Thứ Ba, 15/03/2016 | 11:30

Nghiên cứu của Tạp chí Giáo dục Gia đình (Israel) khẳng định: người biết làm việc nhà có thu nhập cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp cũng ít hơn. Đó là một trong những lý do vì sao con bạn cần phải làm việc nhà ngay từ nhỏ.

Với xu hướng chỉ sinh từ 1-2 con, trẻ em Việt Nam ngày càng được nâng niu, chăm sóc. Đặc biệt, trong các gia đình tam đại đồng đường, trẻ còn được coi là trung tâm của vũ trụ. Ông bà, phần vì đã về hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, phần vì chiều cháu nên thường không để trẻ động chân, động tay vào việc nhà.

Không chỉ vậy, nhiều người còn cho rằng, trẻ con lóng ngóng, động đâu hỏng đó, làm việc gì cũng lâu nên tốt nhất là mình tự làm cho nhanh. Cũng chính bởi những lý do này mà ở Việt Nam tỷ lệ trẻ không biết làm việc nhà ngày càng cao.

Hãy sai vặt bé

Ảnh minh họa

Theo một nghiên cứu của Tạp chí Giáo dục Gia đình tại Israel thì: thu nhập bình quân của người không biết làm việc nhà thấp hơn 20% so với người thạo việc gia đình; và tỷ lệ thất nghiệp của người không biết làm việc nhà cao hơn 15 lần người biết làm việc nhà. Điều này có nghĩa là dạy con làm việc nhà cũng là một trong những cách chuẩn bị hành trang cho trẻ bước vào đời một cách vững vàng hơn.

Bên cạnh đó, theo cô Lý Quỳnh Châu, giáo viên trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội), những trẻ thường xuyên được giao làm việc nhà sẽ trở nên khéo léo, đầu óc và tay chân linh hoạt. Hơn nữa, khi hoàn thành được một việc nào đó và được khen ngợi, trẻ sẽ thấy rất tự hào về bản thân, từ đó hình thành tính tự tin ở trẻ. Đặc biệt, với những gia đình hiện đại, thời gian cha mẹ làm bạn với con không có nhiều, quá trình cùng con làm việc nhà sẽ bồi đắp thêm tình cảm gia đình, cũng như giúp cha mẹ nhìn nhận được con mình có những tiềm năng gì để phát huy và thiếu hụt những gì để bồi đắp thêm.

Giao việc cho bé càng sớm, càng tốt

Thực tế cho thấy, óc quan sát của trẻ được hình thành từ rất sớm. Ngay từ khi hai tuổi, trẻ đã có xu hướng bắt chước người lớn làm việc này, việc kia. Dù hành động của bé ở thời điểm đó còn lóng ngóng, vụng về, thậm chí có thể gây thêm nhiều phiền phức, nhưng đây chính là cơ hội tuyệt vời để dạy con học hỏi. Thế nên, hãy mạnh dạn giao cho con những công việc đơn giản như: dọn dẹp đồ chơi, tự lấy bô đi vệ sinh, tự rửa tay, bỏ rác vào thùng… Tất nhiên, ở thời điểm khởi động như thế này, bé vẫn cần sự giám sát của cha mẹ.

Đến tuổi thứ ba, bé đã có thể làm được những việc “nặng” hơn như: lau bàn, cất quần áo, lấy cái nọ, cái kia… Và khi lên 4 tuổi, nhiều bé đã biết gấp quần áo, gập chăn màn, dọn bát đĩa… Lớn hơn chút nữa, bé sẽ biết nhặt rau, dọn dẹp phòng ngủ, quét nhà… Thực tế cho thấy, có bé mới chỉ 6-7 tuổi nhưng đã tự biết tự tắm rửa, phơi quần áo hay tự chuẩn bị bữa ăn cho mình.

Theo các chuyên gia, độ chỉn chu của mỗi công việc sẽ phụ thuộc vào quá trình bạn rèn luyện cho bé. Thời điểm đầu, cha mẹ có thể dễ dàng chấp nhận những thành phẩm còn “nham nhở”, chưa đẹp mắt, song đừng tự hài lòng với kết quả đó, mà cần đưa ra những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe để bé dần hoàn thiện mình. Dù con còn nhỏ, nhưng bạn cũng cần tuyệt đối tránh suy nghĩ: bé làm được bao nhiêu thì làm, còn lại bạn sẽ xử lý hết. Hãy dạy bé làm đến đâu gọn đến đó vì điều này sẽ hình thành nên thói quen và tính cách sau này của con trẻ.

Trẻ con ở thời điểm này nhanh thích nhưng cũng nhanh chán, thế nên, để bé giữ được sự hào hứng, bạn nên cùng làm việc nhà với bé. Và khi đó, đừng quên trò chuyện, hỏi han bởi nó không chỉ giúp bạn hiểu bé hơn mà còn cho bé thấy rằng khi mọi người trong gia đình cùng nhau làm việc, đó sẽ là một niềm vui lớn. Trong trường hợp bé làm chưa tốt công việc được giao, bạn không nên quát mắng vì sẽ làm bé sợ, lần sau không muốn làm nữa. Cách tốt nhất là kiên trì chỉ bảo, giải thích những chỗ bé làm chưa tốt và hướng dẫn bé làm lại.

Mẹo trị bé “lười”

Bên cạnh những bé tỏ ra thích thú với việc nhà thì cũng không ít bé chỉ thích ngồi xem tivi, chơi điện tử hay mân mê điện thoại, máy tính… Đừng vội trách con là lười, là không biết giúp đỡ người lớn, bởi đây chính là kết quả của việc bạn nuông chiều con trước đó.

Với những bé như thế này, kiên nhẫn là yếu tố đầu tiên mà bạn cần phải có, bởi vì, vốn đã được nuông chiều, bé sẽ không dễ dàng nghe theo lời sai bảo của bạn ở ngay lần đầu tiên. Lúc đấy, cần nhẹ nhàng phân tích vì sao con cần giúp đỡ bố mẹ. Cùng với đó, hãy đưa ra cho bé một vài tấm gương của những bạn thường xuyên làm việc nhà. Trẻ con thường không thích thua bạn, kém bè nên đây sẽ là một động lực lớn để bé có thể hoàn thành công việc được giao.

Để có thể duy trì thói quen làm việc nhà cho trẻ, bạn cần tạo ra niềm vui cho chúng. Hãy phong cho bé các danh hiệu thật độc đáo như: hiệp sĩ quét nhà, anh hùng gập quần áo… . Nhờ vậy, bé cảm thấy mỗi lần làm việc là một chuyến phưu lưu.

Khi bé đã hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, dù chưa thực sự tốt, bạn cũng cần ghi nhận. Thậm chí, bạn có thể khẳng định tầm quan trọng của bé bằng những câu như: “Nếu không có con quét nhà thì nhà cửa sẽ rất bẩn”, “Nhờ có con giúp nhặt rau mà hôm nay mẹ đã nấu cơm nhanh hơn”… Ngoài ra, khen ngợi bé trước mặt nhiều người cũng là một cách mà nhiều người áp dụng để động viên, khuyến khích con làm việc nhà nhiều hơn nữa.

Tất nhiên, khi giao việc cho bé, cha mẹ cần cân đo nặng, nhẹ, nhiều ít, nhưng tuyệt đối không được phân biệt nam, nữ vì điều đó vô tình sẽ để lại nhiều hệ lụy như: trẻ tỵ nạnh nhau, hình thành tư duy về bất bình đẳng giới… Cuối cùng, để bé có thể toàn tâm, toàn ý làm việc nhà, các thành viên trong gia đình cần thống nhất với nhau, tránh tình trạng, ông nói nọ, bà chỉ đạo kia.

Hòa An

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook