Thứ Tư, 25/11/2015 | 10:01

Trí Phong, một người chuyển giới từ nữ sang nam dự tính sẽ đến bệnh viện làm một số thủ thuật chuyển giới như cắt buồng trứng, tử cung…

Trí Phong tên thật là Nguyễn Thị Trúc Phương, sinh năm 1991, giáo viên, sống tại quận Gò Vấp, TP HCM. Sinh ra với diện mạo là nữ, song từ khi lên 5 tuổi, cô gái nhận ra bản dạng giới của mình là nam nên thích để tóc ngắn, ép ngực và ăn mặc giống con trai. Năm 18 tuổi Phong quyết định công khai là người chuyển giới từ nữ sang nam.

Khát khao thay đổi mọi thứ từ trong ra ngoài để trở thành một chàng trai thực s nên một năm rưỡi trước Phong bắt đầu tiêm hormone nam, nhờ đó giọng nói thay đổi theo hướng trầm ồ hơn, cơ bắp nhiều, dáng vẻ nam tính hơn. Hôm 24/11 khi quyền chuyển giới được Quốc hội thông qua, Phong bày tỏ niềm vui và dự tính sắp tới sẽ đến bệnh viện làm một số thủ thuật chuyển giới như cắt buồng trứng, tử cung và tiếp tục điều trị hormone để trở nên giống một chàng trai thực sự.

Hàng trăm nghìn người đang chờ được phẫu thuật chuyển giới

An Vi, một người chuyển giới từ nam sang nữ cho biết điều mong muốn lớn nhất là được xã hội công nhận giới tính nữ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

An Vi (tên thật là Trần Anh Vũ), một người chuyển giới từ nam sang nữ, cho biết từ khi học lớp một cô đã nhận ra mình có bản dạng giới trái ngược với giới tính sinh học. Để được sống với giới tính mong muốn, Vi luôn thể hiện mình là một người con gái từ cách đi đứng, ăn nói, trang phục. Năm 21 tuổi, cô tự bỏ tiền độn ngực, sửa mũi, uống thuốc và tiêm hormone để trở nên nữ tính hơn. Mang thân con gái kiếp con trai khiến Vi gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống, bị mọi người dị nghị, xa lánh, đặc biệt các giấy tờ tùy thân khác hẳn với diện mạo nên gây khó khăn khi giao dịch ngân hàng và các thủ tục khác. 

An Vi cho biết, mong mỏi lớn nhất của mình là được thay đổi thông tin về giới tính và tên trên giấy tờ tùy thân cho khớp với diện mạo hiện có. Cô chia sẻ muốn tiếp tục thực hiện một số phẫu thuật chuyển giới sang nữ một cách trọn vẹn, tuy nhiên vì điều kiện kinh tế nên đành tạm gác lại ý định. “Tâm hồn em thực sự là một phụ nữ. Tất cả những gì em làm đều vì mong muốn được mọi người công nhận mình là phụ nữ, một phụ nữ xinh đẹp”, An Vi tâm sự.

Ông Huỳnh Minh Thảo, Quản lý truyền thông của Trung tâm ICS (tổ chức hoạt động vì quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới), cho rằng việc phẫu thuật chuyển giới và được công nhận về mặt giấy tờ là nhu cầu chính đáng có thật của cộng đồng người chuyển giới. Ông giải thích: Người chuyển giới là người có giới tính mong muốn không trùng với giới tính khi sinh ra, không phụ thuộc tình trạng cơ thể đã phẫu thuật hay chưa. Trong đó người chuyển giới nữ sinh ra là nam nhưng nghĩ rằng mình là nữ. Người chuyển giới nam sinh ra là nữ và nhưng nghĩ rằng mình là nam.

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy người chuyển giới chiếm khoảng 0,5% dân số mỗi quốc gia. Trung tâm ICS ước tính Việt Nam có khoảng 450.000 người chuyển giới, trong đó hàng trăm nghìn người có nhu cầu phẫu thuật chuyển đổi. Khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế & Môi trường iSEE năm 2014 ghi nhận 78,1% người chuyển giới muốn phẫu thuật chuyển giới, 11,1% đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận trên cơ thể như ngực, cơ quan sinh dục hoặc cả hai. Số còn lại không muốn phẫu thuật chuyển giới vì những trở ngại như pháp luật chưa cho phép, điều kiện kinh tế chưa đủ, sợ bị ảnh hưởng sức khỏe, sợ bị kỳ thị, gia đình không cho phép…

Trước đây pháp luật Việt Nam chưa cho phép chuyển giới nên đa phần những trường hợp phẫu thuật liên quan tới bộ phận sinh dục đều thực hiện ở nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, chỉ một số ca đơn giản như cấy hoặc cắt bỏ ngực thực hiện ở Việt Nam. Trung bình mỗi năm có 183 người Việt sang Thái phẫu thuật chuyển giới toàn bộ, 1.095 người chuyển một phần. Một số người chuyển giới từ nam sang nữ chia sẻ rằng họ chọn Thái Lan để phẫu thuật vì đây là quốc gia đi đầu về lĩnh vực này, khoảng cách địa lý gần và chi phí lại rẻ. Với người chuyển giới từ nữ sang nam, mỗi năm có khoảng 100 người thực hiện phẫu thuật cắt ngực tại các phòng khám ở Việt Nam và Thái Lan, chưa kể những trường hợp chỉ điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone, tập thể hình hoặc kết hợp cả 2.

Hôm 24/11 Bộ luật dân sự sửa đổi được Quốc hội thông qua trong đó thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, ông Thảo cho rằng đây là một bước ngoặt lịch sử của người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung. Theo ông, khi luật được thông qua, các cơ quan liên quan như y tế, pháp luật, giáo dục sẽ cởi mở hơn trong việc tiếp cận các thông tin về người chuyển giới. Nhờ đó, các dịch vụ dành cho họ không còn bị giới hạn như trước.

“Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam quyền tự do thân thể, sống thật với bản dạng giới của con người được pháp luật thừa nhận và ủng hộ. Điều này rất cần thiết cho những phấn đấu kế tiếp của cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng. Nhiều người chuyển giới đã bật khóc khi biết thông tin này bởi đây là mong mỏi họ ấp ủ có khi gần cả đời người“, ông nói.

Trần Ngoan

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook