Nhiều vụ ngộ độc xảy ra do đốt than củi.
Liên tiếp các ca tử vong do ngạt khí
Khởi đầu, triệu chứng tản mạn và không đặc hiệu. Ngộ độc nhẹ thường gây đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn. Ngộ độc nặng, toàn thân người bệnh bị ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân. Tim mạch có thể tụt huyết áp, nhịp tim không đều chiếm 5-6%. Đau ngực chiếm tới 1/3 bệnh nhân bị ngộ độc CO vừa và nặng. |
Trong tuần qua, tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân ngộ độc ngạt khí than, trong đó có 3 sản phụ mới sinh con ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, TP Vinh và thị xã Cửa Lò.
Ngày 22/1, bệnh viện này đã tiếp nhận cấp cứu 5 nạn nhân trú tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) bị ngộ độc khí carbon monoxide (CO). Các thành viên trong gia đình gồm: Nguyễn Thị Nga (20 tuổi), bà Nguyễn Thị Tiến (40 tuổi, mẹ ruột chị Nga), Đậu Thị Hạnh (17 tuổi, em chồng chị Nga) và 2 cháu bé: bé gái 18 tháng tuổi và bé trai 1 ngày tuổi con chị Nga.
Được biết, vào tối 21/1, chị Nguyễn Thị Nga vừa sinh con thứ 2 được 1 ngày tuổi, do thời tiết quá lạnh nên gia đình đã đốt than củi để xông cho sản phụ cũng như sưởi ấm cả nhà. Lửa được đốt âm ỉ suốt đêm trong phòng kín với diện tích khoảng 15m2.
Sáng sớm, khi người nhà mở cửa phòng, phát hiện những người lớn đã rơi vào tình trạng khó thở, sùi bọt mép, cháu bé 18 tháng tuổi tím tái, nguy kịch, ngay lập tức, các bệnh nhân được chuyển cấp cứu vào TP Vinh. Tuy nhiên em bé đã ra đi trong sự đau đớn, ân hận của cả gia đình.
Cũng tại Nghệ An, ngày 26/1, anh Vũ Văn Hà và vợ Nguyễn Thị Hoa (SN 1985) trú ở xóm 5 xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu và con trai mới sinh được gần 2 tháng tuổi nằm ngủ trong phòng. Do trời lạnh nên gia đình có bỏ than sưởi ấm trong phòng khiến cả 3 người bị ngạt khí, cháu bé tử vong, còn hai vợ chồng nguy kịch.
Cùng ngày 26/1, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình đã tiếp nhận 3 nạn nhân bị ngộ độc khí khi dùng than sưởi ấm. Do ngộ độc nặng nên cháu Đoàn Phạm Thanh Hải, 14 tuổi, trú tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã tử vong sau khi nhập viện. Hai nạn nhân còn lại là mẹ và chị của cháu Hải cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Ngày 27/1, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 3 thi thể gặp nạn do phía Trung Quốc bàn giao. Theo đó, các anh Nguyễn Văn Vương (SN 1980), Nguyễn Văn Vương (SN 1968), đều trú tại thị trấn Bình Dương, Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, chở hoa quả trên xe container BKS 51C – 350.32, đến chợ Pò Chài (Quảng Tây – Trung Quốc).
Trong thời gian chờ giao hàng, đêm 23/1, do trời quá lạnh, hai anh lấy lò than hoa cho vào cabin xe sưởi ấm. Cùng sưởi còn có anh Đặng Thành Công (SN 1981), quê Phù Mỹ, Bình Định. Hậu quả 3 người chết do ngạt khí.
Ngộ độc khí CO thường gây tử vong
Ghi nhận tại bệnh viện, hầu hết các bệnh nhân nhập viện bị nhiễm độc đều do sưởi ấm chống rét không đúng cách, họ đã sưởi ấm bằng than trong phòng bịt kín. Đối tượng bệnh nhân bị nhiễm độc hều hết là sản phụ, trẻ nhỏ và người già. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, da niêm mạc tái, kém hồng, rối loạn ý thức. Xét nghiệm khí máu cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO.
Bác sĩ Trần Văn Thành – Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An khuyến cáo: Cách đốt than sưởi ấm chỉ sử dụng than củi, tuyệt đối không sử dụng than đá và than tổ ong. Không nên đốt than trong nhà và ở trong phòng bịt kín, khi đốt lửa sưởi ấm cần mở cửa phòng để có không khí trao đổi.
Hàng năm, cứ vào mùa đông, tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các bác sĩ thường tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị ngộ độc khí do sưởi ấm bằng bếp than, nhiều người trong số đó bị tử vong. Theo các chuyên gia chống độc Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc khí CO là một tai nạn thường gặp nhất trong cả loại ngộ độc khí độc, thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh-tâm thần cao (chiếm 4-40%).
Khí CO được tạo ra từ các sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon, là chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Do vậy, khi bị ngộ độc thường khó phát hiện đến khi người bệnh nhận biết được biết mình bị nhiễm độc thì đã muộn.
TS Trương Đình Bắc- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích: Dùng than tổ ong hay than củi để sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh là nguy cơ khiến cho trẻ nhỏ và người già xuất hiện cơn hen phế quản, suy tim mạch, nặng hơn là dẫn đến tình trạng ngộ độc khí, hôn mê sâu, nếu tỉnh thì cũng để lại di chứng là mất trí nhớ.
Theo TS Trương Đình Bắc, Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế cảnh báo nhân dân về các tai nạn trong quá trình sưởi ấm như ngộ độc khí CO hoặc CO2 do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín, bỏng lửa, trẻ bị ngạt vì mặc quá nhiều quần áo ấm…
Sưởi ấm bằng than củi là thói quen thường thấy của người dân ở nông thôn. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 2/2, miền Bắc tiếp tục đón một đợt không khí lạnh mới, gây rét đậm, rét hại trở lại. Vì thế người dân nên hết sức thận trọng với phương pháp sưởi ấm này. Đừng để tiếp tục xảy ra những cái chết thương tâm vì sưởi ấm không đúng cách.
Minh Vũ
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.