Tamnhin.net: Dư luận Trung Quốc cho rằng ngày càng tiến tới Hội nghị toàn thể trung ương 6 Khóa 18 vào tháng 10/2016 thì cuộc chiến chống tham nhũng càng quyết liệt nhằm phục vụ cho công tác sắp xếp nhân sự Đại Hội 19 năm tới.
Hoàng Hưng QuốcTối 10/9/2016, Ban kiểm tra kỉ luật trung ương thông báo Hoàng Hưng Quốc, quyền Bí thư thành ủy Thiên Tân đã bị bắt giam để tiến hành điều tra về tội tham nhũng. Như vậy sau 620 ngày kể từ ngày 30/11/2014 được bổ nhiệm làm Quyền Bí thư thành ủy Thiên Tân, nay Hoàng Hưng Quốc đã bị bắt về tội tham nhũng.
Trong lịch sử từ cải cách mở cửa năm 1979 tới nay, có 4 Bí thư thành phố trực thuộc trung ương bị bắt về tội tham nhũng. Một là, Trần Hy Đồng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Bắc Kinh, tháng 9/1995 bị Tòa án thành phố Bắc Kinh kết án 16 năm tù giam. Hai là, Trần Lương Vũ, Ủy viên Bộ chính trị Khóa 16, Bí thư thành ủy Thượng Hải, ngày 11/4/2008 bị Tòa án thành phố Thiên Tân kết án 18 năm tù giam. Ba là, Bạc Hy Lai, Ủy viên Bộ chính trị Khóa 17, Bí thư thành ủy Trùng Khánh ngày 22/8/2013 bị kết án tù chung thân. Bốn là, Hoàng Hưng Quốc, Ủy viên trung ương Đảng Khóa 18, Quyền Bí thư thành ủy Thiên Tân, hiện bị bắt để lập án. Kể từ ĐH 18 tới nay, Hoàng Hưng Quốc là ủy viên trung ương thứ 10 bị bắt giam, là Bí thư tỉnh ủy đương chức thứ 2 bị bắt, trước đó là Chu Bản Thuận, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc.
Theo báo chí Trung Quốc, Hoàng Hưng Quốc phạm vào 3 tội lớn như sau: Một là, vi phạm kỉ luật Đảng, tham ô hối lộ, cấu kết với gian thương, dung túng vợ con, người thân làm ăn phi pháp. Hai là, có liên quan tới Sự kiện nổ kho hóa chất ngày 12/8/2016 làm 170 người thiệt mạng và mất tích, 788 người bị thương, thiệt hại kinh tế tới 7 tỉ Nhân dân tệ. Ba là, cấu kết với các quan chức trong chính quyền thành phố để tiến hành tham nhũng, như Giám đốc Sở công an Võ Trường Thuận (bị bắt ngày 20/ 7/2014), Phó thị trưởng Doãn Hải Lâm (bị bắt ngày 22/8/2016). Tính tới nay, thành phố Thiên Tân có trên 30 quan chức bị bắt về tội tham nhũng.
Hoàng Hưng Quốc, dân tộc Hán, sinh tháng 10/1954 tại Huyện Tượng Sơn tỉnh Chiết Giang. Gia nhập ĐCS Trung Quốc năm 1973, tốt nghiệp Khoa quản lý kinh tế Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, và có bằng Tiến sĩ kinh tế. Ông trưởng thành từ Hệ thống Đoàn thanh niên, từng giữ chức vụ Thường vụ tỉnh ủy tỉnh Chiết Giang, Bí thư thành ủy thành phố Ninh Ba. Năm 2003 chuyển về làm Phó Bí thư thành ủy Thiên Tân, Phó Thị trưởng, năm 2008 là Thị trưởng. Ngày 30/11/2014 là Quyền Bí thư thành ủy. Ông là Ủy viên trung ương dự khuyết Khóa 16, 17, là Ủy viên trung ương Khóa 18.
Ngày 13/9/2016, Lý Hồng Trung, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hồ Bắc được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy Thiên Tân. Lý Hồng Trung sinh năm 1956, người Sơn Đông. Ông gia nhập ĐCS Trung Quốc năm 1976 và từng công tác lâu năm ở tỉnh Quảng Đông, như năm 2005 làm Bí thư Đặc khu Thâm Quyến. Năm 2007 ông được điều lên làm Phó bí thư, Phó Tỉnh trưởng Hồ Bắc, năm 2008 làm Tỉnh trưởng và năm 2010 làm Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc. Lý Hồng Trung thời gian qua có nhiều thành tích, nhất là trong công tác chống lũ lụt năm 2015.
Báo chí Trung Quốc thời gian qua đưa tin, lãnh đạo Trung Quốc tiến hành cải cách Đoàn thanh niên cộng sản (8/2016), tiếp đó tiến hành cải cách Hội liên hiệp phụ nữ, có tin bà Thẩm Diệu Diệu, Chủ tịch Hội, Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc và bà Mã Bá Ủy viên thường vụ Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Hội đồng tư pháp nội vụ cũng bị tiến hành điều tra về tội tham nhũng.
Ngày 17/6/2016 tờ “Tân Đường Nhân” của Trung Quốc cho biết hai Thượng tướng là Lý Kế Nại, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Thượng tướng Liêu Tích Long, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần đã bị bắt về tội tham nhũng. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã xử lý tới 106 tướng bao gồm đã nghỉ hưu, đương chức, hiện dịch và đã chuyển ngành về tội tham nhũng, trong đó có 5 Thượng tướng (Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Điền Tu Tư, Lý Kế Nại, Liêu Tích Long), 6 Trung tướng, còn lại là cấp Thiếu tướng, chưa kể số sĩ quan cấp Đại tá trở xuống.
Dư luận báo chí Trung Quốc và nước ngoài cho biết, thời gian qua, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn tiến hành ráo riết sang “Pha thứ hai” với mục tiêu và đối tượng là một số quan chức đang đương nhiệm và giữ cương vị chỉ huy trong quân đội. Như tỉnh Hà Bắc có 4 quan chức lãnh đạo chủ chốt trong đó có Ủy viên trung ương Đảng Khóa 18, Bí thư tỉnh ủy Chu Bản Thuận bị bắt. Tỉnh Liêu Ninh có 5 quan chức chủ chốt bị xử lý trong đó có Ủy viên trung ương Đảng Khóa 18, nguyên Bí thư tỉnhh ủy Vương Mãng, Chủ tịch Chính Hiệp Hạ Đức Nhân bị bắt. Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có 18 quan chức lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương bị bắt.
Dư luận báo chí Hồng Công cho rằng “Pha thứ hai chống tham nhũng” về cơ bản sẽ gạt bỏ những trở ngại lớn, dọn đường cho ông Tập Cận Bình sắp xếp lại nhân sự trong Hội nghị toàn thề trung ương 6 Khóa 18 triệu tập vào tháng 10/2016 và tiếp đó là Đại Hội 19 ĐCS Trung Quốc vào năm 2017./.
Kiều Tỉnh
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.