Thứ Tư, 28/10/2015 | 11:30

Một số người vẫn có thói quen tự ý đắp lá chữa nhọt theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, điều này cực kì nguy hiểm.

Nguy hiểm khi chữa bệnh kiểu truyền miệng
Bệnh viện Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân nhi Vàng Quáng V (18 tháng tuổi, Hà Giang) bị hoại tử da, nhiễm trùng máu do người mẹtự ý đắp lá chữa nhọt.
Theo gia đình bệnh nhân nhi khi thấy con bị sốt kèm theo mọc nhọt ở vùng mông trái, nghe mọi người mách nước, lấy kim thêu chọc vào mụn nhọt cho vỡ ra, rồi lấy cây dọc mùng cùng 1 số loại lá khác giã ra đắp cho con, không ngờ mụn nhọt không đỡ mà ngày càng sưng to hơn, trẻ sốt cao, li bì.
Khi thấy con có biểu hiện bất thường sau khi đắp lá, gia đình vội đưa con đến bệnh viện tỉnh. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán áp-xe mông trái, sốc nhiễm khuẩn. Sau 3 ngày điều trị, cháu V được chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại đây, các bác sĩ Bệnh viện nhi Trung ương chẩn đoán trẻ bị nhiễm khuẩn huyết, theo dõi sốc nhiễm trùng. Sau khi làm các xét nghiệm, trẻ được chống sốc, dùng thuốc kháng sinh, truyền dịch, truyền máu và rạch dẫn lưu mủ ở vùng mông do áp-xe tại khoa Điều trị tích cực. Sau 3 ngày điều trị, da vùng mông và đùi trái của bệnh nhân vẫn tiếp tục hoại tử da, các bác sĩ đã chỉ định mổ cắt lọc tổ chức hoại tử này.
Theo Ths. Bs Hoàng Hải Đức, phó trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi mổ lần đầu ngày 28/9, tổ chức mép vết thương của bệnh nhi vẫn tiếp tục hoại tử, các bác sĩ phải cắt lần 2 (ngày 12/10), điều trị kháng sinh và thay băng hàng ngày.
Bác sĩ Đức cho biết đây là một trường hợp khá phức tạp, do bệnh nhân được gia đình dùng đắp một số loại lá không rõ nguồn gốc gây ra tình trạng viêm nhiễm lan rộng, dẫn đến nhiễm trùng máu, gây hoại tử da trên diện rộng và các tổ chức phần mềm. Tuy đã phẫu thuật 2 lần nhưng hiện vết mổ của bệnh nhân vẫn còn thiếu da, các bác sĩ tiếp tục chăm sóc, điều trị kháng sinh, chống nhiễm trùng, đợi khi thích hợp sẽ tiếp tục tiến hành ghép da cho bệnh nhi.

Hoại tử da, nhiễm trùng máu do tự ý đắp lá chữa nhọt

Bệnh nhân nhi V đã được phẫu thuật cắt lọc các tổ chức hoại tử (ảnh nguồn bệnh viện)

Biến chứng do đắp lá thậm chí gây tử vong
BS Đức cho biết, hiện một số gia đình vẫn có thói quen tự chữa bệnh cho con theo kinh nghiệm dân gian hoặc “bài thuốc gia truyền” của các các lang vườn. Mỗi tháng khoa Chỉnh hình Nhi tiếp nhận 1-2 trường hợp nhập viện do gia đình tự ý đắp lá, đắp cao khi trẻ bị thương, gây ra viêm tấy lan rộng, tạo thành ổ áp-xe. Trong số này không ít trường hợp bệnh nhân đến khi vết thương đã để lâu gây ra nhiễm trùng huyết, bị hoại tử, phải cắt bỏ chi do biến chứng nặng.

Khi trẻ đang bị trầy xước, nếu dùng loại lá để tắm càng làm cho ngứa, mẩn đỏ tăng lên. Đó còn chưa kể đến, nhiều loại lá cây lại mọc ở bờ bụi, nếu không rửa kỹ, vi khuẩn gây bệnh vẫn còn nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn da rất cao, BS Đức cho biết.

Cũng theo BS Đức, đây là việc làm khá nguy hiểm bởi nhiều các thầy lang vườn không được đào tạo cơ bản về chuyên khoa y tế, khó có thể nhận biết mức độ thương tổn của vết thương cũng như tình trạng bệnh lý của người bệnh để điều trị, khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm, nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí…tử vong.
Làm gì khi trẻ bị mụn
Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc lá, các loại cây cho trẻ trong điều trị mụn nhọt, vừa tốn kém mà không hiệu quả lại còn nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt các mụn nhọt khi đang sưng tấy cần được điều trị bằng những kháng sinh phù hợp và chỉ khi hàng rào bảo vệ đã hình thành rõ và đã hình thành ổ mủ mới nên chích nặn. Không nên tự ý nặn mụn nhọt hoặc dùng các loại cao dán, các loại lá cây không rõ nguồn gốc vì dễ gây viêm loét rộng ra, gây nhiễm trùng máu.Vì thế khi trẻ có bất thường mụn nhọt, cần đưa con đến các cơ sở y tế đáng tin cậy để được cấp cứu và xử lý kịp thời.
Khi trẻ bị mụn các mẹ nên lau người trẻ bằng nước ấm, cho trẻ ở nơi sạch sẽ, thoáng mát. Mặc quần áo chất liệu cotton, rộng rãi, tạo cảm giác dễ chịu. Cắt móng tay sát cho bé và cho mẹ (hoặc người chăm sóc bé).
Ngoài ra nên bổ sung cho trẻ chế độ dinh dưỡng hợp lý khi bị bệnh với các thức ăn dễ tiêu hóa, có khả năng nâng cao sức đề kháng cho trẻ để việc chữa trị mụn nhọt cho trẻ em đạt hiệu quả cao và phòng ngừa các biến chứng nguy hại đến sức khỏe, đồng thời cho trẻ uống nhiều nước lọc.

Nguồn: Afamily

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook