Củ tam thất mọc hoang ở rừng núi, cứng nặng đen, thịt xanh xám, chỗ cắt mịn thì tốt, còn thịt trắng vàng là kém, thứ tam thất gây trồng thì bé hơn, thứ da nhẵn, ít đắng thì kém phẩm chất.
Theo Đông y, tam thất vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, vào hai kinh can và vị, có tác dụng hành ứ, cầm máu, tiêu thũng, dùng trị thổ huyết máu cam, ung thũng, bị chấn thương có máu bầm, suy nhược cơ thể, ứ huyết, sưng bầm, đau nhức. Đặc biệt, tam thất dùng rất tốt cho người già và phụ nữ khi sức khoẻ có phần suy giảm.
Theo sách Y trung tham tây lục: tam thất vị đắng, hơi ngọt, tính bình, hóa ứ huyết chỉ huyết, cầm thổ huyết, bệnh khỏi không sinh ứ huyết ở kinh lạc, kiêm trị nhị tiện hạ huyết, lị ra máu đỏ tươi lâu không khỏi… Trường hợp té ngã tổn thương ảnh hưởng nội tạng, kinh lạc ngoài đắp trong uống rất tốt. Nhọt mới bị sưng đau đắp ngoài là khỏi. Trường hợp sang độc trong xương có thể dùng tam thất làm độc thoát ra.
Còn theo kinh nghiệm dân gian thường hầm cách thủy tam thất với gà ác ăn vào có tác dụng bổ ích khí huyết, bồi bổ cơ thể. Đối với nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, viêm dạ dày, u nang tuyến giáp… tam thất đều có giá trị hỗ trợ điều trị ở một mức độ nhất định. Khi dùng, không phải kiêng khem gì đặc biệt. Hay, trà tam thất và bột tam thất là thức uống bổ dưỡng thường nhật của nhiều gia đình. Người ta còn coi tam thất bổ không kém gì sâm và gọi nó là sâm tam thất hoặc nhân sâm tam thất.
Tam thất trị bệnh
– Trị té ngã chảy máu trong và ngoài da, có ứ huyết đau, cho uống bột tam thất 4g với nước cơm hoặc cho uống với 30-40ml rượu trắng, ngoài xoa bột tam thất 2g, phối hợp với Long cốt nung, Ngũ bội tử mỗi thứ 15-20g.
– Trị thổ huyết ho ra máu dùng bài An huyết ẩm: bột tam thất 4g, Bạch cập 16g, nước củ sen 1 chén con 5-10ml, Bạch mao căn 30g, Mẫu lệ 20g, Đại hoàng chế 8g sắc uống.
– Trị cơn đau thắt ngực: dùng bột nhân sâm và tam thất mỗi thứ 2g, hòa nước uống.
Bình Nguyên
Chưa có bình luận.