Thứ Ba, 03/09/2019 | 09:40

Vai trò của gân và dây chằng trong hệ vận động:

Hệ vận động người được coi là tiến hóa nhất trong sinh giới nói chung và giới Động vật nói riêng.Do đó vận động là rất quan trọng đối với cơ thể con người. Nhờ hệ vận động mà cơ thể con người có hình dạng nhất định, có thể lao động, biểu lộ được những cảm xúc và đặc biệt là có được một sức khỏe tốt.

Hệ vận động ở con người thường được nhắc đến với hai thành phần chính bao gồm Cơ và Xương. Đối với người trưởng thành, hệ xương bao gồm 206 chiếc dài ngăn khác nhau hợp lại tạo thành bộ xương nâng đỡ cơ thể và che chở cho các nội quan bên trong. Hệ cơ bao gồm khoảng 600 cơ có vai trò chính trong việc vận động, hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thần kinh.Dây chằng là các cơ bao quanh các khớp xương, có nhiệm vụ cố định và bảo vệ đầu khớp, kết nối các xương với nhau.

Để liên kết cơ và xương thành một hệ vận động thống nhất, tất cả các bó cơ được liên kết với xương thông qua gân và các xương được nối với nhau thông qua các dây chằng.

Gân và dây chằng giúp truyền lực từ cơ vào xương và từ xương vào xương để dễ dàng thực hiện các hình thức vận động của cơ thể. Do đó gân và dây chằng là cầu nối quan trọng, không thể thiếu trong hệ vận động hoàn thiện của con người.

Gân và dây chằng là một tập hợp các sợi mô liên kết có tính co giãn đăc trưng, chúng hoạt động như lò so và có tính đàn hồi dẻo dai giúp kiểm soát được các lực khi vận động, bằng cách co hoặc giãn, gân giống như một sợi lưu trữ năng lượng giúp bảo tồn và hồi phục được năng lượng trong quá trình vận động với hiệu quả cao.

Ngoài ra chính sự kết nối của cơ – gân – xương hay xương – dây chằng – xương như một cầu nối  giúp cho cơ thể giảm thiểu được các chấn thương dưới tác động trực tiếp của lực quá lớn lên cơ thể, giúp phân tán các lực, bảo vệ và ổn định các khớp cũng như hệ vận động.

Cấu trúc và hoạt động của gân, dây chằng

Gân, dây chằng là một mô mềm, cấu tạo từ các sợi collagen tạo thành các bó sợi, mỗi bó được bao trong một lớp mô (mô ngăn bó gân) và tất cả các bó đó được bao trong bao gân để tạo thành gân thực sự.Vỏ hoạt dịch chỉ có mặt ở một số gân nhất định như gân xương chày sau, gân cơ gấp ở cổ tay.

Về mặt cấu trúc:

Gân có 3 thành phần chính là các bó sợi collagen, elastatin; chất nền và tế bào.

Sợi collagen chiếm tỷ lệ 86% trọng lượng khô của gân, bao gồm chủ yếu là các sợi collagen typ I (95-99%) và collagen typ II (1-5%).  Còn các sợi elastatin chỉ chiếm tỷ lệ 2% nhưng  giúp gân có tính co giãn, linh động.

Chất nền bao gồm glucosaminglycan (chủ yếu là chondroitin sulfat), proteoglycan và glucoprotein mang điện tích âm nên kết hợp với collagen mang điện tích dương tạo nên 1 cấu trúc bền vững, giúp liên kết các sợi collagen thành bó lớn và có vai trò phục hồi lại vị trí ban đầu của sợi collagen do ái lực (e+) – (e-) từ đó quyết định tới hình dạng và cấu trúc collagen, do vậy là chức năng cơ học của gân.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thành phần tế bào sắp xếp dọc theo các sợi collagen gồm tế bào gân chưa trưởng thành và tế bào gân trưởng thành (90-95%), có chức năng sinh tổng hợp collagen và các chất nền ngoài tế bào.

Ngoài ra còn có các tế bào sụn, tế bào hoạt dịch và biểu mô.

Theo các chuyên gia y tế, có hàng trăm dây chằng trong cơ thể chúng ta phân bố ở các vùng khớp vai, cổ, lưng, đầu gối, cột sống, khớp háng….,chúng khác nhau về hình thù và kích thước nhưng đều dễ bị ảnh hưởng khi gặp các tác động mạnh, có thể dẫn tới tình trạng kéo giãn hoặc đứt dây chằng, đặc biệt là dây chằng bên ngoài khớp gối.

Mức độ phục hồi cho các tổn thương gân và dây chằng

Gân, dây chằng là một bộ phận rất nhạy cảm với tổn thương.Trên thực tế gân và dây chằng là nơi chịu đựng tình trạng quá tải và sự va chạm thường xuyên nhất trong vận động hàng ngày, đặc biệt trong các động tác lặp đi lặp lại, hoạt động thể thao, vận động sai tư thế hay sự thoái hóa gân do tuổi tác dễ dẫn tới viêm gân, viêm bao gân, tổn thương cấu trúc gân, thậm chí rách gân, đứt gân.

Và một điều đáng lo ngại là khả năng phục hồi của gân và dây chằng sau tổn thương lại rất chậm, khó phục hồi hơn rất nhiều so với các cơ quan khác vì gân và dây chằng có rất ít mạch máu nuôi dưỡng nên quá trình trao đổi chất và tái tạo mất rất nhiều thời gian. Đối với những tổn thương nghiêm trọng rất dễ tái phát trở lại do quá tình vận động khi gân chưa hồi phục hoàn toàn do vậy người bệnh cầncó sự kiên nhẫn.

Tế bào da (75% là collagen) chỉ mất 28 ngày để thay mới hoàn toàn (ở độ tuổi 20-30 tuổi). Trong khi đó, theo sinh lý thông thường, thời gian đổi mới của collagen trong gân là từ 50-100 ngày do hoạt động chuyển hóa hạn chế và số lượng mạch máu nuôi dưỡng gân rất ít.Gân được tạo nên từ rất nhiều sợi collagen, khi có tổn thương, quá trình phục hồi và tái tạo gân trở nên phức tạp, kéo dài ít nhất là 6 tháng tới 1 năm thậm chí lâu hơn.

Biện pháp cần thiết và rất quan trọng là phòng ngừa các bệnh lý về gân, giúp tăng tuổi thọ và sức bền của gân cơ. Đầu tiên là chúng ta cần có chế độ sinh hoạt cũng như tập luyện thể dục thể thao hợp lý và đúng cách. Cần có các trang thiết bị phù hợp hỗ trợ trong các hoạt động thể lực khác nhau. Song song là việc bổ sung dinh dưỡng và các thực phẩm tốt cho gân và dây chằng nhằm tăng sức bền và độ dẻo dai của gân, dây chằng trước tác động bất lợi.

Một số phương pháp bảo vệ dây chằng

+ Tập các bài tập nhẹ nhàng thường xuyên để giữ các cơ khỏe mạnh ổn định.

Ví dụ: đứng lên ngồi xuống, duỗi thẳng và xoay tròn các khớp, nâng chân nâng tay, căng bắp chân bắp tay, các động tác chuyên biệt trong yoga…giúp tăng cường sức mạnh khớp và cơ, giảm đau nhức mỏi.

+ Khởi động căng giãn các cơ trước khi bắt đầu tập các bài tập nặng hơn, tránh thay đổi hoạt động đột ngột mà nên từ từ chuyển sang động tác mới.

+ Tránh các tư thế gây hại cho dây chằng ở khớp gối

Ví dụ như: ngồi xổm, ngồi gác chéo chân; quỳ, gánh cử tạ ở mức thấp, khuân vác vật nặng…đều khiến khớp gối chịu lực và dễ bị ảnh hưởng về lâu dài.

+ Khi đi lại, tập thể thao nên chọn giày ôm vừa chân, độ thấp vừa phải để tạo sự thăng bằng tốt. mang giày đúng loại thiết kế cho từng môn thể thao để không làm đau bắp chân, đau gối, đôi khi dẫn đến trẹo chân.

+ Giữ ấm đầu gối vì phần này thiếu sự bảo vệ của cơ, thịt và mỡ nên ít được cung cấp nhiệt năng, không nên để đầu gối bị lạnh hoặc ẩm vào mùa đông.

PGS.TS.Nguyễn Vĩnh Ngọc (Khoa Khớp – Bệnh viện Bạch Mai)

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

+ Đứt dây chằng chéo trước khớp gối: Chẩn đoán và điều trị

+ Trường hợp nào phải mổ tạo hình đứt dây chằng chéo trước?

+ Phục hồi chức năng tổn thương dây chằng bên khớp gối theo BYT

+ Các bệnh về dây chằng chéo và phương pháp phòng bệnh

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook