Nhiều bố mẹ để trẻ ăn tự do theo sở thích, ép ăn nhiều, coi nhẹ bữa sáng… khiến con không nạp đủ dưỡng chất, suy dinh dưỡng.
Trẻ được bố mẹ cho ăn nhiều vẫn gầy ốm. Có những bé lại béo phì thừa cân dù khẩu phần cũng tương đương các bạn. Nguyên nhân do bố mẹ chưa hiểu rõ khẩu phần dinh dưỡng đúng cách cho trẻ 6-12 tuổi. Dưới đây là 5 sai lầm thường gặp.
Để trẻ ăn tự do theo sở thích
Ở độ tuổi 6 – 12 tuổi, trẻ bắt đầu đi học, thời điểm này, trẻ được tự do ăn uống theo sở thích. Vì thế, gia đình thường không kiểm soát chính xác được khẩu phần ăn và lượng thực phẩm trẻ nạp vào cơ thể. Lúc này, trẻ có xu hướng chọn ăn các loại thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ hoặc bánh kẹo, nước ngọt gây ra nhiều tác hại cho cơ thể.
Ép con ăn quá nhiều
Ngược lại với sai lầm đầu tiên, nhiều bậc cha mẹ lại quá lo lắng về chế độ ăn uống của trẻ nên dồn ép trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu. Quan niệm này dễ khiến trẻ dư năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì. Đồng thời, một số trẻ bị ép ăn lại nảy sinh tâm lý phản kháng khiến con chán ăn, sợ ăn.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp. |
Nặng bữa tối nhẹ bữa sáng
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể để khởi đầu một ngày mới. Nhưng với nhịp sống bận rộn, nhiều gia đình lơ là để trẻ ăn bữa sáng sơ sài hoặc vội vàng, không đủ chất. Để bù lại, các em nhỏ này có xu hướng ăn nhiều vào bữa tối, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, tích mỡ vùng bụng và nội tạng.
Ăn nhiều thịt mới tốt
Nhiều bậc phụ huynh quan niệm cho con ăn nhiều thức ăn chứa protein động vật như thịt, trứng, sữa thì mới bổ dưỡng, thông minh và mau lớn. Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại, lượng đạm động vật quá nhiều trong khẩu phần của trẻ có thể gây hại cho sức khỏe. Đạm động vật có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều axit amin thiết yếu nhưng lại ở dạng liên hợp như nucleoprotein, lipoprotein. Trong quá trình chuyển hóa, chúng sẽ tạo ra các chất độc hại cho cơ thể như urê, axit uric, nitric, nitrat, cholesterol gây ung thư hoặc các bệnh về tim mạch sau này.
Hạn chế cho con ăn các loại thức ăn nhanh, nước ngọt, bánh kẹo. |
Ăn ít rau và trái cây
Những điều tra gần đây của Trung tâm dinh dưỡng TP HCM cho thấy trẻ em ở độ tuổi 6-12 có xu hướng ăn ít trái cây và rau hơn 30% so với khuyến nghị khẩu phần trong một ngày. Đa phần cha mẹ Việt Nam đều quan niệm trái cây, rau chỉ cung cấp vitamin, không cần thiết cho cơ thể như các loại đạm động vật. Bố mẹ cũng không tập cho trẻ thói quen ăn rau và trái cây từ nhỏ nên đến độ tuổi có thể tự do chọn đồ ăn, các em không có thói quen này.
Để khắc phục những sai lầm trên, giúp bé phát triển cân đối, khỏe mạnh hơn, cha mẹ nên có sự lựa chọn hợp lý, khoa học cho khẩu phần ăn của bé.
Lời khuyên từ bác sĩ dinh dưỡng
Trẻ 6-12 tuổi đang ở giai đoạn chuẩn bị cho việc phát triển vượt bậc về thể chất ở tuổi dậy thì, do vậy trẻ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để xây nền móng vững chắc cho tương lai. Để trẻ phát triển hệ xương và chiều cao, cần cung cấp nhiều can xi, khoáng chất, vitamin D3 và kẽm.
Những thực phẩm chứa nhiều canxi tốt cho sức khỏe của bé, trong đó có sữa đậu nành. |
Những thực phẩm chứa nhiều canxi tốt cho sức khỏe của bé gồm có sữa đậu nành, sữa chua, sữa, các loại ngũ cốc, cải xoăn, bắp cải, hải sản, cá hồi. Mẹ chú trọng phát triển trí não cho trẻ bằng cách cung cấp DHA, mangan (có trong các loại hạt như đậu nành, đậu phộng, đậu xanh, cam, chanh, rau dền, trứng động vật). Đừng quên chuẩn bị cho con những món ăn chứa nhiều vitamin và biotin (có trong các loại hạt như đậu nành, hạnh nhân, cà rốt, các loại quả mọng) để bé dễ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng.
Các bữa ăn cho trẻ cần phải có hàm lượng đạm cao nhưng cân bằng giữa lượng đạm động vật với đạm thực vật. Đạm động vật có trong thịt, cá, trứng, sữa, còn đậu nành, các loại hạt lại chứa nhiều đạm thực vật. Cần bổ sung đạm thực vật bởi chúng lành tính, không cholesterol, giàu axit amin và hạn chế được các yếu tố bất lợi cho sức khỏe mà đạm động vật gây ra.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp
Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.