Vừa qua, Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội đã mổ thành công ca thay thủy tinh thể nhân tạo cho cụ bà 104 tuổi. Cụ bà là Đàm Thị Kiều, sinh năm 1914, nhà ở ngõ 180 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội. Thạc sĩ, bác sĩ Mai Xuân Hà, Trưởng khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết bà Kiều là trường hợp cao tuổi nhất được phẫu thuật thay thủy tinh thể tại đây.
Bà Đàm Thị Kiều sau khi mổ thay đục thủy tinh thể nhân tạo.Bác sĩ Hà chia sẻ: “cách đây 10 năm cụ bà đã mổ đục thủy tinh thể mắt bên phải, đến nay thị lực 2 mắt rất kém, chỉ phân biệt được sáng tối. Sau quá trình kiểm tra bác sĩ thấy mắt bên trái của bệnh nhân gần như không còn nhìn thấy gì do bị đục thủy tinh thể hoàn toàn, đáy mắt không soi được. Do bà Kiều tuổi đã cao, sức khỏe yếu, nhân mắt quá cứng, giác mạc bị thoái hóa nhiều lại có tiền sử tăng huyết áp lâu năm nên ê kíp hội chẩn tiên lượng ca mổ sẽ rất khó khăn, phức tạp. Dù vậy, các bác sĩ vẫn hạ quyết tâm phẫu thuật với hy vọng mang lại ánh sáng giúp bệnh nhân có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Bác sĩ Xuân Hà chia sẻ: “Bệnh nhân tuy lớn tuổi nhưng còn minh mẫn và hợp tác tốt với bác sĩ nên ca mổ diễn ra an toàn, thành công tốt đẹp. Hiện sức khỏe bà cụ đã phục hồi tốt, sau khi tháo băng, kiểm tra thị lực mắt trái là 1/10. Tiên lượng thị lực của bệnh nhân sẽ tăng nhanh trong vài ngày tới sau khi hết hiện tượng phù giác mạc hậu phẫu và phục hồi sức khỏe. Hiện bà Kiều đang được các y bác sĩ chăm sóc và thăm khám hàng ngày để theo dõi tình hình phục hồi của mắt”.
Đục thủy tinh thể hay còn gọi là cườm khô, cườm đá: là mờ đục thủy tinh thể trong mắt, gây ra những rối loạn thị giác.
Đục thủy tinh thể bắt đầu từ những triệu chứng như nhìn mờ, cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng, ban đêm thấy đèn pha quá sáng, chói mắt khi nhìn đèn hoặc ánh sáng mặt trời mạnh, hoặc thấy quầng sáng quanh đèn. Màu mắt nhạt hơn, ban đêm thị giác kém hơn. Nhìn một hình thành hai hoặc nhiều hình. Độ kính đang đeo thay đổi thường xuyên.
Nguyên nhân thường gặp nhất là do lão hóa. Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể đeo kính hỗ trợ, với nguồn chiếu sáng tốt để làm giảm những rối loạn thị giác do đục thủy tinh thể. Nhưng nếu đục thủy tinh thể nhiều, các biện pháp trên không còn tác dụng, bệnh nhân cần được phẫu thuật để cải thiện thị lực. Hiện nay, với trang thiêt bị hiện đại, phẫu thuật đục thủy tinh thể rất an toàn và hiệu quả.
Theo NTD
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.