Tại Bệnh viện Guy ở London, nước Anh, các nhà khoa học nước này đang cho thử nghiệm một loại vắc-xin mới trên người, với hy vọng sẽ giúp phá hủy các tế bào ung thư.
Loại vắc-xin chống ung thư đang thử nghiệm này, bao gồm các mảnh nhỏ của một enzyme được tìm thấy trong các tế bào ung thư. Với tên gọi “enzym phiên bản đảo ngược telomerase của người” (hTERT), nó điều chỉnh lại độ dài của các mũ bảo vệ trên các nhiễm sắc thể (telomere), giúp các tế bào phân chia liên tục.
Hy vọng mới chữa bệnh ung thư |
Theo các chuyên gia, loại vắc-xin mới này được kết hợp với các liều hóa trị thấp nhằm tiêu diệt một số tế bào ung thư và “giải phóng” cho hệ miễn dịch. Các nhà nghiên cứu đứng sau cuộc thử nghiệm tin rằng, vắc-xin có thể chứng minh hiệu quả đối với mọi dạng khối u rắn. Họ đang kiểm nghiệm tính an toàn và hiệu quả của chúng ở những bệnh nhân ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn cuối.
Các chuyên gia giải thích: Tương tự như cách vắc-xin bảo vệ chúng ta trước các bệnh nhiễm trùng, thuốc mới kích thích hệ miễn dịch của chính cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào ung thư. Tuy nhiên, một số dạng khối u có khả năng lẩn tránh những hàng phòng thủ tự nhiên này của cơ thể. Khi điều đó xảy ra thì ung thư đã phát triển sang giai đoạn sau, hệ miễn dịch thường bị vô hiệu hóa.
Nhiều yếu tố được cho là dẫn đến hậu quả này, từ khả năng phá hủy các tế bào miễn dịch của tế bào ung thư cho tới sự suy giảm sản sinh tế bào bạch cầu khi ung thư lan tới tủy xương.
Đối với các vắc-xin thông thường, chúng phát huy tác dụng bằng cách tiêm vào bệnh nhân một lượng nhỏ kháng nguyên, các chất có khả năng tạo ra một phản ứng, kích thích cơ thể sản sinh các kháng thể chuyên đánh dấu và phá hủy thực thể đó.
Khả năng tạo ra những kháng thể này được lưu giữ suốt một khoảng thời gian, đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch sau đó có thể chống lại các trường hợp lây nhiễm cùng bệnh trong tương lai.
Được biết, hiện có hai người tình nguyện đầu tiên đã được tiêm thuốc thử nghiệm tại Bệnh viện Guy ở London, Anh. Dự kiến, có tổng cộng khoảng 30 bệnh nhân dự kiến sẽ tham gia nghiên cứu trong vòng 2 năm tới. Nếu thành công, biệt dược này sẽ mang lại hy vọng sống cho hàng triệu bệnh nhân ung thư trên khắp thế giới.
DT (Tổng hợp)
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.