Thứ Ba, 08/09/2015 | 16:26

Một trong những sự kiện nổi bật của ngành y tế được bình chọn năm 2014 là “đường dây nóng”. Bộ Y tế chủ trương “đường dây nóng” như là một kênh thông tin kịp thời tiếp nhận ý kiến phản ánh, phản hồi của người bệnh, nhằm giúp chấn chỉnh những yếu kém của hệ thống cơ sở khám chữa bệnh. Qua gần 2 năm triển khai, “đường dây nóng” lúc đầu được đánh giá cao hiện lại đang… nguội dần!

Dây nóng… không ai trực!

Sau một tuần ấm ức vì nhiều lần gọi điện thoại vào đường dây nóng của một bệnh viện (BV) ở TPHCM mà không ai nhấc máy, anh T.M.T. (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) bức xúc phản ánh đến báo giới. “Con tôi dưới 6 tuổi, quy định được miễn hoàn toàn viện phí, chi phí điều trị nhưng khi ra viện vẫn bị thanh toán gần 5 triệu đồng là sao?”, anh T. đặt vấn đề. Sự việc là hồi tháng 8-2015 vừa qua, anh T. đưa con đến điều trị tại một BV nhi đồng của TPHCM, khi nhập viện được hỏi về thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng anh T. bảo quên ở nhà. Cô y tá nhắc nhở là bổ sung sau cũng được. Lu bu chăm sóc con, vợ chồng anh T. cũng quên bổ sung thẻ BHYT và có phần chủ quan sẽ xuất trình khi ra viện. Ai dè khi làm thủ tục ra viện thì không được tiếp nhận BHYT vì lý do nộp muộn! Bức xúc hơn là nhiều lần anh T. gọi điện lên đường dây nóng nhằm phản ánh đến ban giám đốc nhưng chưa một lần được nhấc máy…

Cần nâng cao thái độ phục vụ, lắng nghe ý kiến người bệnh.

Trong buổi giám sát công tác khám chữa bệnh của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM mới đây, ngay khi bước chân vào cổng một BV nhi đồng của TPHCM, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Tô Thị Bích Châu đã gọi ngay vào đường dây nóng của BV. Thế nhưng sau một hồi đổ chuông vẫn không có ai nhấc máy! “Cần xem lại đường dây nóng chứ không nó nguội mất, cần có người túc trực để nhận ý kiến, phản ánh của người bệnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ”, bà Tô Thị Bích Châu đã có ý kiến nhắc nhở ngay trong buổi làm việc với ban giám đốc BV.

Theo phản ánh của không ít người bệnh, trong thời gian qua nhiều đường dây nóng BV không hoạt động, hoặc có hoạt động thì không có người trả lời. Thậm chí như mới đây, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã phải xử lý phê bình hàng loạt giám đốc BV vì không ai trực đường dây nóng. Cụ thể là khi cán bộ văn phòng Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa điện thoại vào “đường dây nóng” của 37 BV thì có 31 BV có người nhận điện thoại, còn 6/37 BV không có người nhận điện thoại hoặc thuê bao không liên lạc được.

Đánh trống bỏ dùi

Theo Bộ Y tế, trong năm 2014 đã có gần 100.000 cuộc gọi đến đường dây nóng của các cơ quan y tế, cơ sở chăm sóc khám chữa bệnh sau khi chủ trương về “đường dây nóng” được phát động. Ngay cả Bộ Y tế cũng thiết lập và tổ chức đồng bộ hệ thống tổng đài tự động đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân, nhằm giúp lãnh đạo các BV nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh. Qua “đường dây nóng”, năm 2014 ngành y tế đã xử lý nhắc nhở 6.807 cán bộ, khiển trách 137 cán bộ, cách chức 6 cán bộ, cho 4 cán bộ nghỉ việc và khen thưởng cho 229 tập thể, cá nhân…

Tin từ Bộ Y tế vừa cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký quyết định thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động của hệ thống đường dây nóng trong ngành y tế ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về công tác khám chữa bệnh qua đường dây nóng tại một số Sở Y tế và đơn vị trực thuộc bộ, gồm: tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Thanh Hóa, BV K, BV Bạch Mai, BV Nội tiết Trung ương; TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Khánh Hòa; TP Hồ Chí Minh, TP Vũng Tàu, BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất.

Nhìn qua con số thống kê thì quả là “đường dây nóng” mang đến những hiệu quả nhất định. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Y tế cũng báo cáo đã nhận được 8.441 cuộc gọi đến đường dây nóng của bộ qua số tổng đài 1900-9095. Theo Bộ Y tế, nhiều cuộc gọi qua đường dây nóng phản ánh về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế, quy trình chuyên môn, viện phí và thủ tục khám chữa bệnh BHYT, thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ… Trên cơ sở rà soát 3.159 cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận, Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV tuyến trung ương và Sở Y tế các tỉnh, thành phố xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc.; qua đó đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm 2.092 trường hợp, xử lý kỷ luật 62 trường hợp, cắt thi đua 62 trường hợp, cải thiện cơ sở vật chất 188 trường hợp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh 330 trường hợp, khen thưởng 79 trường hợp…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng từng nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội, không dung túng, bao che những trường hợp bị người dân, người bệnh phản ánh qua đường dây nóng được xác minh chính xác. Tuy nhiên, qua gần 2 năm hoạt động, tình hình “đường dây nóng” đang có xu hướng nguội dần, nếu không nói bị buông thả. Tại hội nghị “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” tổ chức mới đây ở TPHCM, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho rằng, chủ trương của Bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh một phần là cầu thị góp ý, phản ánh của người bệnh. Trong đó, duy trì “đường dây nóng” là một trong những yêu cầu cần có. Song, liệu điều này có “đánh trống bỏ dùi” khi một số cơ sở khám chữa bệnh đang buông dần trách nhiệm “lắng nghe, suy nghĩ” như những gì Bộ Y tế đã chủ trương! Và điều đó có đồng nghĩa “đường dây nóng” chỉ là một hình thức theo kiểu phong trào?

TƯỜNG LÂM

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook