Thứ Hai, 30/07/2018 | 00:30

Nguồn gốc, màu sắc bình thường, bất thường và lượng nước ối đạt đỉnh trong thai kỳ

Toàn bộ nước ối nằm trong túi ối và có thành phần như: Hormone, các tế bào của hệ miễn dịch, chất dinh dưỡng, nước tiểu của em bé. Nước ối là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối đối với sự sống còn và phát triển của thai nhi nằm trong bụng mẹ. Lúc nhiều nhất, lượng nước ối trong bụng thai phụ sẽ xấp xỉ khoảng 1 lít.

Nước ối xuất hiện từ ngày thứ 12 sau thụ thai. Nước ối được tạo thành từ ba nguồn gốc: thai  nhi, màng ối và máu mẹ.

+ Nguồn gốc từ thai nhi:

Trong giai đoạn sớm thai kỳ, da thai nhi có liên quan đến sự tạo thành nước ối và khi chất gây xuất hiện từ tuần thứ 20-28 thai kỳ thì đường tạo ối này mới chấm dứt. Từ tuần thứ 20, nước ối có nguồn gốc từ khí-phế -quản, do huyết tương của thai nhi thẩm thấu qua niêm mạc hô hấp của bé. Nhưng nguồn gốc nước ối quan trọng nhất là do đường tiết niệu, bé bài tiết nước tiểu vào buồng ối từ tuần 16 thai kỳ.

+ Nguồn gốc từ màng ối:

Màng ối bao phủ bánh nhau dây rốn, cũng tiết ra nước ối

+ Nguồn gốc từ máu mẹ:

Có sự trao đổi qua màng ối của các chất giữa máu mẹ và nước ối

+ Sự tái hấp thu nước ối:

Được thực hiện chủ yếu qua hệ tiêu hóa thai nhi. Từ tuần thứ 20 thai kỳ, thai nhi bắt đầu nuốt nước ối. Ngòai ra, nước ối còn được tái hấp thu qua da của thai nhi, dây rốn và màng ối.

Nước ối còn có chức năng bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm, sang chấn, đặc biệt là bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối.

Về mặt cơ học, nước ối tạo môi trường cho thai phát triển hài hòa và bình chỉnh về ngôi thai trong ống sinh dục của mẹ trong những tháng cuối thai kỳ. Trong lúc chuyển dạ sanh, nước ối tiếp tục bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn của cơn co tử cung và nhiễm khuẩn. Nước ối giúp thành lập đầu ối nong cổ tử cung của mẹ giúp cho sự xóa mở cổ tử cung được thuận lợi hơn.

Sau khi vỡ ối, tính nhờn của nước ối bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi dễ được sinh ra hơn.

Như vậy, ngay từ đầu thai kỳ, nước ối đã có chức năng nuôi dưỡng phôi thai. Sau khi lá nhau được thành lập, nước ối giữ phần biến dưỡng nước và các chất khác bảo đảm cho sự sống còn và phát triển của thai. Thai từ 34 tuần trở lên hấp thu từ 300-500ml nước ối mỗi ngày. Lượng nước ối này vào ruột góp phần tạo phân su, vào máu góp phần cân bằng dịch trong cơ thể thai nhi và được lọc một phần tạo thành nước tiểu cho bé.

Lượng nước ối để hỗ trợ và bảo vệ em bé sẽ tăng lên theo tuổi thai, và thường đạt đỉnh vào tuần thứ 36.

+ 60ml vào tuần thai thứ 12

+ 175ml vào tuần thai thứ 16

+ 400 đến 1.000ml từ tuần thai thứ 34 đến 38.

Thông qua việc siêu âm, bác sỹ có thể sẽ đo được lượng nước ối của bạn. Có 2 chỉ số để đánh giá lượng nước ối là chỉ số ối AFI hoặc MPV. Bác sỹ sẽ coi lượng nước ối của bạn là ít nếu chỉ số AFI dưới 5cm hoặc chỉ số MPV dưới 2cm

Thông thường, khoảng một phần ba lượng nước ối sẽ được thay thế mỗi giờ. Điều này có nghĩa là em bé sẽ không bao giờ bị “khô”, cho dù bạn có bị rỉ ối đi nữa.

Về màu sắc:

Nước ối bình thường lúc đầu thai kỳ có màu trắng trong. Thai nhi càng lớn dần thì màu sắc nuớc ối sẽ trắng đục dần do có chứa nhiều chất gây. Thai đủ trưởng thành (từ tuần lễ thứ 38), nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống như nước vo gạo.

Nếu nước ối có màu khác sẽ là bất thường.

– Nước ối có màu xanh rêu chứng tỏ mẹ bầu đã từng bị suy thai. Trường hợp này sẽ được theo dõi sát sao vì có khả năng tái phát cao.

– Nước ối có màu vàng xanh: Là một dấu hiệu cho thấy thai nhi chậm phát triển hoặc mẹ bầu bị tán huyết khi mang thai (là một dạng của bệnh thiếu máu do lượng hồng cầu thấp hơn mức bình thường).

– Nước ối có màu hồng hoặc nâu: Đây là một trong những biểu hiện đầu tiên của quá trình chuyển dạ. Mẹ nên nhanh chóng tới bệnh viện sinh vì ối có thể bị vỡ bất cứ lúc nào.

Bài liên quan: Rỉ ối: nguyên nhân, điều trị, cách phòng tránh và phân biệt với són tiểu

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook