Thứ Bảy, 12/09/2015 | 08:01

(Tin y học). – Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Nam, trong đó có 18 ca tử vong… 

Đây là những thông tin mới nhất về diễn biến của dịch bệnh SXH được Bộ Y tế cho biết tại buổi họp báo tổ chức ngày 11-9 tại Hà Nội. PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lo ngại, hiện nay dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp, với số người mắc tăng nhanh. Số trường hợp mắc và tử vong do SXH tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Long An, Bà Rịa -Vũng Tàu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, đại diện Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương không nên chủ quan với tình hình dịch bệnh mà phải chủ động và quyết liệt hơn trong phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế đang tham mưu với Chính phủ để sớm có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường phòng chống bệnh SXH, nhất là chỉ đạo tổ chức diệt bọ gậy/ loăng quăng và muỗi truyền bệnh. Về phía Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào 10 tỉnh thành trọng điểm.

Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa bệnh SXH. Bao gồm: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá… Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

Đặc biệt lưu ý khi có biểu hiện của SXH (sốt, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết nội tạng…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, nhằm tránh biến chứng nguy hiểm.

 SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh lưu hành trên 100 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới như: Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi với khoảng 3,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc SXH, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do SXH khoảng 2,5-5%. Đặc biệt đến nay, SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

KHÁNH NGUYỄN

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook