Một trong những điều mà bệnh nhân tăng huyết áp phải dùng thuốc điều trị lo ngại là gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, trong đó có hạ huyết áp thế đứng.
Một trong những điều mà bệnh nhân tăng huyết áp phải dùng thuốc điều trị lo ngại là gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, trong đó có hạ huyết áp thế đứng. Đặc biệt hạ huyết áp thế đứng do thuốc hạ huyết áp dễ xảy ra với người cao tuổi, gây nên những bệnh cảnh nặng nề.
Hạ huyết áp thế đứng và yếu tố nguy cơ
Hạ huyết áp tư thế đứng – còn được gọi là hạ huyết áp tư thế – là một hình thức của huyết áp thấp xảy ra khi đứng lên từ tư thế đang ngồi hoặc nằm. Tình trạng lâm sàng của hạ huyết áp thế đứng với huyết áp tâm thu giảm ít nhất 20mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương giảm ít nhất 10mmHg khi đứng trong vòng 3 phút. Tình trạng này có thể có hoặc không có triệu chứng đi kèm. Hạ huyết áp tư thế đứng có thể xảy ra cho bất cứ ai nhưng phổ biến hơn ở người cao tuổi. Các triệu chứng như hoa mắt, nhìn mờ, chóng mặt, lú lẫn, vã mồ hôi, rất mệt, đánh trống ngực… xảy ra vài giây đến vài phút khi đứng và biến mất khi nằm.
Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để sử dụng thuốc kịp thời.
Nguyên nhân gây ra hạ huyết áp thế đứng do nhiều yếu tố như: bệnh lý tim mạch, mất nước, rối loạn hệ thống thần kinh, do dùng thuốc… Tình trạng hạ huyết áp thế đứng xảy ra cũng có nguyên nhân là một tác dụng không mong muốn của thuốc hạ huyết áp, đã được ghi nhận ở bệnh nhân tăng huyết áp cao tuổi. Hạ huyết áp thế đứng dễ gây té ngã với nhiều hệ lụy về giảm chức năng vận động và tâm lý, nên việc phòng ngừa hạ huyết áp thế đứng cần phải được chú trọng.
Hạ huyết áp tư thế đứng thường là nhẹ, kéo dài vài giây đến vài phút sau khi đứng. Tuy nhiên, hạ huyết áp tư thế đứng lâu dài có thể là một dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể bị mất ý thức, ngay cả trong giây lát.
Các biến chứng do hạ huyết áp thế đứng
Trong khi các hình thức hạ huyết áp tư thế đứng nhẹ có thể chỉ là một mối phiền toái, nhưng khi hạ huyết áp nặng hơn có thể gây ra các biến chứng bao gồm:
Té ngã
Ngã là kết quả của ngất xỉu, thậm chí bất động toàn thân là một biến chứng thường gặp ở những người bị hạ huyết áp tư thế đứng. Ngã ở người cao tuổi rất đáng ngại, do hệ thống xương đã giòn, vì vậy té ngã có khi lại là nguyên nhân của các bệnh lý gãy xương, chấn thương…
Đột quỵ
Thay đổi huyết áp khi đứng và ngồi như là một kết quả của việc hạ huyết áp tư thế đứng có thể là một yếu tố nguy cơ đột quỵ.
Tổn thương não
Việc lặp đi lặp lại tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng có thể làm hỏng các bộ phận của não, làm tăng nguy cơ một số dạng bệnh mất trí nhớ và các rối loạn não khác.
Tại sao hạ huyết áp thế đứng thường gặp ở người cao tuổi?
Hạ huyết áp thế đứng thường xảy ra ở người cao tuổi vì:
Quá trình lưu thông máu ở người già kém linh hoạt hơn ở người trẻ, các mạch máu đã bớt đi sự đàn hồi, kèm với các xơ vữa, lão hóa khiến cho mạch máu bị xơ cứng, các tĩnh mạch thường bị giãn nên làm tăng khối lượng máu ở tĩnh mạch, làm cho máu tĩnh mạch về tim bị giảm, nguy cơ giảm lưu lượng máu não, gây hạ huyết áp thế đứng.
Độ nhạy và hoạt tính của bộ phận nhận cảm bị giảm sút, do vậy cơ thể chậm thích nghi với sự thay đổi huyết áp đột ngột.
Giảm thể tích huyết tương, giảm vận động cơ ở chi dưới, rối loạn thư giãn thất… là những nguyên nhân khiến người già dễ bị hạ huyết áp thế đứng.
Người cao tuổi thường bị mắc nhiều bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, trầm cảm, parkinson nên khi dùng một số thuốc có tác dụng phụ làm hạ huyết áp, gây hiện tượng hạ huyết áp thế đứng.
Những thuốc điều trị tăng huyết áp có tác dụng phụ gây hạ huyết áp thế đứng
Các nhóm thuốc chẹn alpha gồm: prazosin, alfuzosin, terazosin, phentolamin, rilmenidine… Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: captopril. Thuốc lợi niệu: indapamid, hydroclorothiazid (hiếm gặp), triamterene. Thuốc tác động hệ thần kinh trung ương: methyldopa, clonidin. Thuốc chẹn beta giao cảm: propanolol, metoprolol, atenolol, acebutolol… Thuốc chẹn kênh calci: nifedipin. Thuốc ức chế thụ thể angiotensin ARB: irbesartan.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng ngừa hạ huyết áp thể đứng, người bệnh nên có chế độ ăn uống hợp lý, nên vận động cơ thể tùy theo điều kiện và sức khỏe của từng người, không nên ngồi một chỗ. Tập thể dục cơ bắp chân trước khi ngồi hoặc đứng lên. Khi ra khỏi giường, nên ngồi ở mép giường một phút trước khi đứng. Khi bị hạ huyết áp thế đứng, người bệnh nên đi khám bệnh ngay và báo cho bác sĩ các loại thuốc đang dùng để được điều trị, tư vấn và thay đổi các loại thuốc đang dùng làm hạ huyết áp đột ngột. Không tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều sẽ không kiểm soát được huyết áp, rất nguy hiểm.
BS. Lê Thảo Anh
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Chưa có bình luận.