Nhiều trẻ sơ sinh có hiện tượng giảm trọng lượng cơ thể so với cân nặng lúc sinh. Điều này khiến nhiều cha mẹ lo lắng.
Cân nặng của trẻ giảm so với lúc chào đời hay còn được gọi là hiện tượng giảm cân sinh lý. Đây là một hiện tượng thường gặp ở trẻ sau sinh, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về vấn đề này.
Giảm cân sinh lý thế nào là bình thường?
Theo Live Strong, trẻ sơ sinh khỏe mạnh, cân nặng đầy đủ có thể sẽ giảm cân trong 5-7 ngày đầu tiên của cuộc đời. Giảm 5% trọng lượng là bình thường đối với trẻ uống sữa công thức, 7-10% đối với trẻ bú sữa mẹ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cân nặng của bé đôi khi không đúng với thực tế, thường là cao hơn, do chất lỏng được truyền qua nhau thai khi mẹ chuyển dạ. Phần cân nặng bị mất có thể là lượng chất lỏng dư thừa này bị loại bỏ sau khi trẻ sinh ra. Do vậy, nhiều gợi ý đưa ra nên cân em bé sơ sinh sau 24 giờ chào đời chứ không phải ngay lúc sinh để có cân nặng chính xác.
Trẻ sơ sinh có thể bị sụt cân trong 5-7 ngày sau sinh. Ảnh: Motherforlife.
Ngoài ra, thời gian đầu bé có thể chỉ bú được ít sữa non của mẹ hoặc phải bú bình khi sữa mẹ chưa về, cân nặng sẽ giảm.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Archives of Diseases in Children (Mỹ), khoảng 95% trẻ bú bình sẽ lấy lại trọng lượng sau 14,5 ngày; 95% trẻ bú sữa mẹ tăng cân lại sau 18,7 ngày.
Giảm cân thế nào là không bình thường?
Nếu trẻ giảm cân mạnh trong 3 ngày đầu hơn 10% cân nặng lúc mới sinh và giảm liên tục trong các ngày tiếp theo mà không có dấu hiệu tăng cân trở lại sau 20 ngày, cha mẹ nên lưu ý. Ngoài ra, bé bị giảm cân kèm theo sốt, ăn kém, mệt mỏi, môi khô, da nhợt nhạt cũng cần đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Điều này có thể phản ánh lượng chất lỏng trong cơ thể bé không đủ, dẫn đến tình trạng mất nước. Việc mất nước tăng nguy cơ phát triển bệnh vàng da sơ sinh, tình trạng mà trong đó bilirubin, chất được sản sinh bởi sự phân hủy hồng cầu, không được loại bỏ ra khỏi cơ thể.
Phương Mai
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.