Thứ Tư, 21/02/2018 | 09:25

Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học Đại học Stanford (Mỹ) đã lai tạo thành công phôi thai giữa người và cừu. Qua đó mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển các tế bào trong động vật để có thêm nguồn tạng trong điều trị ghép hoặc điều trị bệnh đái tháo đường.

Theo New Zealand Herald ngày 19/2 cho biết phôi thai chứa cả tế bào người và cừu đã được phát triển thành công bên trong một vật mang thai hộ đã được ba tuần. Như vậy, đây là phôi thai lai tạo giữa người và cừu đầu tiên trên thế giới.

Daily Telegraph UK ca ngợi đây là giai đoạn đầu hướng đến phát triển một nguồn tạng người vô tận để ghép và thậm chí chữa được bệnh đái tháo đường loại 1. Bước tiếp theo là cấy ghép các tế bào người gốc vào phôi thai cừu đã được chỉnh sửa gien để chúng không thể phát triển thành tuyến tụy cừu mà phát triển thành tuyến tụy người.

Nếu thành công thì các nhà nghiên cứu có thể xin phép các nhà quản lý để kéo dài cuộc thử nghiệm thêm 70 ngày để xem liệu các tế bào người thật sự có thể tạo nên một cơ quan trong động vật.

Phát biểu tại cuộc họp hằng năm về những tiến bộ của khoa học kỹ thuật ở Austin (Mỹ), tiến sĩ Hiro Nakuachi, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết ông tin rằng các cơ quan được phát triển trong động vật sẽ có thể cung cấp thêm nguồn tạng để ghép trong 5 đến 10 năm tới đây.

Theo Daily Telegraph UK, nước Anh cũng như các quốc gia khác trên thế giới hiện tại đang thiếu hụt nguồn tạng để ghép vì y học đã có nhiều tiến bộ, nhiều người đã được cứu sống nhưng chỉ có rất ít cơ quan được hiến tặng.

Với nỗ lực đi tìm nguồn tạng mới, năm 2017 các nhà nghiên cứu của Viện Salk (Mỹ) đã tạo nên phôi thai lai tạo giữa người và heo nhưng không phát triển thành một cơ quan người thành công. Do đó thành công của các nhà khoa học người Mỹ đã mở ra hướng đi mới trong việc cung cấp các nguồn tạng. Tuy nhiên, Robin Lovell-Badge của Viện Francis Crick (London, Anh) cảnh báo những cơ quan được phát triển theo cách này vẫn có thể bị đào thải ra bởi cơ thể khi ghép.

Theo Thanhnien.vn

 

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook