Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng: Trên thế giới hiện nay người ta cấp chứng chỉ hành nghề theo niên hạn. Tức chỉ cấp một số năm, sau đó người ta phải sát hạch để cấp lại chứng chỉ này. Thường người ta cấp trong thời hạn 5 năm và theo tôi ở ta cũng chỉ nên làm như vậy.
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Dược (sửa đổi), trong đó “nóng” vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề dược. Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày, hiện có hai luồng ý kiến đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm/lần để phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn.
Trước vấn đề chứng chỉ, giấy phép hành nghề y, dược nên có kỳ hạn hay cấp một lần có giá trị suốt đời, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ quan điểm với PV Báo Đại Đoàn Kết.
PV: Thưa GS, có nhất thiết phải làm cuộc sát hạch để xem xét cấp Giấy phép hành nghề y, dược hay không đối với những người đã từng được học qua các trường đào tạo nghề này?
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng: Người bác sĩ phải được đào tạo và thanh lọc qua những bước hết sức kỹ càng rồi mới được hành nghề theo một giấy phép do một cơ quan có thẩm quyền nhất định nào đó cấp. Việc cấp giấy phép hành nghề còn để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Vậy kiến thức được trang bị cho họ trong khi được đào tạo tại các trường chưa đủ để cho họ hành nghề sao?
– Đó mới chỉ là những kiến thức cơ bản và chưa được bổ sung nhiều phần thực hành cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp trong khi nghề y phải là nghề thực hành và người bác sĩ cũng như các dược sĩ làm việc trong bệnh viện trực tiếp thăm khám, kê đơn chữa bệnh. Trong y học có khái niệm “đào tạo y khoa liên tục”.
Theo GS, chúng ta nên cấp giấy chứng nhận hành nghề y, dược này như thế nào?
– Sau khi hoàn thành khoá học, các sinh viên được nhận một tấm bằng tốt nghiệp. Muốn hành nghề phải qua một kỳ thi nữa để có được giấy phép hành nghề. Đương nhiên việc này phải do một cơ quan nhà nước cấp, nhưng trong việc này, nhiều nước trên thế giới rất coi trọng vai trò của các hội nghề nghiệp. Ở đó, ai muốn hành nghề nói chung, y, dược nói riêng phải tham gia vào các hội nghề nghiệp ấy. Trong quá trình cấp giấy phép hành nghề, người ta quy định nhất thiết phải có sự tham gia xét duyệt của các hội này. Ở nước ta, cho đến nay, điều này chưa được coi trọng.
Vậy nên gia hạn cho giấy phép này như thế nào, thưa ông?
– Trên thế giới hiện nay người ta cấp chứng chỉ hành nghề theo niên hạn. Tức chỉ cấp một số năm, sau đó người ta phải sát hạch để cấp lại chứng chỉ này. Thường người ta cấp trong thời hạn 5 năm và theo tôi ở ta cũng chỉ nên làm như vậy. Nếu cấp giấy phép cho họ một lần với thời hạn vĩnh viễn, tôi e giấy phép sẽ không đảm bảo giá trị vì trong thời gian hành nghề của họ, tuổi tác, sức khỏe có thể bị giảm sút cũng như kinh nghiệm, kiến thức bị mai một, lạc hậu mà không được bổ sung…
Việc sát hạch được sẽ tổ chức như thế nào?
– Tại các nước trên thế giới, việc này do các hội nghề nghiệp đảm nhiệm và nhà nước căn cứ vào kết quả đó cấp giấy phép hành nghề cho họ. Nhà nước cũng uỷ nhiệm luôn cho các hội này giám sát người hành nghề. Song song với cấp giấy phép nói trên phải có giám sát hành nghề. Đây phải được coi là công tác thường xuyên.
Xin cảm ơn GS!
Trần Ngọc Kha (thực hiện)
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.