Thứ Bảy, 12/09/2015 | 02:17

(Tin tức) – So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc và tử vong giảm nhưng điều đáng lo lắng là một số tỉnh, thành có số mắc tăng cao.

Muỗi là tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi là tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 11.963 trường hợp mắc tại 42 tỉnh, thành phố; trong đó có 8 trường hợp tử vong, gồm TP HCM có 3 trường hợp, các địa phương khác là Bình Dương, Cà Mau, Bình Phước, Phú Yên và tỉnh Đồng Nai mỗi nơi 1 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2013 (23.503/14), số mắc giảm 49,1%, tử vong giảm 6 trường hợp.

Trong đó khu vực miền Bắc giảm 19,0%, miền Trung giảm 81,3 %, miền Nam giảm 26,5%, Tây Nguyên giảm 86,1%. Có 21 tỉnh từ đầu năm đến nay không ghi nhận trường hợp mắc. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là một số tỉnh, thành có số mắc tăng cao so với cùng kỳ 2013. Chẳng hạn Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 11,3%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng 22,1% và Bình Dương tăng 15,6%.

So với trung bình giai đoạn 2006-2010 số mắc sốt xuất huyết năm 2014 giảm 72,8 %, tử vong giảm 46%. Bệnh sốt xuất huyết được đưa vào là một trong những bệnh thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Bệnh này lưu hành hàng năm, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam, miền Trung, trung bình mối năm ghi nhận khoảng 100.000 trường hợp mắc và có khoảng 100 trường hợp tử vong. Bệnh cũng lưu hành ở mức cao tại các nước khu vực Đông Nam Á.

Thời điểm bắt đầu từ mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) ghi nhận số mắc gia tăng theo thống kê hàng năm. Điều đáng ngại là bệnh chưa có thuốc và vắc xin điều trị đặc hiệu. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người mà được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm virus không triệu chứng rồi từ đó lại đốt sang người khác và truyền bệnh. Bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2-7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo Bộ Y tế, tập quán trữ nước tại nhiều địa phương cùng với đô thị hóa gia tăng nhanh chóng nguy cơ xảy dịch là rất lớn. Việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như diệt bọ gậy/lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc, tử vong là rất cần thiết. Bộ khuyến cáo mọi người dân, mỗi hộ gia đình hưởng ứng mỗi tuần hãy dành 10 phút để phòng, chống sốt xuất huyết, 10 phút để thực hiện các động tác:

– Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín các lu, khạp, bể chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

– Thường xuyên thay nước ở các bình bông/lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh…

– Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để muỗi không có chỗ đẻ trứng.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook