điều trị kịp thời, nếu không bé sẽ có nguy cơ bị điếc.
Đây chỉ là một số trường hợp chăm con sai cách mà các bà mẹ vô tư áp dụng cho con mình làm cho bệnh của trẻ biến chứng nặng.
Nuôi con trong “lồng kính” chưa chắc tốt
Trong khi nhiều mẹ chăm con có phần vụng về thì nhiều mẹ lại quá bao bọc, nuôi con như “trong lồng kính”. Có những bà mẹ bị cảm lạnh cũng không cho con bú vì sợ lây. Thực ra mẹ chỉ cần vắt sữa ra bình hoặc đeo khẩu trang khi cho con bú để tránh lây nhiễm là được.
Nhiều người lại chăm con quá sạch sẽ làm cho trẻ mất đi sức đề kháng. Từ đó, trẻ chỉ cần tiếp xúc với một chút bụi bẩn hay vi trùng thì cũng có thể mắc bệnh. Thực tế, trẻ nhỏ chỉ cần một môi trường nhà ở sạch sẽ, thông thoáng, mọi thứ không nhất thiết phải khử trùng tuyệt đối. Quan trọng là cần rửa tay cho bé sạch sẽ sau khi bé chơi xong.
Cố ép con ăn nhiều để mau tăng cân cũng là một kiểu chăm sóc sai lầm. Khi trẻ không muốn ăn thì không nên ép vì như thế không những không giúp ích cho con mà còn phản tác dụng. Nhiều trẻ không nhai mà nuốt chửng cơm. Tốt nhất, nên dùng một số mẹo như để con ăn cùng trẻ khác để kích thích trẻ “tranh” ăn, từ đó bé sẽ ăn được nhiều hơn.
Chăm sóc con sai cách không chỉ về thể chất mà cả về mặt tinh thần cũng làm trẻ dễ mắc bệnh. Hệ miễn dịch của bé có thể bị suy giảm khi bé bị căng thẳng, lo âu, mất mát và những cảm xúc tiêu cực khác. Trẻ hạnh phúc, vui vẻ, tâm trạng thoải mái thì hệ miễn dịch sẽ được duy trì tốt. Nếu trong gia đình, cha mẹ, người thân thường xuyên cãi cọ, xung đột thì trẻ cũng sẽ có cảm giác căng thẳng, lo lắng, dễ bị mắc bệnh hơn.
Trên thực tế, trong quá trình phát triển, các bé không thể tránh khỏi những lần mắc bệnh, vì vậy các mẹ không nên lơ là nhưng cũng đừng lo lắng thái quá. Khi trẻ ốm cần chăm sóc cho bé thật chu đáo và theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc cho bé sử dụng mà phải đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo đơn của bác sĩ.
Kim Anh
Chưa có bình luận.