Thứ Tư, 30/03/2016 | 11:25

Nhiều người bảo bạn như “trên mây” nhưng bạn thì luôn thấy mình hoàn toàn bình thường. Mọi người có vấn đề hay bạn đang mắc bệnh hoang tưởng?

Không hài lòng với những phê bình của đồng nghiệp, nghi ngờ chồng khiến chị Nguyễn Thu Minh (Lê Chân, Hải Phòng) luôn thấy khó chịu. Ở cơ quan, thấy sếp và đồng nghiệp luôn bác bỏ các ý kiến của mình, chị âm thầm nhủ “họ đang dìm mình, muốn mình về hưu sớm”. Ở nhà, chị cũng sinh nghi tất cả những cử chỉ hành động của chồng, hễ anh về muộn là chị tra hỏi khắt khe, chào cô hàng xóm chị cũng cho là có tình ý.

Chồng chị và đồng nghiệp đều nói chị đã thay đổi. Chính sếp cũng đã trực tiếp phê bình chị đang có vấn đề tư duy. Chị dò hỏi bạn bè cũ, họ bảo rằng “Tính cách chị vẫn thế”. Mệt mỏi, chị mới tìm đến Trung tâm tư vấn làm trắc nghiệm. Chuyên gia khẳng định chị đang mắc chứng hoang tưởng. Chị “vặc” lại rằng: bác sĩ nói sai, chị không hề hoang tưởng.

Hội chứng "trên mây"

Ảnh minh họa

Đi tìm nguyên nhân

Hoang tưởng không phải là bệnh mà là hội chứng về thần kinh gây rối loạn nội dung tư duy. Dưới cách nghĩ của người hoang tưởng, những ý tưởng, phán đoán sai lầm, không phù hợp thực tế, những chuyện không có thật thì họ lại cho là đúng. Không có ai hại họ nhưng họ lại luôn cảm giác bị hại. Họ không giỏi nhưng lại luôn cho mình là xuất chúng.

Vấn đề khó khăn hơn là người mắc chứng hoang tưởng không bao giờ nhận mình có bệnh. Trong khi đó rất khó giải thích cho họ thấy sự sai lệch bằng những lý lẽ, bằng chứng thuyết phục. Bởi ngoài những mối liên hệ khiến họ hoang tưởng thì mọi tiếp xúc khác đều bình thường.

Như chị Minh, chị mắc hoang tưởng trong quan hệ với chồng và công việc. Còn trong quan hệ với bạn cũ, với con và cha mẹ, chị vẫn là người bình thường. Đó chính là vấn đề làm đau đầu các bác sĩ khi khuyên bệnh nhân điều trị. Nếu để bệnh diễn tiến sẽ làm khủng hoảng các mối quan hệ, mất năng lực làm việc, cãi lộn, nghi ngờ xung quanh…

Nhận biết hoang tưởng

Hội chứng này được hình thành phức tạp đi kèm với những rối loạn tâm thần khác như: tâm thần phân liệt, loạn thần cấp, trầm cảm, hưng cảm… Nguồn gốc hoang tưởng thường xuất phát từ định kiến, ám ảnh, ảo giác mà họ nhận thức ngày càng lệch lạc so với thực tế. Hoang hưởng có nhiều dạng:

– Hoang tưởng bị hại, nghĩa là lúc nào cũng ám ảnh có người hại mình. Bất cứ những góp ý nào với họ đều bị hiểu nhầm thành “phê bình, chỉ trích.

Hoang tưởng ghen tuông là dạng luôn nghi ngờ vợ hoặc chồng mình. Chồng (vợ) mình chào hàng xóm, họ cũng có thể nghĩ rằng đó là sự tình tứ…

Hoang tưởng được yêu, luôn nghĩ rằng mình được nâng niu, được trân trọng, được yêu tha thiết.

Hoang tưởng tự cao là luôn cho mình là xuất chúng, là nhất, là đúng.

Những dạng hội chứng trên cũng là những dấu hiệu cơ bản nhận biết một người hoang tưởng. Mỗi người có thể mắc một hay nhiều hội chứng trên cùng một lúc. Chính vì thế trong lĩnh vực trực tiếp thì họ có vấn đề còn ở các mặt khác họ lại là người bình thường.

Điều trị cách nào?

Hoang tưởng có thể tự mất đi một cách tự phát, hoặc tan rã trong sự sa sút trí tuệ. Nhưng phần lớn bệnh tiến triển và cần điều trị tâm lý kết hợp uống thuốc tâm thần.

Chứng hoang tưởng thường diễn tiến nặng sau 5 năm khởi phát. Người bệnh không trực tiếp nhận ra bệnh của mình. Do đó, người thân khi phát hiện họ có những lệch lạc hệ thống trong suy nghĩ, những biểu hiện tinh thần bất thường cần đưa khám tâm thần chẩn đoán sớm.

Đức Thành

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook